Cụ ông bán đồ chơi dân gian gần 40 năm vì đam mê với những món quà tuổi thơ

Diễm Hạnh |

Tầm chiều tối, ông cụ cùng bộ đồ bà ba ngồi lặng lẽ bên những món đồ chơi tưởng như đã thuộc về một quá khứ xa xôi nào đó.

Tầm chiều tối, ông cụ cùng bộ đồ bà ba ngồi lặng lẽ bên những món đồ chơi tưởng như đã thuộc về một quá khứ xa xôi nào đó.

Tầm tối muộn, một ông cụ trong chiếc áo bà ba cũ màu nâu đi bộ từng bước thong dong đến trước cổng siêu thị. Trên vai ông là cái túi vải nhỏ chất đầy những món đồ chơi tuổi thơ.

Sạp hàng nhỏ đó là của ông Ngô Bá Xuân (75 tuổi). Ông Xuân bán những chim giấy, chuột giấy,... đủ những con thú màu sắc sặc sỡ đến nay đã gần 40 năm, lâu đến nỗi ông không thể kể được một cột mốc chính xác. Chỉ nhớ là khi ông nghỉ hưu công việc công nhân cơ khí, ông đã bắt đầu bán những món quà bình dị này.

Bán một đồ chơi, lời có 5 nghìn đồng

Ông Xuân cho biết mỗi ngày, tầm 6 giờ ông sẽ ra chỗ siêu thị Coop Mart (Q.1) để bán. Đi bộ 2 cây số cùng với túi đồ đầy những món quà tuổi thơ đối với ông là một thú vui. Ông Xuân chỉ bán vào tầm chiều tối vì buổi sáng thì bán không được, chỉ tầm tối may ra mới có vài người khách.

Ông kể, trước đó ông bán mấy con chuột, con bướm bằng giấy này ở Đầm Sen. Đến cả bộ đồ bà ba, cái mũ này, cũng là ở đó đưa cho. Ở Đầm Sen đông con nít nên ông bán cũng đắt.

Thêm nữa là ngày đó những đứa trẻ không có quá nhiều đồ chơi nên những con rắn, con sâu bằng giấy sặc sỡ màu sắc là món quà chơi quý giá đối với chúng. Tuy nhiên, vật giá leo thang, thuế ở khu vui chơi cũng đắt nên ông không còn đủ sức để tiếp tục bán ở đó.

Rời Đầm Sen, ông Xuân chọn ngồi trước cổng một siêu thị ở quận 1, cách nhà không xa để có thể tiện cho việc đi bộ nhìn ngắm phố xá.

Mỗi con thú bằng giấy này đồng giá 40 nghìn đồng/con. Nhiều người nghĩ là nó quá đắt đỏ với một món đồ chơi chỉ làm từ giấy nhưng ít ai biết được rằng mỗi con bán ra ông chỉ lời được 5 nghìn đồng.

Ông kể mấy con thú này ông lấy từ chỗ người khác chứ không tự tay làm, vì thế nên mỗi con được bán ra ông lời được mỗi 5 nghìn đồng không hơn. "Làm mấy con này cũng nhiều công đoạn lắm! Tôi thì không có ai làm phụ" - ông kể. Nhìn món đồ chơi tưởng đơn giản nhưng cũng lắm thứ kỳ công.

Ông Xuân kể về công việc buôn bán, mỗi ngày bán được vô chừng lắm, có khi được chục con, khi thì được 3,4 con, cũng có lúc chẳng bán được con nào.

Tôi hỏi nếu với số tiền ít ỏi vậy thì làm sao ông sinh hoạt được. Ông cười: "Tôi có lương hưu mà". Ra là ông chỉ bán vì… đam mê! Đam mê cái cảnh phố phường đông vui nhộn nhịp, đam mê cái việc đi lại cho đỡ chán, đam mê việc có đồng ra đồng vào, hay đơn giản là mê thứ đồ chơi con nít này. Bởi thế mà gần 40 năm sau khi nghỉ hưu, ông vẫn đều đặn bán những con ong, con bướm giấy.

Không vợ, không con, một thân một mình, ông lựa chọn niềm vui cho mình là được đem niềm vui đến cho những đứa trẻ. Ông đùa: "Ra đây nhìn ngắm đường xá cũng vui. Cái nghề này tôi làm cũng gần 40 năm rồi. Không bỏ được. Nhờ cái nghề này tôi cũng mua được nhà đấy."

Tôi có hỏi ông sao không tìm một chỗ thật đông đúc, như ở Phố đi bộ để bán, chắc sẽ đông khách hơn. Ông cười bảo mấy nơi đó đông đúc, cũng đã nhiều người buôn bán lắm rồi, ra đó bán thì lại tranh giành, đấu đá nhau. Ông không thích. Ông cứ đơn giản tìm một nơi nhỏ bé, nhìn ngắm đường phố chạy qua trước mắt cùng với con chuột nhỏ bằng giấy.

Sạp nhỏ vắng khách, ông vẫn ung dung. Ông chia sẻ với tôi rằng ngoài kia còn nhiều người rất khổ, còn ông có một công việc để làm đã là vui vẻ lắm rồi.

Đồ chơi con nít nhưng hiếm những đứa trẻ được chơi

Tôi ngồi đợi với ông hơn 1 tiếng đồng hồ nhưng không có một lượt khách dừng lại gian hàng nhỏ. Những đứa trẻ được bố mẹ đưa đến siêu thị có nhìn đến những những món đồ chơi đầy màu sắc kia nhưng cũng nhanh chóng lướt qua cùng với bố mẹ.

Rõ ràng những món đồ chơi thủ công như thế này không còn là thứ đồ chơi yêu thích của những đứa trẻ khi chúng đã có quá nhiều món đồ chơi công nghệ tuyệt vời.

Trước đó, những con chuột, con bướm bằng giấy này rất được trẻ em ưa chuộng. Ngày trước, khi ông Xuân còn bán những con sâu giấy ở Đầm Sen, rất nhiều đứa trẻ được bố mẹ mua cho khi chúng vòi.

Ông kể, có những ngày ông bán được tận 1 triệu đồng chỉ với những món đồ chơi nhỏ này. Nhưng đó đã là một quá khứ xa khi giờ đây, có những hôm ông chẳng bán được một con nào.

Một đứa trẻ dừng ở sạp hàng, có chút ngập ngừng trước những món đồ chơi lạ mắt mà có lẽ em ít khi thấy ở nơi phố thị. Ông kéo em nhỏ vào, tận tình chỉ em cách chơi con rùa giấy. Đứa trẻ chăm chú vào món đồ chơi như thể tìm thấy một thế giới mới.

Tôi chợt nhận ra là dù sao thì trẻ em vẫn sẽ dành sự yêu thích của nó cho những món đồ chơi, đặc biệt là những món đồ chơi thủ công bình dị như thế này.

Tôi rời đi khi trời đã tối hẳn nhưng ông sẽ còn ngồi ở nơi đó đến tận 9, 10 giờ đêm với những người bạn nhỏ. Mong rằng những chuột, những sâu này sẽ tìm được những người bạn thân của nó - những đứa trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại