Dự báo: Bắc Băng Dương có thể mất lớp băng bao phủ vào mùa hè năm 2035

Trang Ly |

Liệu con người có kịp hành động?

Trong lịch sử 40 năm kể từ ngày lần đầu tiên giới khoa học theo dõi băng biển ở Nam Cực và Bắc Cực qua vệ tinh, đây là lần đầu tiên họ buộc phải đánh dấu một tình trạng bước ngoặt cho một hành tinh bị tàn phá không thể tránh khỏi: Dự báo một mùa hè không có băng ở Bắc Băng Dương.

Mỗi năm, biển băng ở Bắc Cực mở rộng khi mặt biển đóng băng trong suốt mùa Đông dài lạnh giá. Đến tháng Ba hàng năm, băng bao phủ gần như toàn bộ Bắc Băng Dương, hơn 15,5 triệu km vuông. Rồi tan chảy trở lại trong mùa Hè, đỉnh điểm là tháng 9. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi...

Dữ liệu vệ tinh cho hay, vào tháng 7/1980, lớp băng biển bao phủ một vùng rộng gần 10 triệu km vuông, xấp xỉ diện tích của Mỹ hoặc Canada. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, cũng từ thời gian này trở đi, băng biển Bắc Cực đã giảm trung bình khoảng 70.000 km vuông mỗi năm, tương đương diện tích của bang Bắc Dakota, Mỹ.

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Climate Change củng cố mạnh mẽ dự đoán rằng:Vùng biển Bắc Băng Dương có khả năng mất đi lớp băng bao phủ vào mùa hè năm 2035 - tương đương với khoảng thời gian mà một đứa trẻ ngày nay sẽ tốt nghiệp trung học.

Maria Vittoria Guarino, tác giả chính của bài báo và là nhà khoa học khí hậu thuộc Chương trình Khảo sát Nam Cực Anh cho biết: "Sẽ sớm thôi, Trái Đất chúng ta sẽ đối mặt thảm họa mất mát khổng lồ này. Được ví như 'điều hòa tự nhiên' của hành tinh, các biển băng tan đi vĩnh viễn sẽ kéo theo hậu quả khôn lường cho con người trên Trái Đất".

Được biết, Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn gấp 2 lần so với phần còn lại của hành tinh, có nghĩa là nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 2 đến 3 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, so với khoảng 1 độ C cho toàn bộ hành tinh.

"Ở phía bắc Biển Bering, băng biển từng hiện diện với chúng tôi trong 8 tháng trong mỗi một năm. Ngày nay, chúng ta có thể chỉ thấy ba hoặc bốn tháng có băng", một nhóm các nhà khoa học viết trong báo cáo Bắc Cực năm 2019 của Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).

Dự báo: Bắc Băng Dương có thể mất lớp băng bao phủ vào mùa hè năm 2035  - Ảnh 1.

Băng biển đang tan nhanh chóng trong một thế giới nóng lên toàn cầu. Nguồn: Staffan Widstrand / WWF

Chưa hết, năm 2020 chứng kiến một đợt nắng nóng chưa từng có ở Bắc Cực, mà các nhà nghiên cứu cho rằng có khả năng xảy ra cao hơn ít nhất 600 lần do biến đổi khí hậu nhân tạo, khiến nhiệt độ không khí ở Siberia lên trên 38 độ C, làm gia tăng các đám cháy âm ỉ ở vùng lãnh nguyên trong nhiều tháng, khiến thềm băng cuối cùng còn sót lại của Canada ngoài khơi Đảo Ellesmere sụp đổ.

Hơn nữa, nó cũng khiến băng biển xung quanh Bắc Cực tan nhanh hơn bình thường.

"2020 có trở thành năm nóng nhất lịch sử hay không, điều này không còn quá quan trọng nữa vì Trái Đất, 2 cực sẽ không bao giò còn cơ hội để quay lại những điều kiện lý tưởng như những năm 1980 và 1990 nữa" - Julienne Stroeve , một nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ nói.


HẬU QUẢ LÀ GÌ?

Việc băng biển biến mất vĩnh viễn chắc chắn sẽ để lại hậu quả khôn lường cho môi trường và con người.

(1) Băng biển có tác dụng che chắn/bảo vệ bờ biển khỏi bão lớn và sóng cao. Sự biến mất của nó đẩy nhanh quá trình xói mòn bờ biển, gây nguy hiểm cho hàng chục cộng đồng sống gần đó.

Những ngôi làng như Shishmaref, trên một hòn đảo ở Biển Chuchki nông, đang gặp rắc rối lớn khi mực nước biển dâng cao, mất lớp băng biển bảo vệ và lớp băng vĩnh cửu tan chảy làm mất ổn định cơ sở hạ tầng của thị trấn bản địa.

