Cung điện Panthéon bị 'áo đen' chiếm

Trần Thu Dung |

Trời nóng như thiêu. Paris như chảo lửa, không chút giọt mưa. Giữa cơn nóng kéo dài, mọi người đều bức bối, lại tăng thêm sức nóng của đoàn biểu tình áo đen hôm 12 tháng 7.

Panthéon nổi tiếng của Pháp ngay gần vườn hoa Luxembourg và nghị viện, nhà thờ Đức Bà cùng trường đại học nổi tiếng Sorbonne. Đây là nơi yên nghỉ của các vĩ nhân Pháp đã có công làm rạng danh nước Pháp như Marie Curie, Victor Hugo, Emile Zola, Jean Monet, Simon Veil… Sáng 12 tháng bảy, gần 600 người vô gia cư, không giấy nhập cư, đa số là người da đen đã chiếm cung điện này. Những người này – đòi quyền cư trú - tự xưng là phong trào “áo đen”, gợi đến sự liên quan phong trào gilet vàng xuất hiện gần đây.

Chính quyền Pháp vốn có quy chế: muốn có giấy cư trú phải có công ăn việc làm chính thức ở một nơi nào đó. Nhưng có một điều mâu thuẫn, muốn có công ăn việc chính thức khai báo, chủ đòi hỏi phải có giấy tờ hợp pháp. Vòng luẩn quẩn này làm cho nhiều người sống chui lủi và làm lậu ở Pháp. Chủ sẽ bị phạt nặng và người lao động chui này sẽ bị bắt, bị trục xuất khỏi nước Pháp nếu bị phát hiện. Nhiều người qua Pháp hơn 20 năm nhưng chưa có giấy tờ cư trú.

Đối với chính quyền nhân đạo, một vấn đề khác đặt ra, khi những người di cư có giấy tờ hợp lệ họ sẽ được hưởng mọi chính sách giúp đỡ như trợ cấp nhân sinh, khám bệnh, con cái đi học miễn phí, nhà ở rẻ cho người thu nhập thấp… Sau đó với chính sách nhân đạo, họ có quyền đón gia đình, cha mẹ sang sống cùng. Sự đoàn tụ này cũng lại đòi hỏi phát sinh một số trợ cấp…

Trong cuộc cạnh tranh bầu cử, nhiều ứng cử viên đưa ra chính sách nhập cư để hy vọng thêm số phiếu ủng hộ của người Pháp nhập cư. Nhưng cũng có đảng công khai chống lại chính sách nhân đạo này như đảng Mặt trận quốc gia của Le Pen. Đảng bài xích ngoại quốc này đã chiếm được gần 30% số phiếu cử tri, thắng lợi rực rỡ ở vòng một, song luôn thất bại ở vòng hai vì các đảng có quan điểm khác đã dồn phiếu để loại bỏ đảng này trong mấy cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất.

Nước Pháp chưa nguội cơn sốt nóng gilet vàng kéo dài gần một năm, giờ thêm phong trào áo đen. Hết vàng đến đen, tổng thống và thủ tướng đau đầu đối phó.

Nếu đợt sóng biểu tình gilet vàng kéo dài, đập liên tục vào “bờ” chính quyền, sóng áo đen rất yếu đã tan ngay trong vòng chưa đầy 12 tiếng. Tuy nhiên các báo chí đều đưa tin nóng hổi. Đám biểu tình này cũng hy vọng kéo dài để thu hút sự chú ý của báo chí. Vì chỉ còn 24 tiếng nữa là cả nước Pháp sẽ sáng rực pháo hoa ở khắp các tỉnh đón chào quốc khánh 14 tháng 7. Chính vì để người dân Pháp, và khách du lịch tận hưởng ngày vui của đất nước, nên cuộc biểu tình bị dẹp ngay.

Cách đây 4 năm, một vụ thảm sát khủng bố nhân ngày quốc khánh đã cướp đi gần 200 sinh mạng đến dự lễ bắn pháo hoa ở Nice. Do đó chính quyền Pháp vội vàng dẹp ngay vụ biểu tình chiếm đóng cung điện Panthéon này.

Các vĩ nhân nước Pháp đang ngon giấc ngủ ngàn thu bỗng một ngày bị xáo trộn thức giấc khi một màu đen lấp đầy sảnh cung điện. Họ đã đấu tranh và hy sinh, đem lại vinh quang cho nước cộng hòa Pháp. Họ xây dựng một nước Pháp với các giá trị tự do, bình đẳng, dân chủ, bác ái như trong chương đầu tiên của hiến pháp nước Cộng hòa Pháp đã khẳng định. Chính những giá trị này thúc đẩy nhập cư và xuất hiện một xã hội đa chủng tộc và đa văn hóa ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Đây lại là lý do thúc đẩy những ngòi châm tự phát của đám biểu tình đen.

Sắp tới sẽ có biểu tình màu gì diễn ra trên nước Pháp tự do dân chủ bác ái này? Đó là một câu hỏi không có lời giải đáp làm các vị lãnh đạo Pháp luôn bất ngờ.

Cung điện Panthéon bị áo đen chiếm - Ảnh 1.

Đoàn biểu tình bị cảnh sát dẹp

Cung điện Panthéon bị áo đen chiếm - Ảnh 2.

Biểu ngữ: Ủng hộ gilet đen trước cung điện Panthéon

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại