Theo tin từ báo Lao động, một “cụ” Xích Tùng cổ có tuổi đời khoảng 700 năm ở đường Tùng, rừng Quốc gia Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) mới đây đã bị khô toàn thân và chết, phía Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử phải cắt hạ cây để đảm bảo an toàn cho du khách.
Hiện có khoảng 20 "cụ" Xích Tùng chết và hàng trăm "cụ" khác đang lâm trọng bệnh.
Phó Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử Phạm Văn Dược thông tin với nguồn trên, dự án cứu rừng Xích Tùng cổ đã được đưa ra lần đầu cách đây 10 năm, nhưng thất bại vì lý do kinh phí. Một dự án khác sau đó được tỉnh phê duyệt có kinh phí 27 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cũng vướng mắc không thực hiện được.
Vị này cho rằng, Xích Tùng cổ thụ chết phần lớn do tuổi cao, sâu bệnh và thời tiết.
Nguồn trên cho hay, một số chuyên gia đã được mời về khám bệnh cho rừng Xích Tùng để đưa ra phương án cứu chữa, nhưng còn chờ kinh phí mới thực hiện được.
GS-TS Trần Văn Mão (Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển lâm nghiệp bền vững) thông tin với báo Đất Việt, ông và phía Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử đã đề xuất phương án cứu chữa cho các "cụ" Xích Tùng, chi phí dự kiến là 15 - 17 tỷ đồng.
Cây Xích Tùng ở khu vực gần chùa Hoa Yên bị chết. Ảnh: VOV
Cũng theo nguồn trên, Th.S Nguyễn Thị Lan Phương (Bộ môn bệnh hại rừng, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) nhận định, với "cụ" Xích Tùng 700 năm tuổi chết thì khả năng do bệnh tật là rất thấp và có thể cây chết do tuổi già.
Bà Phương cho rằng, cây non mới dễ bị sâu bệnh tấn công, cây già nếu bị sâu đục thân thì vẫn còn nhiều đường khác cung cấp dinh dưỡng cho cây.
"Chữa bệnh cho cây rừng, lại có tuổi cao không hề đơn giản vì nhiều trường hợp còn phải chiếu xạ như điều trị bệnh ung thư, phải xác định chính xác vị trí sâu bệnh mới có hiệu quả", bà nhận định, đồng thời nói khi xác định rõ bệnh của Xích Tùng cũng khó cứu chữa.
Còn TS Nguyễn Văn Thêm (ĐH Nông Lâm TP.HCM) nhấn mạnh với báo Đất Việt, phải khảo sát xem khu vực "cụ" Xích Tùng chết có cây con không, nếu có thì đây là đặc tính cây mẹ chết cho cây con sống.
Ảnh: Lao động
Trước đó, năm 2017, báo giới cũng thông tin về một cây Xích Tùng gần 700 năm tuổi, mang số 01 trong hồ sơ cây di sản, bị chết khô. Cây nằm ở khu vực gần chùa Hoa Yên, đường kính khoảng 30 - 40cm.
Cũng trong năm này, theo báo Thanh niên, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư dự án chăm sóc, bảo tồn cây Xích Tùng cổ tại rừng Quốc gia Yên Tử theo quy định của Luật Đầu tư công.
Xích Tùng còn được gọi là Hoàng đàn giả, là cây thiêng quý giá. Loại cây này gắn bó với Thái Thượng hoàng, Phật hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm. Hiện Yên Tử còn hơn 200 cây Xích Tùng cổ, tập trung ở khu vực chùa Hoa Yên, đường Tùng, Am Dược...
(Tổng hợp)