"Người bản địa Alaska từng có lối sống bán du mục. Sau khi Mỹ chiếm đóng khu vực này, họ buộc phải chọn một địa điểm di dời mới cho các ngôi làng của mình và hầu hết đều nằm trên bờ biển. Điều này vô hình chung đặt họ vào tình huống dễ bị tổn thương do mực nước biển dâng, cũng như thời điểm băng biển mất đi vĩnh viễn" - Sarah Aarons, một nhà khoa học khí hậu tại Viện Hải dương học Scripps (Mỹ) cho biết.

Một báo cáo năm 2009 của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ cho thấy rằng gần như tất cả 213 ngôi làng bản địa ở Alaska có nguy cơ bị xói mòn bờ biển.

Dự báo: Bắc Băng Dương có thể mất lớp băng bao phủ vào mùa hè năm 2035  - Ảnh 3.

Hình ảnh minh họa.

(2) Đối với nhiều nhà khoa học, câu hỏi lớn được đặt ra là: Khi nào băng biển mùa hè sẽ biến mất hoàn toàn, và sự mất mát của nó sẽ gây hậu quả lan khắp hành tinh như thế nào?

Biển băng ở Bắc Cực ảnh hưởng đến khí hậu và thời tiết trên một vùng rộng lớn của Trái Đất. Độ trắng sáng của nó phản xạ nhiệt Mặt Trời trở lại bầu khí quyển và cách nhiệt với đại dương bên dưới. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa vùng Bắc Cực lạnh giá và vùng nhiệt đới nóng thúc đẩy gió và các dòng hải lưu, ảnh hưởng đến thời tiết trên toàn cầu.

Để dự đoán tốt hơn về tương lai của Bắc Cực, các nhà khoa học đã xem xét các câu chuyện tương tự từ quá khứ.

Khoảng 130.000 năm trước, khi Trái Đất thoát khỏi Kỷ Băng hà, hành tinh chúng ta bước vào một thời kỳ giữa các băng hà (gian băng) thậm chí còn ấm hơn thời kỳ chúng ta đang ở ngày nay. Các chu kỳ Kỷ Băng hà bị đẩy theo sự thay đổi hình dạng của quỹ đạo Trái Đất và độ nghiêng của trục, và vào thời điểm đó, Bắc bán cầu nghiêng trực tiếp hơn về phía Mặt Trời, điều này cho phép nhiều nhiệt Mặt Trời tiếp cận bề mặt hành tinh ở vĩ độ cao hơn.

Mặc dù vậy, sự ấm lên trong đợt băng hà cuối cùng đặc biệt dữ dội: Nhiệt độ trung bình của Bắc Cực là từ 4 đến 5 độ C, ấm hơn so với ngay trước cuộc cách mạng công nghiệp, và mực nước biển cao hơn ít nhất 5,5 mét.

Bằng chứng từ các lõi trầm tích từ đáy Bắc Băng Dương cho thấy rằng có ít hơn hoặc có thể là không, lớp băng phủ vào mùa hè vào thời điểm đó. Hầu hết các mô hình khí hậu hiện tại đều gặp khó khăn trong việc tái tạo lượng băng mất đi và độ ấm mạnh ở Bắc Cực nói chung.

Tuy nhiên, Trung tâm Hadley của Văn phòng Thời tiết Quốc gia (Met) tại Vương quốc Anh đã phát triển một mô hình làm được điều đó. và dự đoán rằng băng ở biển Bắc Cực sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2035.


THẢM HỌA CÓ ĐƯỢC NGĂN CHẶN?

Julienne Stroeve , một nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ cho biết: Dự đoán được thảm họa này không phải để khiến chúng ta lo sợ một cách mù quáng. Kết quả hoàn toàn có thể thay đổi được nếu chúng ta hành động quyết liệt để ngăn chặn một thế giới đang ngày càng nóng lên.

Có thể, giờ bạn chưa cảm nhận hết sự nguy hiểm của việc băng tan. Chỉ khi đối mặt với thực tế của nắng nóng cực độ, mưa bão triền miên, nước biển dâng gâu xói mòn và ngập mặn đất đai... bạn mới hiểu hết giá trị của băng biển - 'điều hòa tự nhiên' của Trái Đất này.

Thậm chí, việc cứu băng biển không hoàn toàn khó khăn. Người bản xứ Alaska đã làm điều đó trong một thời gian. Đối với họ, băng biển bị mất đã ảnh hưởng đến thời gian, sự phong phú hoặc sự hiện diện của cá, hải cẩu hoặc cá voi mà họ săn tìm và dựa vào để kiếm thức ăn.

Đối với Sarah Aarons (Viện Hải dương học Scripps, Mỹ), thực tế đã đến từ lâu, và câu hỏi bây giờ là về tương lai. Cô nói: "Các cộng đồng sống ở những khu vực này đã và đang suy nghĩ về việc Bắc Cực mới sẽ trông như thế nào và chúng ta sẽ điều chỉnh cách sống của mình như thế nào...."

Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại