Cú sốc trên thị trường nghìn tỷ suýt kéo nước Anh xuống vực khủng hoảng

Bình Giang |

Các quỹ lương hưu được thiết kế để đảm bảo sự ổn định. Mục tiêu duy nhất của các quỹ này là kiếm đủ tiền để trả lương cho những người đã về hưu, vì thế luôn ủng hộ những cái đầu lạnh thay vì chấp nhận rủi ro lớn.

Một người đi bộ gần Ngân hàng Trung ương Anh ngày 3/10. (Ảnh: Bloomberg)

Một người đi bộ gần Ngân hàng Trung ương Anh ngày 3/10. (Ảnh: Bloomberg)

Tuy nhiên, khi thị trường Anh trải qua những ngày mất kiểm soát trong tuần trước, hàng trăm nhà quản lý quỹ hưu trí ở Anh nhận ra họ trở thành trung tâm của một cuộc khủng hoảng mà cuối cùng Ngân hàng Trung ương Anh phải ra tay để khôi phục ổn định và đẩy lùi một cuộc khủng hoảng tài chính rộng hơn.

Tất cả đều khởi đầu từ một cú sốc lớn. Sau khi Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng đưa ra thông báo ngày 23/9 về kế hoạch vay nợ chính phủ để bù đắp cho việc giảm thuế, giới đầu tư lập tức quay lưng với đồng bảng và trái phiếu Chính phủ Anh, khiến lợi suất của một số loại tài sản nợ với tốc độ kỷ lục.

Quy mô của đợt khủng hoảng đã gây áp lực lớn lên nhiều quỹ hưu trí, làm đảo lộn một chiến lược đầu tư liên quan đến sử dụng công cụ phái sinh để bảo vệ các khoản đầu tư của họ.

Khi giá trái phiếu chính phủ lao dốc, các quỹ hưu trí bị yêu cầu tăng thêm hàng tỷ bảng vào tài sản thế chấp. Trong nỗ lực thu tiền mặt về, các quản lý đầu tư buộc phải bán bất kỳ cái gì có thể, kể cả trái phiếu chính phủ. Điều này càng đẩy lợi suất lên cao hơn nữa, dẫn đến một đợt yêu cầu tăng vốn thế chấp khác.

“Ai cũng tìm cách bán mà không ai mua cả”, Ben Gold, trưởng bộ phận đầu tư tại hãng tư vấn hưu trí XPS, cho biết.

Ngân hàng Trung ương Anh chuyển sang chế độ khủng hoảng. Sau cuộc làm việc suốt đêm 27/9, hôm sau ngân hàng này đưa ra cam kết mua 65 tỷ bảng (73 tỷ USD) trái phiếu nếu cần. Điều này đã ngăn chặn được tình trạng mà họ sợ nhất: Vòng xoáy lớn dần hay bất ổn tài chính lan rộng.

Trong bức thư gửi đến chủ tịch Ủy ban Tài chính Quốc hội Anh trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Anh thông báo nếu họ không can thiệp, một số quỹ hưu trí sẽ vỡ, gây thêm căng thẳng cho hệ thống tài chính. Ngân hàng khẳng định việc can thiệp là cần thiết để “khôi phục chức năng cốt lõi của thị trường”.

Các quỹ hưu trí giờ đang chạy đua huy động tiền để làm đầy lại kho của mình. Tuy nhiên, vẫn còn câu hỏi rằng liệu các quỹ này có thể ổn định tình hình trước khi biện pháp khẩn cấp của Ngân hàng Trung ương Anh hết hiệu lực vào ngày 14/10 hay không. Và với nhiều nhà đầu tư, những ngày vừa qua giống như một hồi chuông cảnh tỉnh.

Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, lãi suất đang tăng mạnh trên khắp thế giới. Trong bối cảnh đó, thị trường dễ xảy ra sự cố.

“Hai tuần qua nói với chúng ta rằng thị trường có thể biến động nhiều nữa. Rất dễ đầu tư khi mọi thứ đi lên. Nhưng sẽ khó hơn nhiều để đầu tư khi bạn đang cố bắt một con dao đang rơi, hoặc bạn phải điều chỉnh lại trong một môi trường mới”, Barry Kenneth, giám đốc đầu tư tại Quỹ Bảo vệ hữu trí, nơi trả lương cho nhân viên của các công ty Anh bị mất khả năng thanh toán, đánh giá.

Rơi vào thế bị động

Giới quản lý quỹ thường sử dụng công cụ gọi là “đầu tư thâm dụng nợ” (LDI) với tiền trong các quỹ lương hưu.

LDI được xây dựng dựa trên một tiền đề đơn giản: Các quỹ lương hưu cần đủ tiền để trả lương mà họ nợ người hưu trí trong tương lai. Để lập kế hoạch trả lương hưu trong 30-50 năm tới, họ mua trái phiếu có niên hạn dài, trong khi đó sẽ mua các công cụ phái sinh để phòng ngừa cho các khoản trái phiếu này.

Trong quá trình đó, họ phải có tài sản thế chấp. Nếu lợi tức trái phiếu tăng mạnh, họ phải đóng thêm tiền theo nguyên tắc ký quỹ. Theo Ngân hàng Trung ương Anh, thị trường này tăng mạnh trong những năm gần đây, đạt mức định giá hơn 1 nghìn tỷ bảng (1,1 nghìn tỷ USD).

Khi trái phiếu tăng từ từ, sẽ không có vấn đề gì khi các quỹ hưu trí sử dụng LDI, mà ngược lại còn có lợi cho tài chính của họ. Nhưng nếu giá trái phiếu tăng quá nhanh, các quỹ sẽ gặp rắc rối.

Theo Ngân hàng Trung ương Anh, lợi suất trái phiếu tăng lên mức “chưa từng thấy” trước khi họ can thiệp. Trái phiếu niên hạn 30 năm chỉ trong 4 ngày đã tăng gấp đôi so với giai đoạn đại dịch COVID-19 căng thẳng.

Vì thế, các quỹ hưu trí liên tục bị yêu cầu tăng vốn ký quỹ. Quỹ Bảo vệ hưu trí cho biết họ phải tăng thêm 1,6 tỷ bảng ký quỹ. Quỹ này đủ khả năng nộp thêm tiền mà không phải bán tài sản, nhưng các quỹ khác rơi vào thế bị động, buộc phải bán trái phiếu chính phủ và cổ phiếu doanh nghiệp để huy động tiền.

Gold ước tính rằng ít nhất một nửa trong 400 quỹ hưu trí mà XPS tư vấn đã bị yêu cầu tăng tiền ký quỹ, với tổng số tiền lên đến 100 – 150 tỷ bảng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại