Cử tri TPHCM đề nghị tiếp tục xử lý ông Tất Thành Cang

Huy Thịnh |

Đề cập đến hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại công ty TNHH Một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), cử tri đề nghị xem xét, xử lý hình sự ông Tất Thành Cang vì đã “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại công ty Sadeco”.

Sáng 22/6, Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4 đã tiếp xúc cử tri Quận 5, 10, 11 báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Mai Thanh Hà (quận 5) bức xúc đề cập cụ thể đến một số cán bộ vi phạm vẫn chưa bị xử lý. Cử tri Hà đặt vấn đề: “Ông Tất Thành Cang và nhiều cán bộ có hàng loạt sai phạm vì sao đến nay vẫn chưa bị xử lý?”

Cử tri Hà nói tiếp: Ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy có văn bản 495 truyền đạt ý kiến của Phó Bí thư thường trực thành ủy Tất Thành Cang “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco” liên quan đến hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại công ty TNHH Một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC)”.

Cử tri TPHCM đề nghị tiếp tục xử lý ông Tất Thành Cang - Ảnh 1.

Cử tri Mai Thanh Hà (quận 5)

Đồng tình, cử tri Trần Công Tạo (Quận 5) bày tỏ: Nói đến vai trò lãnh đạo của Đảng cũng là nói đến công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Công tác nhân sự của đảng có ý nghĩa quyết định đến sự tồn vong của đảng, của chế độ và sự phát triển của đất nước.

Đa số cán bộ cấp cao của Đảng đều được tu dưỡng, rèn luyện, thử thách và trưởng thành trong chiến tranh và trong thời kỳ đổi mới nên lập trường, tư tưởng chính trị rất vững vàng, kiên định.

Cử tri TPHCM đề nghị tiếp tục xử lý ông Tất Thành Cang - Ảnh 2.

Cử tri Trần Công Tạo (quận 5)

Tuy nhiên, cử tri này thẳng thắn cho rằng sau 45 năm đất nước hòa bình đã sản sinh ra lớp cán bộ thế hệ mới có tri thức, có kiến thức, thông tuệ nhưng lại chưa qua thử thách, thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh nên lập trường, tư tưởng chính trị dễ dao động, dễ va vấp.

“Đề nghị Đảng nên thận trọng trong công tác lựa chọn cán bộ, chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, nhất là cán bộ thuộc diện cấp chiến lược. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “chớ thấy đỏ mà tưởng chín”, “chớ nhìn thấy cái bên ngoài mà không thấy cái sơ sài bên trong”.

Đặc biệt, không đưa vào cấp ủy những cán bộ có nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản mà không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ. Người dân không ai chê trách cán bộ, đảng viên làm giàu nhưng việc làm giàu phải chính đáng”, cử tri Trần Công Tạo lưu ý.

Theo cử tri Đặng Văn Rành (Quận 11), dư luận cử tri rất bức xúc vì thấy có dấu hiệu một số đại biểu có tâm huyết phát biểu trên nghị trường vừa qua bị một số đại biểu khác đang công tác trong các ngành liên quan phản ứng.

Cử tri TPHCM đề nghị tiếp tục xử lý ông Tất Thành Cang - Ảnh 3.

Cử tri Đặng Văn Rành (Quận 11)

“Hàng loạt cán bộ công an cấp tướng bị kỷ luật, bị xử lý hình sự. Vụ Đường Nhuệ thao túng ở Thái Bình. Vụ giang hồ huy động lực lượng bao vây công an ở TP Biên Hòa (Đồng Nai)…, nếu không nhìn nhận như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về uy tín của cơ quan tư pháp thì cử tri phải nhìn nhận và đánh giá như thế nào”, ông Rành băn khoăn.

Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND Tối cao tiếp thu ý kiến các cử tri và cam kết chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, về nhân sự lãnh đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị và Trung ương đã có những chỉ đạo cụ thể và các cấp ủy Đảng đang tổ chức thực hiện.

“Cử tri quan tâm là đúng vì chúng ta phải lựa chọn các cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng nguyện vọng của người dân”, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Về xử lý cán bộ sai phạm, theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, quá trình xem xét xử lý phải hết sức tỉnh táo để tránh trường hợp cán bộ tốt bị các thế lực xấu ganh ghét, làm hại bằng các chiêu thức khiếu nại tố cáo.

Cử tri TPHCM đề nghị tiếp tục xử lý ông Tất Thành Cang - Ảnh 4.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời cử tri

“Khi có khiếu nại, tố cáo, phải kiểm tra, điều tra làm rõ. Cán bộ làm đúng, làm tốt thì bằng mọi cách phải bảo vệ. Nếu làm sai, làm trật, có chứng cứ pháp luật rõ ràng cụ thể thì phải xử lý nghiêm. Nhiều trường hợp bị khiếu nại, tố cáo không phải là cán bộ xấu mà bị hãm hại. Vì vậy, không phải cứ nghe ông A, bà B tố là xử. Phải tỉnh táo để bảo vệ cán bộ tốt”, ông Trí nói.

Liên quan đến ý kiến cử tri về những vi phạm của ông Tất Thành Cang, trước đó, kết luận của Thanh tra TPHCM chỉ ra sai phạm tại công ty Sadeco có sự “tiếp tay” của ông Tất Thành Cang trên cương vị Phó bí thư Thành ủy.

Cụ thể: Theo đề án tái cơ cấu, công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, trực thuộc UBND TP) với tỷ lệ sở hữu vốn tại công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) là 44%, nên không cần giảm tỷ lệ sở hữu vốn. Đặc biệt là trong bối cảnh Sadeco hoạt động kinh doanh đang mang lại lợi nhuận rất cao, tỷ lệ chia cổ tức hằng năm có lúc lên đến 40%.

Thế nhưng, IPC đã trình UBND TPHCM phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%. IPC cũng nêu "Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại thông báo 495-TB/VPTU…”.

Tuy nhiên, Thanh tra TPHCM cho biết thông báo này chỉ truyền đạt ý kiến của Phó bí thư thường trực Thành ủy (khi đó là ông Tất Thành Cang - PV), chứ không phải là chủ trương của Thường trực Thành ủy.

Với đề án tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ sở hữu vốn của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%, IPC đã phát hành cổ phiếu cho công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá. Thanh tra TPHCM khẳng định việc làm này là “trái quy định pháp luật”, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu); nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”.

Vì sai phạm trên, tối 14/5/2019, Công an TPHCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở của ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc IPC do liên quan đến các sai phạm tại IPC.

Ngoài ra, ông Tất Thành Cang còn liên quan đến việc mất quyền kiểm soát nhà nước tại Khu công nghiệp (KCN) Cát Lái. Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, Công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn (IPD) là đơn vị thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng KCN Cát Lái. IPD có 100% vốn nhà nước, là công ty con của IPC (công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận).

Theo phương án được Thủ tướng phê duyệt và quyết định của UBND TPHCM, IPD phải cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Thời điểm đó, IPD đang được TP cho thuê hơn 69ha đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng KCN Cát Lái.

Cử tri TPHCM đề nghị tiếp tục xử lý ông Tất Thành Cang - Ảnh 5.

Ông Tất Thành Cang đã bị Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM và Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy TPHCM

Tuy nhiên việc trình, thẩm định, đề xuất, cơ cấu, quy mô, vốn điều lệ được Thanh tra TPHCM chỉ ra là "không có cơ sở và không phù hợp với quy định". Cụ thể, khi thực hiện cổ phần hóa, IPD đề xuất 2 phương án về tỉ lệ vốn nhà nước là 49% và 36%.

Tuy nhiên, khi trinh lên UBND TPHCM, IPC lại trình 2 phương án tỉ lệ vốn nhà nước tại IPD sau cổ phần hóa là 65% và 75% để IPC có quyền chi phối.

Cùng với đó, IPC đề nghị sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhưng cổ đông nhà nước sẽ không tham gia mua cổ phần. "Khi đó Nhà nước không phải là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối tại IPD, đồng nghĩa việc quản lý, khai thác cảng biển Cát Lái không do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ..." - kết luận thanh tra đánh giá.

Điều đáng nói, việc cổ phần hóa sai quy định này lại được ông Tất Thành Cang, khi đó là Phó chủ tịch UBND TPHCM có bút phê chấp thuận. Và kết luận thanh tra chỉ rõ: “Việc xác định 75% tỷ lệ vốn nhà nước khi cổ phần hóa được Phó chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang chấp thuận trong trường hợp không đúng quy định thì đề xuất biện pháp xử lý”.

Sau khi cổ phần hóa, IPD trở thành công ty CP tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) có vốn điều lệ 652 tỷ đồng. Cũng kể từ đây, ESL có những hoạt động đầu tư sai quy định, đẩy quyền chi phối hoạt động vào tay tư nhân. Với tỉ lệ góp vốn 20%, ESL không còn quyền chi phối, dẫn đến kết quả đối tác khác nắm quyền, quyết định việc kinh doanh khai thác cảng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại