Cuba nỗ lực giải cứu loài cá sấu quý hiếm nhất thế giới

Việt Dũng |

Loài cá sấu Cuba, hay được người dân địa phương gọi là “cá sấu kim” đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt vào loài vật cực kỳ quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cao vào năm 2008.

Nhằm duy trì quần thể cá sấu này, nhóm các nhà khoa học Cuba đã thực hiện một chương trình giải cứu, hàng năm thả vài trăm con cá sấu trở lại môi trường tự nhiên.

Để thả lại một con cá sấu Cuba con thu được từ những đối tượng săn bắt trái phép về tự nhiên, nhà nghiên cứu Etiam Perez phải mặc đồ bảo hộ rồi lội sâu đến thắt lưng tiến vào khu vực Đầm lầy Zapata ở Cuba. Đây là một phần trong chương trình giải cứu cá sấu Cuba đang được các nhà khoa học nước này nỗ lực thực hiện. Cá sấu Cuba, hay còn gọi là “cá sấu kim” là loài động vật đặc hữu ở Đầm lầy Zapata và trên đảo Isla de la Juventud của Cuba.

Cuba nỗ lực giải cứu loài cá sấu quý hiếm nhất thế giới - Ảnh 1.

Cuba nỗ lực giải cứu loài cá sấu quý hiếm nhất thế giới. Ảnh: Reuters

Nhà khoa học Etiam Perez cho biết: “Việc giải cứu những con cá sấu bị bắt từ những đối tượng săn trộm là cả quá trình nỗ lực của chúng tôi để có thể trả lại cuộc sống tự nhiên cho loài vật này. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng mô hình trại giống để gia tăng số lượng cá thể này trong tự nhiên. Cá sấu Cuba đang đối mặt với nhiều thách thức, một trong số đó là săn bắn trái phép, gây hậu quả lớn nhất là làm giảm số lượng trong tự nhiên. Các vấn đề khác là biến đổi khí hậu và lai tạo với cá sấu Mỹ”.

Theo các nhà nghiên cứu, việc săn bắt và lai tạo bất hợp pháp loài cá sấu Cuba với cá sấu Mỹ đã làm xáo trộn di truyền loài - khiến quần thể cá sấu Cuba bị đe dọa tuyệt chủng. Ngoài ra, khí hậu ấm lên toàn cầu, đã tác động đến môi trường làm thay đổi tỷ lệ giới tính cá sấu sơ sinh, đặt ra một thách thức mới. Do đó, chính phủ Cuba đã áp đặt các biện pháp bảo vệ gần như toàn bộ vùng đầm lầy rộng lớn – nơi sinh sản chủ yếu của loài cá sấu này. Các nhà khoa học cũng thực hiện chương trình trại giống, với mục tiêu hàng năm thả vài trăm con cá sấu vào tự nhiên, cũng với các nỗ lực giải phóng cá sấu bị tịch thu từ thợ săn.

Nhà khoa học Gustavo Sosa thuộc nhóm nghiên cứu cho biết: “Giữa tháng 5 và tháng 6, là mùa cá sấu Cuba làm tổ và đẻ trứng, đó cũng là thời điểm chúng tôi thu thập trứng. Đây là thời điểm chúng tôi phải cẩn thận nhất vì cá sấu Cuba là loài phòng thủ rất tốt, dễ tấn công trong quá trình thu thập trứng. Trứng nuôi trong trại từ 80 đến 85 ngày thì sẽ nở. Sau khi nuôi dưỡng cho cá sấu đủ cứng cáp sẽ được trả lại môi trường tự nhiên”.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã liệt kê loài cá sấu Cuba là loài vật cực kỳ nguy cấp vào năm 2008 và có phạm vi môi trường sinh sống nhỏ nhất trong tất cả các loài cá sấu trên thế giới với diện tích khoảng 700 km2. Tuy nhiên, việc thiếu cơ sở vật chất và điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn. Các nhà khoa học Cuba ước tính chỉ còn khoảng 4.000 cá thể cá sấu Cuba đang sống trong tự nhiên./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại