"Cú sốc" đóng cửa Parkson Paragon và cái kết giấc mơ trung tâm thương mại xa xỉ nhất Việt Nam

Riêng thị trường Việt Nam, các báo cáo tài chính mới đây cho thấy Parkson đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trước viễn cạnh cạnh tranh lĩnh vực bán lẻ ngày càng diễn ra khốc liệt.

Sau khi bất ngờ đóng cửa trung tâm thương mại Parkson tại tòa nhà Landmark Keangam (Hà Nội) vào 2015, Parkson mới đây tiếp tục cho ra đi một trung tâm thương mại nữa: Parkson Paragon tại Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP.HCM) như một nỗ lực tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống của hãng tại Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi về việc Parkson đóng cửa hoạt động tại toà nhà Saigon Paragon, ông Hoàng Khải - Chủ tịch tập đoàn Khaisilk cho biết việc này không ảnh hưởng gì đến tình hình kinh doanh của tòa nhà, sẽ có công ty khác thuê vì kiến trúc tòa nhà khá độc đáo tại TP.HCM nói chung và quận 7 nói riêng.

"Hiện đã có một đối tác chuẩn bị ký kết hợp đồng thuê với giá thuê lại khá hợp lý. 

Parkson sẽ mất tiền cọc và có khả năng sẽ bị phạt do đơn phương chấm dứt hợp đồng, công ty khác thuê thì chủ tòa nhà lấy được thêm tiền cọc và giá thuê sẽ cao hơn so với Parkson cách đây 7 năm", ông Khải nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó Parkson còn "rút" khỏi một thỏa thuận thuê mặt bằng thương mại của một dự án cao cấp tại quận 3 để kinh doanh.

Cú sốc đóng cửa Parkson Paragon và cái kết giấc mơ trung tâm thương mại xa xỉ nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Theo đó, ngày 21/09/2012, Tập đoàn C.T Group và Parkson Việt Nam đã ký kết tiến độ triển khai tại khu phức hợp Léman Luxury Apartments (tên cũ Khu phức hợp Emperor C.T Plaza).

Cụ thể, C.T Group sẽ bàn giao 6 tầng (từ tầng 1 đến tầng 6) của dự án Léman với tổng diện tích lên đến 11.400m2 cho Parkson Việt Nam vào tháng 3/2013.

Dự kiến, Parkson sẽ khai trương trung tâm thương mại với nhiều mặt hàng cao cấp: thời trang, đồ nội thất, khu ẩm thực… vào tháng 06/2013.

Sau đấy, Parkson tiếp tục tuyên bố sẽ mở cửa hoạt động vào cuối năm 2014.

Với quy mô, mức độ đầu tư lớn và tọa lạc trong tòa nhà kiến trúc Thụy Sỹ, đây sẽ là trung tâm Parkson đẹp và hiện đại nhất Tp. HCM. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị "đổ vỡ" cách đây gần một năm.

Được biết, Parkson Retail Asia Limited (Parkson), tập đoàn bán lẻ nước ngoài đầu tiên gia nhập vào thị trường trung tâm thương mại tại Việt Nam tiếp tục chứng kiến một quý kinh doanh không hiệu quả.

Trong chiến lược mở rộng mạng lưới phủ sóng của mình tại các quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn tới, không có một m2 mặt bằng bán lẻ nào được mở thêm tại Việt Nam.

Báo cáo quý 3 (kết thúc vào ngày 31/03/2016) của Parkson cho thấy, bất chấp một số trung tâm thương mại mới đi vào vận hành, nhưng doanh thu của quý sụt giảm mạnh đến 15.6% với 71.5 triệu USD, dẫn tới doanh thu lũy kế 9 tháng trong năm tài chính của hãng bán lẻ này chỉ còn 294.6 triệu USD, giảm mạnh 14.4% so với cùng kì năm trước.

Sức mua giảm sút khiến cho quý 3 ghi nhận khoản lỗ 7,5 triệu USD, trong đó bao gồm cả chi phí dự phòng các khoản cho vay cũng như khoản lỗ ban đầu của một số trung tâm thương mại mới đưa vào khai khác.

Năm tài chính của Parkson kết thúc vào tháng 6 hằng năm.

Cú sốc đóng cửa Parkson Paragon và cái kết giấc mơ trung tâm thương mại xa xỉ nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Tính đến cuối năm 2015, Parkson đang hoạt động tại 4 quốc gia là Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Myanmar với tổng diện tích sàn thương mại lên đến 693.000 m2.

Tuy vây, trong khi các cửa hàng tại Indonesia đang kinh doanh khá tốt thì 3 quốc gia còn lại tình trạng ế ẩm ngày càng gia tăng, nhất là Việt Nam và Malaysia khi doanh thu sụt giảm lần lượt là – 8,2% và -17,4% trong quý 3 vừa qua.

Số liệu cho thấy trong 9 tháng của năm tài chính 2016, các trung tâm thương mại của Parkson tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ trước thuế 4,9 triệu đô la Singapore (tương đương khoảng 80 tỉ đồng Việt Nam).

Cú sốc đóng cửa Parkson Paragon và cái kết giấc mơ trung tâm thương mại xa xỉ nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Cũng theo báo cáo tài chính của Parkson, "đại gia" bán lẻ này nhận định trong quý 4 (năm tài chính 2016) sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức phía trước, đặc biệt nhất là tại thị trường Malaysia.

Riêng thị trường Việt Nam, Parkson cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trước viễn cạnh cạnh tranh lĩnh vực bán lẻ ngày càng diễn ra khốc liệt.

Theo một chuyên gia kinh tế, việc phải gánh chi phí để duy trì, làm mới mô hình và mở rộng thêm các trung tâm thương mại nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường dài hạn dần trở thành áp lực lớn cho Parkson.

Song, thách thức lớn nhất nằm ở chỗ chi phí ngày càng lớn và miếng bánh thị trường buộc phải chia năm xẻ bảy cho nhiều đối thủ mới hơn và đáng gờm hơn khiến nhà bán lẻ này đuối sức trong nửa thập niên qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại