Sâm Ngọc Linh là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới, chỉ mọc ở nơi có độ cao từ 1200 mét trở lên. Đây là loại sâm tốt nhất thế giới khi có hàm lượng thu suất toàn phần cao hơn gấp 3 lần nhân sâm Triều Tiên, gấp 2 lần nhân sâm Trung Quốc và nhân sâm Mỹ, dẫn thông tin theo báo Dân Trí.
Một củ sâm tự nhiên, có tuổi đời lâu năm có thể được trả giá lên tới trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Tuy nhiên hàng thập niên trở lại đây, sâm Ngọc Linh đã bị săn lùng ráo riết. Những củ sâm có tuổi đời trăm năm hiện còn rất ít và chủ yếu sót lại trong rừng sâu.
Đây là củ sâm Ngọc Linh được ghi nhận là lớn nhất thế giới hiện nay. Ảnh: Dân trí
Hiện nay, củ sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của lương y Phùng Tuấn Giang. Không chỉ là một thầy thuốc, ông Giang còn khá nổi tiếng với bộ sưu tập sâm Ngọc Linh lên tới hàng trăm bình lớn nhỏ, thuộc vào hàng quý hiếm bậc nhất hiện nay.
Năm 2013, vị lương y trẻ này công khai bộ sưu tập sâm Ngọc Linh cho mọi người tham quan, trong đó có củ sâm nặng đến 2kg. Đặc biệt, củ sâm có tuổi đời 156 năm do ông Giang sở hữu đã được Tổ chức kỷ lục Guiness thế giới xác lập kỷ lục "Củ sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới".
Theo đó, củ sâm này có chiều dài 80cm, to ngang 35cm và nặng 2,25kg. Được biết, để tìm được củ sâm quý này ông Giang đã phải bỏ rất nhiều công sức, đặc biệt lên những huyện vùng cao của các tỉnh là “cái nôi” của sâm Ngọc Linh như Kon Tum và Quảng Nam.
Hiện, củ sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của lương y Phùng Tuấn Giang. Ảnh: Dân trí
Cũng theo báo Dân Trí, ông Giang kể, biết tin ông tìm được sâm quý nhiều thương lái trong nước và nước ngoài tìm đến để thương lượng mua bán. Thậm chí có vị khách Hàn Quốc đã từng trả giá lên tới hàng tỷ đồng nhưng ông Giang không bán.
Vị lương y này kể: “Sau khi xem xét củ sâm, nhiều người tỏ ra bất ngờ bởi tuổi đời, cũng như kích thước hiếm có của sâm. Có thương lái ở các nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… tìm đến 2 - 3 lượt trả giá rất cao nhưng tôi vẫn không đồng ý.
Với tôi, có được những củ sâm quý là một cái duyên mà duyên đôi khi chỉ đến một lần, bán đi sẽ không bao giờ có lại. Hơn nữa, đây lại là báu vật thuốc của nước ta nên tôi muốn giữ lại để làm thuốc, cứu người khi cần đến”.
Loài cây quý này được biết đến rộng rãi vào năm 1973. Ảnh: Vnexpress
Trước đó, theo báo VnExpress, được biết, sâm Ngọc Linh vốn được người dân Xê Đăng sống dưới ngọn núi cao nhất miền Trung dùng để chữa bệnh. Họ gọi đó là “thuốc dấu”. Những năm chiến tranh, người dân thường dùng "thuốc dấu" trị vết thương, sốt rét... cho bộ đội.
Loài cây được biết đến rộng rãi vào năm 1973, khi dược sĩ Đào Kim Long được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đi tìm và nghiên cứu các loại thuốc quý để chữa bệnh cho bộ đội.
Sau hàng năm trời cuốc bộ dọc dãy Trường Sơn, dược sĩ Long tìm ra loài cây mà người dân Xê Đăng vẫn dùng để trị bách bệnh. Ông sau đó đặt tên cho loài cây là sâm Ngọc Linh, hay sâm K5.
Việc cây thuốc quý được biết đến rộng rãi vô tình khiến cho hàng trăm người tứ xứ đổ xô lên núi săn lùng.
Chỉ trong vài năm, cây sâm tự nhiên gần như tuyệt chủng. May mắn, thời điểm này một số người dân địa phương lo ngại biến mất loài cây quý nên đã tổ chức ươm giống và mang sâm tự nhiên từ trong rừng về nhà trồng để bảo tồn loài sâm quý này.