Cửa hàng VinPro+ ở số 598 Trường Chinh, P.13, Tân Bình sau khi đóng cửa một thời gian bỗng thay bảng hiệu của FPT Shop từ khoảng giữa tháng 11, đến thời điểm viết bài này thì cửa hàng của FPT Shop đã đi vào hoạt động.
Cửa hàng VinPro+ lúc đóng cửa, sau đó trở thành FPT Shop - Ảnh: Hải Đăng
Sự trùng hợp này củng cố thêm các nghi vấn về việc Vingroup (chủ sở hữu VinPro+) có góp vốn vào chuỗi bán lẻ của FPT sau khi tập đoàn FPT tuyên bố tìm nhà đầu tư cho FPT Retail (công ty mẹ của FPT Shop) và FPT Trading.
Từ tháng 3, đại diện FPT Shop chính thức thừa nhận họ đang tìm kiếm nhà đầu tư có tiềm lực để phát triển kinh doanh, sau khi Chủ tịch tập đoàn là ông Trương Gia Bình đánh tiếng thoái vốn ở mảng bán lẻ từ cuối năm 2015.
Việc thoái vốn khỏi mảng bán lẻ được FPT cho biết sẽ thực hiện xong trong năm nay, trong bối cảnh chỉ còn đúng một tháng nữa sẽ hết năm 2016.
Trong khi đó, VinPro+ là mô hình kinh doanh sản phẩm công nghệ mới được Vingroup mở được hơn một năm cho đến lúc tập đoàn này quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh, đóng cửa các cửa hàng bên ngoài trung tâm thương mại Vincom từ tháng 9.
Việc một tập đoàn giàu tiềm lực như Vingroup từ bỏ mô hình bán lẻ hàng công nghệ chỉ sau hơn một năm khiến nhiều người không tin họ thất bại, mà đã tìm ra được hướng đi mới.
Khả năng Vingroup đầu tư vào FPT Shop được nhiều người phỏng đoán, và cho rằng thông tin này sẽ được công bố vào tháng 11, tuy nhiên đến nay sự việc vẫn chưa sáng tỏ.
Trả lời ICTnews hôm nay, đại diện Vingroup cho biết không hề có việc tập đoàn này góp vốn vào FPT Shop. Ông cho biết một số cửa hàng VinPro+ sau khi chuyển đổi kinh doanh thì đóng cửa và cho FPT thuê lại địa điểm làm cửa hàng (do hợp đồng thuê địa điểm còn thời hạn).
FPT Shop từ chối bình luận về việc Vingroup có đầu tư vào hệ thống của họ hay không. Về việc tìm nhà đầu tư, đại diện FPT Shop và tập đoàn FPT nói với ICTnews rằng thương vụ có thể không chốt kịp trong năm nay.