An toàn ngay từ các hộ gia đình
Huyện Đông Anh có vị trí quan trọng ở cửa ngõ Thủ đô khi nằm gần Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - nơi đang điều trị, cách ly những ca mắc và nghi mắc Covid-19.
Địa bàn huyện có hàng trăm trường hợp người Việt trở về từ các nước có dịch, hơn 1.000 người có nguy cơ cao bị lây nhiễm như tiếp viên hàng không, lễ tân khách sạn, lái xe taxi… Do đó, huyện Đông Anh đã sớm xây dựng đề án “Cụm dân cư an toàn phòng, chống dịch Covid-19".
Theo lãnh đạo UBND huyện Đông Anh, cụm dân cư an toàn được hiểu là một nhóm hộ gia đình, một ngõ xóm, tổ đội, một dãy nhà tập thể, tòa nhà chung cư, trong đó mỗi người dân và cộng đồng có hiểu biết về nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng, chống dịch bệnh.
Cụm dân cư tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn của ngành y tế và chính quyền các cấp về phòng, chống dịch Covid-19; không có trường hợp nào mắc Covid-19.
Trường hợp có người bị mắc bệnh, tại cụm dân cư phải đảm bảo cách ly y tế nghiêm ngặt không để dịch bệnh lây lan tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, cụm dân cư có thái độ và cách xử trí thích hợp với từng tình huống dịch bệnh; không kỳ thị với người bệnh và người đang cách ly. Mỗi cụm dân cư đáp ứng đầy đủ các nội dung trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo phương châm 4 tại chỗ:
Dự phòng, cách ly tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; nhân lực tại chỗ; kinh phí đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và vận chuyển tại chỗ.
Khi xây dựng cụm dân cư an toàn, huyện chú trọng đến việc xây dựng hộ dân an toàn, sau đó đến cụm dân cư an toàn làm cơ sở để xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn. Cùng với đó, huyện trưng dụng 197 nhà văn hóa để làm Trung tâm điều hành các nội dung phòng, chống dịch.
Từ đó, Đông Anh xây dựng phương án, nếu phải khoanh vùng một xóm, một thôn, nhà văn hóa chính là nơi cung cấp lực lượng, vật tư, lương thực thực phẩm, thuốc men cho các hộ dân theo nguyên tắc 4 tại chỗ.
Huyện đã chuẩn bị gần 190.000 khẩu trang, hơn 1.000 chai dung dịch sát khuẩn, 540kg Cloramin B… Tổng kinh phí đã được bố trí và huy động cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 khoảng 10 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, huyện Đông Anh đã hoàn thành phân vai cán bộ chủ chốt từ huyện tới xã, tổ chức diễn tập kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 để không bị động khi dịch bệnh diễn ra.
Sự chung sức, đồng lòng của người dân
Là địa bàn có 3.072 hộ với hơn 12.000 dân ở 63 cụm dân cư, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, đã sớm ban hành kế hoạch xây dựng cụm dân cư an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Canh cho biết, toàn xã thành lập khoảng 40 chốt kiểm soát dịch ở tất cả 7 thôn và khu dân cư.
Hoàn thành việc xây dựng quy chế hoạt động của tổ phòng chống dịch và các chốt trực; phát tờ rơi và tuyên truyền tới người dân về thực hiện cam kết cụm dân cư an toàn, gia đình an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Xã cũng chỉ đạo thành lập các nhóm Zalo của từng cụm dân cư để thuận tiện trong công tác thông tin, tuyền truyền tới người dân liên quan đến phòng chống dịch.
Các cán bộ hội, đoàn thể trong các thôn đã tuyên truyền, vận động người dân tăng cường vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhắc nhở các tiểu thương tại chợ đeo khẩu trang khi buôn bán. Đặc biệt, tính đến ngày 12-4, nhân dân trong xã đã ủng hộ vào công tác phòng chống dịch Covid-19 của xã số tiền hơn 220 triệu đồng.
Ngoài ra, người dân cũng ủng hộ hàng trăm thùng mỳ tôm, hơn 1.500 quả trứng, gần 1.500 khẩu trang, hơn 400 đôi găng tay y tế...
Tại các chốt kiểm soát y tế ở các ngõ xóm, tổ phòng dịch từ 2 – 5 người có nhiệm vụ ghi lại họ tên, địa chỉ người đi qua chốt, đến nhà ai có việc gì. Tất cả đều được đo thân nhiệt và yêu cầu rửa tay sát khuẩn trước khi vào thôn.
Khi chúng tôi tới ghi nhận tại chốt kiểm dịch cổng làng thôn Phan Xá, xã Uy Nỗ, tổ kiểm dịch cũng yêu cầu đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn theo quy định phòng dịch.
Tại đây cũng đặt một bộ bàn ghế uống nước, một chiếc giường có cả chăn màn để phục vụ cho ca trực buổi tối hoạt động kiểm soát người ra vào, nhất là những người đến từ các vùng có dịch.
Ngoài máy đo thân nhiệt và nước sát khuẩn, chốt cũng được trang bị thêm một buồng khử khuẩn bằng muối Ion Anolyte. Đây là sản phẩm công nghệ do một hộ gia đình trong thôn ủng hộ cho địa phương để phòng chống dịch.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Đạm (70 tuổi), Chi hội Cựu chiến binh thôn Phan Xá, thành viên tổ kiểm soát dịch cho biết, mỗi ca trực đều có từ 3 – 5 người làm nhiệm vụ kiểm soát số lượng người ra vào.
Tổ kiểm dịch yêu cầu người dân rửa tay sát khuẩn và tiến hành đo thân nhiệt. Những trường hợp có thân nhiệt bình thường sẽ được đi qua chốt. Nếu ai có nhiệt độ cao từ 37 độ 5 trở lên sẽ được tư vấn các biện pháp y tế cần thiết theo quy định.
“Ở đây chúng tôi chia ra làm 6 ca trực hàng ngày, mỗi ca kéo dài 4 tiếng. Riêng các ca trực từ 8g – 12g, 16g – 20g số lượng người ra vào đông hơn cả do nhu cầu đi lại mua thực phẩm của người dân.
Những thành viên cao tuổi như tôi được bố trí vào ca trực ngày chứ không phải trực đêm do sợ ảnh hưởng sức khỏe. Còn ca tối từ 20g – 0g và 0g – 4g, lượng người dân ra vào chốt ít hơn nhưng vẫn có người trực để đảm bảo không bỏ lọt trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh.
Chưa biết dịch bệnh bao giờ mới kết thúc nhưng chúng tôi lúc nào cũng chỉ mong cả đất nước chúng ta cùng chung tay thực hiện nghiêm chỉ thị của Chính phủ, khuyến cáo của ngành y tế và chỉ đạo từ thành phố để sớm đẩy lùi được dịch Covid-19.
Dù cao tuổi nhưng lòng nhiệt thành, trách nhiệm với quê hương của chúng tôi không bao giờ vơi cạn. Tuyên truyền tới từng người dân về các cách thức phòng chống dịch bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng là việc làm thường xuyên.
Lấy công việc làm niềm vui lúc tuổi già và góp sức cho quê hương còn giúp cho tôi thêm khỏe ra”, ông Đạm vui vẻ tâm sự.