Khó kiểm soát phân bón
Theo ông Cường, sau khi vụ việc xảy ra tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia (gọi tắt là Trung tâm), Cục đã cung cấp đầy đủ các hồ sơ liên quan cho phía cơ quan điều tra yêu cầu.
Hậu quả xảy ra như thế chả ai muốn, vì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Cục và Bộ. Quan điểm của chúng tôi là không bao che, đã sai phạm phải xử lý.
Thưa ông, với các cá nhân sai phạm trong vụ việc trên, Cục đã xử lý thế nào?
Có 3 cá nhân là ông Hòa (Phó giám đốc Trung tâm) cùng hai cán bộ của Trung tâm là bà Hương và ông Linh, Cục đã thành lập Hội đồng kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng, buộc thôi việc… Còn vi phạm thế nào, cơ quan công an sẽ có kết luận điều tra và xử lý.
Còn hai cán bộ khác của Trung tâm có liên quan, cơ quan điều tra cho rằng, chưa đến mức phải xử lý hình sự, Cục cũng lập Hội đồng kỷ luật để xử lý sự việc theo đúng quy định.
Với các cá nhân, tổ chức liên quan liên đới vụ việc trên, Bộ cũng đã có các hình thức xử lý, kỷ luật khác.
Cục đã xử lý ra sao, khi cơ quan điều tra xác định Trung tâm đã cấp “bậy” giấy chứng nhận cho 815 loại phân bón?
Hiện đã có kết luận cơ quan điều tra về các sai trái của Trung tâm. Đây là căn cứ để xử lý.
Đương nhiên, anh nào sai phải xử lý trước pháp luật. Tuy nhiên, để khắc phục 815 sản phẩm đã được chứng nhận sai, việc thu hồi là cực kỳ khó, sẽ làm xáo trộn, dậy sóng thị trường.
Tuy nhiên, để xử vấn đề này, “rất may” từ 1/2/2016, Nghị định 202 về Quản lý phân bón có hiệu lực.
Qua việc đăng ký về Cục theo nghị định trên, (Bộ NN&PTNT quản lý về phân bón phân hữu cơ và phân bón khác, phân bón vô cơ do Bộ Công Thương quản lý) các loại phân bón không có chứng nhận hợp quy, không được cấp giấy phép sản xuất.
Như vậy, nếu có doanh nghiệp nào đăng ký một trong số 815 loại phân bón trên, chúng tôi sẽ loại ngay.
Ông Nguyễn Như Cường: “Việc thu hồi là cực kỳ khó...”.
Còn 111 sản phẩm phân bón nằm ngoài danh mục đã được cấp chứng nhận và 16 sản phẩm phân bón mới được Hội đồng thẩm định của Cục thông qua, nhưng chưa khảo nghiệm, đến nay đã sản xuất lưu thông ra thị trường chưa, xử lý thế nào, thưa ông?
Trong hàng trăm loại phân bón ngoài danh mục đó, bảo cái nào đã sản xuất, cái nào chưa, chúng tôi không có câu trả lời chính xác được.
Vì chúng tôi không điều tra về việc đó. Thực tế, trong số hơn 5.000 loại phân bón trong danh mục, bảo loại phân nào đang tồn tại thực sự, thị phần ra sao thì chưa ai đánh giá được.
Cái này cũng phải nói rõ, trước đây, quản lý phân bón theo danh mục, nhưng theo Nghị định 202 là quản lý theo điều kiện.
Thực tế, trong quá trình thanh, kiểm tra, các kết luận cũng cho thấy chưa phát hiện thấy loại phân bón ngoài danh mục nói trên tồn tại trên thị trường.
Có nghĩa cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được loại phân bón nào sẽ được sản xuất, tiêu thụ sau khi được cấp chứng nhận?
Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp đem mẫu phân bón, làm thủ tục đăng ký khảo nghiệm tại các đơn vị đã được Bộ chỉ định. Sau khi có kết quả đạt yêu cầu, sẽ được đưa vào danh mục và doanh nghiệp có thể sản xuất, lưu thông.
Còn việc doanh nghiệp có sản xuất hay không, ít hay nhiều, là quyền của doanh nghiệp và chúng tôi chưa kiểm soát được một cách chắc chắn.
Doanh nghiệp có thể đăng ký 10 loại phân bón, nhưng chỉ sản xuất 1, còn lại có thể sản xuất lúc khác…
Tôi đã đề xuất và được Bộ trưởng (ông Cao Đức Phát -PV) ủng hộ, và cho thanh tra toàn bộ 11 đơn vị được chỉ định trong vấn đề khảo kiểm nghiệm phân bón (kể cả nhà nước và tư nhân). Nếu anh chứng nhận "láo", thì phân bón "đểu" sẽ tràn lan. Hiện chúng tôi đang chờ kết luận thanh tra và sẽ kiên quyết xử lý những đơn vị vi phạm.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường
Thanh tra toàn bộ hoạt động cấp chứng nhận phân bón
Sau vụ việc trên, Bộ đã có biện pháp gì chấn chỉnh việc cấp phép phân bón?
Tôi về Cục công tác mới được hơn 6 tháng. Qua một thời gian tôi thấy các đơn vị cấp chứng nhận có vấn đề.
Tôi đã đề xuất và được Bộ trưởng (ông Cao Đức Phát -PV) ủng hộ, và cho thanh tra toàn bộ 11 đơn vị được chỉ định trong vấn đề khảo kiểm nghiệm phân bón (kể cả nhà nước và tư nhân).
Nếu anh chứng nhận “láo”, thì phân bón “đểu” sẽ tràn lan. Hiện chúng tôi đang chờ kết luận thanh tra và sẽ kiên quyết xử lý những đơn vị vi phạm.
Theo quy định, sai số so với quy chuẩn tới 30% mới bị coi là phân bón giả, như vậy, nếu sai số tới 29% là phân bón kém chất lượng.
Trong khi ở Thái Lan, chỉ sai số 10% là phân bón giả rồi… Với quy định hiện nay không tránh khỏi việc gian lận trong các chỉ tiêu chất lượng của phân bón.
Thưa ông, qua việc sàng lọc theo Nghị định 202, đến nay, thực sự có bao nhiêu loại phân bón (thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT) đang “sống” trên thị trường?
Thực tế khoảng 5.000 loại phân bón chỉ được phép tồn tại lưu thông trên thị trường trước 1/2/2016.
Tuy nhiên, qua danh sách của Cục Trồng trọt (đăng ký theo Nghị định 202), chỉ những loại phân bón được cấp chứng nhận hợp quy và công bố lên mạng mới được đưa vào sản xuất, kinh doanh. Và con số đó đến nay chỉ hơn 300.
Tuy nhiên, theo quy định mới, giấy chứng nhận hợp quy chỉ là một trong những điều kiện cần.
Các cơ sở sản xuất còn phải đáp ứng điều kiện về nhân lực, dây chuyền công nghệ, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hệ thống phân tích chất lượng… thì mới được cấp phép sản xuất.
Do vậy, sau ngày 1/2 tới, kể cả trong số 300 loại phân trên còn bị co lại, có khi chỉ còn vài ba chục doanh nghiệp.
Cảm ơn ông.