Cúm gia cầm và nỗi lo lạm phát giá lương thực

XUÂN MAI |

Hơn 40 quốc gia khắp châu Âu, châu Á và châu Phi đã ghi nhận các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm kể từ tháng 5, theo số liệu của Tổ chức Thú y thế giới.

Dịch cúm gia cầm bùng phát tại một trang trại chăn nuôi gà ở TP Yokote, tỉnh Akita - Nhật Bản vào tháng 11-2021 Ảnh: KYODO

Dịch cúm gia cầm bùng phát tại một trang trại chăn nuôi gà ở TP Yokote, tỉnh Akita - Nhật Bản vào tháng 11-2021 Ảnh: KYODO

Những người chăn nuôi gia cầm trên thế giới đang đối mặt đợt dịch cúm gia cầm ngày một nghiêm trọng, đe dọa khiến giá thịt gà tăng cao và làm giảm sản lượng trứng gà nuôi thả.

Theo số liệu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), hơn 40 quốc gia khắp châu Âu, châu Á và châu Phi đã ghi nhận các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm kể từ tháng 5. Làn sóng dịch này có thể làm gia tăng hơn nữa giá lương thực vốn đang gần mức cao kỷ lục, cũng như gánh nặng chi phí đè lên các hộ gia đình.

Theo OIE, Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng rồi thông báo các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm mới khiến gần 1 triệu gia cầm bị tiêu hủy. Còn tại châu Âu, hàng triệu gia cầm đã bị tiêu hủy vào mùa đông năm ngoái do dịch bệnh.

Số ca cúm gia cầm năm nay tăng sớm hơn bình thường, buộc các nước ra quy định nuôi nhốt gia cầm để phòng dịch. Ông Nan-Dirk Mulder, chuyên gia của Ngân hàng Rabobank (Hà Lan), cảnh báo làn sóng dịch bệnh mới có nguy cơ khiến giá thịt gia cầm trở nên thêm đắt đỏ.

Ông Mulder chỉ ra rằng sản lượng thịt gà châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lao động, chi phí thức ăn và năng lượng tăng cao.

Theo thống kê, số ca cúm gia cầm thường đạt đỉnh trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 4 (năm sau). Riêng năm nay, theo OIE, tình trạng dịch bệnh cho thấy nhiều chủng virus cúm gia cầm đang hoành hành tại nhiều nơi.

Ba Lan, nhà sản xuất thịt gà lớn nhất châu Âu, đã tiêu hủy hơn một triệu gia cầm kể từ đầu tháng 11. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến gà tây ở Đan Mạch và ngỗng tại Đức. Pháp cũng ghi nhận các đợt bùng dịch ở gà và vịt trong năm nay.

Anh cũng đang chống chọi với đợt bùng phát dịch cúm gia cầm nghiêm trọng với khoảng nửa triệu gia cầm đã bị tiêu hủy cho đến nay. Theo Giám đốc Thú y của Anh, bà Christine Middlemiss, dịch cúm gia cầm đã lan đến 40 cơ sở ở nước này.

Trong khi đó, phát biểu tại hạ viện hôm 9-12, Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice nhận định nước này đang chứng kiến đợt bùng phát cúm gia cầm lớn nhất từ trước đến nay và dịch bệnh ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với ngành chăn nuôi trong năm nay.

Kể từ ngày 29-11, tất cả trang trại nuôi gia cầm ở Anh đã được yêu cầu không được thả gia cầm ra ngoài và tuân theo các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt.

Nhìn chung, theo ông Mulder, số lượng gia cầm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng gia cầm. Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định nỗi lo dịch bệnh có thể gây áp lực cho người chăn nuôi và cản trở nỗ lực mở rộng sản xuất. Trước mắt, châu Âu đang đối mặt tình trạng nguồn cung hạn chế, giá cao và sự lây lan nhanh chóng của dịch cúm gia cầm sẽ khiến sản lượng thêm sụt giảm.

"Yếu tố bổ sung này sẽ tác động đến lạm phát giá lương thực. Đây dường như là năm chứng kiến dịch cúm gia cầm nghiêm trọng ở châu Âu và trên toàn cầu" - ông Mulder nhận định với trang Bloomberg hôm 11-12. Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) hồi tháng rồi cho biết sản lượng gia cầm phần lớn đáp ứng nhu cầu toàn cầu nhưng những trở ngại về vận chuyển và dịch cúm bùng phát ở châu Âu và châu Á đang khiến nguồn cung gặp thêm thách thức.

Theo hãng tin Reuters, chủng virus cúm gia cầm H5N1 độc lực cao đã được phát hiện tại các cơ sở ở phía Bắc hạt Yorkshire và phía Nam hạt Suffolk hôm 8-12. Chủng này được phát hiện tại một trung tâm cứu hộ ở hạt Worcestershire hôm 27-10 và sau đó đã xảy ra một loạt đợt bùng phát tại nhiều địa điểm khác nhau. Tất cả gia cầm tại các cơ sở này đều bị tiêu hủy. Chủng H5N1 cũng lây lan khắp châu Âu trong vài tuần qua, với các ổ dịch được ghi nhận ở một số nước như Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Đan Mạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại