Tôi đã gặp những bà mẹ như thế và họ mãi nằm trong ký ức, nhất là sau vụ mẹ kế bạo hành con chồng đang xôn xao dư luận.
Bà Năm ở cách nhà tôi 3 căn từ khi nào tôi không rõ, chỉ biết khi dọn về chung xóm đã nghe 4 mẹ con ngụ nơi đây lâu lắm rồi.
Cực kì hiếm khi tôi nghe bà la mắng con cái, cũng chẳng mấy khi nhà ấy buồn đau chuyện gì. Với nhiều gia đình điều ấy không lạ nhưng bà Năm là mẹ kế nuôi con chồng từ khi đứa lớn nhất mới 12 còn đứa bé vừa lên 6 mà chồng đột ngột qua đời do TNGT.
Giờ đây cả 3 xem bà như mẹ ruột, dựng vợ gả chồng , ăn học đau ốm cũng một tay bà vì mẹ đẻ mất cũng khá lâu rồi. Ông mất, bà ở vậy từ năm 34 tuổi không đi bước nữa vì sợ “con người ta” nheo nhóc.
Ảnh minh họa.
Chuyện nghe cứ như cổ tích nhưng mấy ngày trước có dịp về ngang xóm cũ, tôi vẫn thấy con gái út “của người ta” đang nhổ tóc sâu cho bà. Nhìn bà và mấy anh em cha không mẹ ruột cũng chẳng còn tôi lại thấy niềm vui nho nhỏ “ người với người sống để thương nhau”. Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn sơ thế, nhìn thì hiếm nhưng chẳng phải không còn trên thế gian này.
Tôi nhớ bà Năm còn bởi vài hôm trước tình cờ xem lại clip Điều ước thứ 7 kể lại Câu chuyện về người “dì ghẻ” Phan Thị Hoa (46 tuổi, ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An).
Có lẽ clip ấy cũng vài năm rồi nhưng hình ảnh một bóng dáng khắc khổ, đôi tay bà nổi gân xanh gầy guộc, gương mặt hốc hác hết lòng chăm sóc đứa con riêng thứ 7 của chồng - Trần Văn Thắng (SN 1997) bị ung thư xương đầu gối.
Bà Phan Thị Hoa và cậu con trai đã mãi mãi ra đi ở tuổi 20 do căn bệnh ung thư. Ảnh:Internet
Chàng trai ấy đang độ khỏe mạnh nhưng gia đình bất ngờ phát hiện Thắng mắc bệnh và người lo mọi thứ cho đến lúc Thắng từ giã cõi đời vẫn là “ dì ghẻ” Hoa. Nuôi con mình tận tình như thế chưa chắc dễ, chăm “con người ta” như núm ruột sinh ra quả là điều đáng khâm phục.
Không chỉ bà Năm hay bà Hoa, tôi còn đọc được những dòng sau “bà Vàng Thị Chúa (53 tuổi, dân tộc Mông), tổ 4, thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).
Năm 30 tuổi, bà về làm vợ hai ông Vừ Mí Sính Khi về làm lẽ, ông Sính đã có 2 con. Cô con gái lớn 8 tuổi và con trai 6 tuổi. Hai ông bà sống với nhau hạnh phúc, cùng nhau làm ăn và nuôi các con.
Suốt 10 năm chung sống, bà Chúa không mang thai. Thế rồi, bỗng một ngày, ông Sính lên cơn đau bụng rồi qua đời, bỏ lại bà Chúa cùng 2 con ra đi.
Người con gái lớn khi ấy 18 tuổi, người con trai 16 tuổi. Bà Chúa ở lại một mình xoay sở nuôi 2 đứa con của chồng và còn đích thân dựng vợ, gả chồng cho 2 con. Người con gái cả lấy chồng xa, ít khi có thời gian về nhà. Bà Chúa ở cùng người con trai thứ là Vừ Mí Chả”.
Bà Vàng Thị Chúa. Ảnh:Internet
Có thể những câu chuyện trên chỉ là cá biệt như những vụ bạo hành con riêng của mẹ kế. Có lẽ những bà mẹ như thế như từ trong truyện cổ tích bước ra. Nhưng nhìn thấy họ, nghe được câu chuyện về họ và cảm nhận những hy sinh của họ; ít ra chúng ta cũng thấy nhẹ lòng hơn với những hoàn cảnh éo le phải đi bước nữa hay “ mẹ ghẻ con chồng”.
Tôi không quá ảo tưởng để bảo rằng các bà mẹ kế hãy xem đó như những tấm gương để noi theo, tuy nhiên với những tấm lòng này tôi tin các chị có thể chứng minh rằng không phải khi nào dì ghẻ cũng ghét con chồng. Tôi cũng tin những cha dượng rồi sẽ hành xử xứng đáng một người đàn ông.
Mỗi khi một đứa trẻ bị đánh đập hành hạ dã man, cả xã hội bức xúc. Nếu chúng bị chính người thân mình ra tay, phẫn nộ ấy càng dâng trào. Và đó là mẹ kế hay cha dượng thì tức giận đã lên đỉnh điểm.
Bé trai 10 tuổi bị bạo hành đang gây xôn xao dư luận trong nhiều ngày qua. Ảnh: Internet
Nhưng với những bà mẹ trên và cả nhiều ông bố dượng tôi đã từng gặp, có lẽ “hai kẻ mặt người lòng dạ quỷ dữ” mà dư luận đang lên án kia chỉ là cá biệt.
Tôi không muốn dùng những dòng này để biện minh cho bất cứ tội ác nào vì chúng phải bị trừng trị và trả giá thích đáng. Tôi chỉ muốn nhắn gửi rằng cuộc sống có lúc này lúc khác, ruột thịt đôi khi cũng cơm không lành canh chưa ngọt nên người dưng với nhau khó tránh khỏi bất đồng rồi nóng giận.
Tôi tin đó không phải là bản chất của đa số của những con người dù có lúc, có nơi cái ác đang xâm lấn. Tôi còn tin với đại đa số biết phẫn nộ với “ dã nhân”, biết đồng cảm với nỗi đau và biết chia sẻ với mất mát thì những câu chuyện như bà Năm, mẹ Hoa, bà Vàng Thị Chúa… rồi sẽ còn nhiều.