Khi Tổng thống Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria , động thái được cho là dọn đường để Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công vùng Đông Bắc nước láng giếng, bản đồ quyền lực ở Syria được vẽ lại.
Quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ bị chỉ trích là cú đâm sau lưng đồng minh người Kurrd mở ra cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ, chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, Iran, Nga và thậm chí là cả IS.
8 năm chiến tranh ở Syria định hình và thay đổi Trung Đông. Trong ngót nghét gần 1 thập kỷ này, số phận của Syria được quyết định bởi người nước ngoài, không phải người Syria. Sự can thiệp lặp đi lặp lại duy trì trong nhiều năm.
Việc Mỹ rút quân khỏi Syria hồi đầu tháng 10 đánh dấu một bước ngoặt mới. Nỗ lực đưa Mỹ ra khỏi "cuộc chiến không hồi kết" như Tổng thống Trump nói bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria và gắn cho Washington cái danh "đồng minh 2 mặt". Người Kurd, đồng minh kề vai sát cánh trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của Mỹ phải đơn độc trong cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị Washington bỏ rơi.
Khoảnh khắc đoàn xe quân đội Mỹ đang rời đi thì vô tình chạm trán đơn vị quân đội Syria đang hối hả tiến về ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Ông Trump hơn ai khác là người hứng cơn mưa chỉ trích, không chỉ từ các nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ mà còn cả các quốc gia đồng minh. Cơn tức giận lên tới đỉnh điểm khi nhà lãnh đạo Mỹ phủi sạch những đóng góp của người Kurd trong nỗ lực chống IS do Mỹ dẫn đầu.
"Người Kurd đang chiến đấu vì vùng đất của họ. Họ không giúp chúng ta trong Thế chiến II. Họ nhắc tới tên các trận chiến khác nhau, nhưng họ ở đó để giúp chúng ta vì mảnh đất của chính họ và đó là điều hoàn toàn khác biệt", ông nói các phóng viên hôm 9/10, vài ngày sau khi lực lượng Mỹ bắt đầu rút khỏi Syria.
Khi bị dồn vào chân tường và bị Mỹ phản bội, người Kurd không còn cách nào khác phải quay sang cầu cứu chính quyền Syria.
Hôm 13/10, họ tuyên bố đạt được thỏa thuận với Damacus, bàn giao các khu vực dọc biên giới cho quân đội Syria trong nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đó được xem là là thảm họa với chính sách Trung Đông của Mỹ, quốc gia luôn muốn lật đổ chính quyền Assad bởi quân đội Syria giờ được phép tiến vào các khu vực mà Damascus không thể động tay tới từ năm 2012.
Thất bại của Mỹ làm càng tô đậm thêm thắng lợi giòn giã của Nga.
Sau nhiều năm nỗ lực khẳng định quyền lực của Matxcơva trên trường quốc tế, Tổng thống Putin giờ đang hái quả ngọt ở Trung Đông.
Hôm 15/10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này sẽ tuần tra ở khu vực ngăn cách giữa các cứ điểm của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để tránh các cuộc đụng độ giữa 2 bên. Cùng lúc đó quân chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn giành toàn quyền kiểm soát thị trấn Manbij và các khu vực lân cận.
Nga rõ ràng đang vừa vặn lấp đầy khoảng trống ở phía Bắc Syria mà Mỹ bỏ lại.
Trong khi các nước mải miết chỉ trích Mỹ, Nga sau nhiều năm kiên trì ủng hộ đồng minh Syria bất chấp chỉ trích từ cộng đồng quốc tế giờ trở thành lực lượng duy nhất sẵn sàng và có thể bảo vệ người Kurd khỏi cuộc tấn công của Thổ Nhì Kỹ.
Matxcơva hiện cũng là quốc gia duy nhất có thể đàm phán với tất cả các bên có tranh chấp ở Trung Đông từ lực lượng người Kurd, Syria, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cho thấy mình là một đối tác tin cậy, khác biệt hoàn toàn với sự trở mặt của Washington.
Nhưng không chỉ muốn gói gọn ở Syria, Tổng thống Putin đang muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông.
Cục diện hiện tại được xem là chiến thắng lớn với Tổng thống Putin. (Ảnh: Russia Insider)
Nhà lãnh đạo Nga vừa có chuyến thăm tới 2 quốc gia Vùng Vịnh UAE và Ả-rập Xê-út. Đó đều là cuộc chuyến công du của ông 12 năm chưa đặt chân quay lại những mảnh đất này kể từ chuyến thăm năm 2007.
Tại Ả-rập Xê-út, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, vị Tổng thống Nga được đón chào nống nhiệt. Chuyến thăm cũng cải thiện hơn nữa quan hệ đang nồng ấm trở lại giữa Matxcơva và Riyadh.
Phát biểu sau cuộc gặp song phương giữa 2 lãnh đạo, Quốc vương Salman nói ông đánh giá cao vai trò hiệu quả của Nga trong khu vực và thế giới. Ông Salman cũng khẳng định chuyến thăm của ông Putin là một cú đảo chiều ngoại giao đúng lúc, đặt Nga vào trung tâm chính trị của khu vực.
Theo CNN, các tuyên bố này có thể được coi là một lời cảnh báo tới Mỹ. Nhiều quan chức ở Washington thời gian qua liên tục chỉ trích Ả-rập Xê-út liên quan tới cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi hay lên án chiến dịch can thiệp quân sự vào Yemen của liên quân do Riyadh dẫn đầu khiến hàng loạt dân thường thiệt mạng.
Quốc hội Mỹ thậm chí đề xuất cắt giảm các hợp đồng mua bán vũ khí với Riyadh. Những tín hiệu này khiến Ả-rập Xê-út lo ngại và bắt đầu tìm tới các đối tác mới, những người đáng tin cậy hơn và ít phán xét hơn.
Còn nhớ khi cả thế giới dồn dập chỉ trích Riyadh liên quan tới vụ sát hại nhà báo Khashoggi, Nga gần như im lặng và không đưa ra bình luận, khác hẳn với những chỉ trích gay gắt từ Mỹ.
Một quan chức cấp cao của Ả-rập Xê-út tin rằng Riyadh đang sẵn sàng kết thân với các đối tác chiến lược mới. Và cũng giống như miền Bắc Syria, Nga cho thấy họ đã sẵn sàng bước vào.