Có thể vẫn còn quá sớm để trả lời câu hỏi đó, nhưng một điều chắc chắn là Brexit sẽ buộc EU - chỉ còn 27 thành viên - phải có những thay đổi căn bản để đáp ứng dư luận ngày càng hoài nghi về một Châu Âu hợp nhất.
Trước mắt, các lãnh đạo EU đang nỗ lực trấn an dư luận ở lục địa này để tránh hiệu ứng domino từ Brexit, nhất là vì phe cực hữu ở một số nước như Pháp, Hà Lan, Italia hôm 24.6 đã đòi tổ chức trưng cầu dân ý tương tự như ở Anh.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, phát biểu nhân danh các nước thành viên EU, đã bày tỏ quyết tâm duy trì sự đoàn kết của 27 nước thành viên.
Ông bảo đảm rằng từ đây đến khi nước Anh chính thức ra khỏi EU, luật lệ của Châu Âu sẽ tiếp tục được áp dụng đối với Anh, cả về các quyền cũng như về các nghĩa vụ của nước này.
Trên đài truyền hình Đức ZDF, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz cũng khẳng định sẽ không có "phản ứng dây chuyền", như hy vọng của phe chống Châu Âu hợp nhất.
Sau các cuộc họp khẩn cấp giữa các lãnh đạo Châu Âu, ngày 25.6, ngoại trưởng của 6 nước sáng lập viên Cộng đồng Kinh tế Châu Âu, tiền thân của Liên minh Châu Âu, dự kiến họp tại Đức.
Cuộc họp thượng đỉnh EU trong hai ngày 28 và 29.6 chắc chắn sẽ chủ yếu bàn về Brexit và những hậu quả cũng như các thủ tục của cuộc "ly dị" này.
Trước đó, 28 ủy viên Châu Âu sẽ họp lại ngay từ thứ hai tuần tới, 27.6, để bàn cụ thể các thủ tục pháp lý sẽ rất phức tạp.
Ngay cả trước khi có kết quả trưng cầu dân ý về Brexit, các luật gia của Ủy ban Châu Âu đã được yêu cầu hoãn đi nghỉ hè để có thể bắt tay ngay vào "công trình" tư pháp đồ sộ này.
Ủy ban Châu Âu cũng vừa yêu cầu Anh nhanh chóng tiến hành thương lượng về thủ tục ra khỏi EU.
Ngoài việc trấn an dư luận, EU còn phải trấn an các thị trường tài chính.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu ra tuyên bố bảo đảm rằng hệ thống ngân hàng của khu vực euro đủ vốn và thanh khoản để kháng cự với Brexit và nếu cần sẽ bơm thêm thanh khoản bằng đồng euro và ngoại tệ vào để ổn định các thị trường.
Những người lạc quan nghĩ rằng việc Anh quyết định ra khỏi EU có thể là một cú sốc "cứu rỗi", vì nó sẽ thúc đẩy việc hình thành một Châu Âu "hai vận tốc", với một nhóm quốc gia "hạt nhân" hội nhập ngày càng chặt chẽ hơn và một nhóm các quốc gia khác bao quanh hạt nhân này, vẫn là thành viên EU nhưng được miễn trừ một số điểm về mặt tư pháp, nội vụ, thậm chí tiền tệ.
Có lẽ với một cơ cấu như vậy, EU sẽ có thể sống sót sau cơn chấn động lịch sử vừa qua.