Trong phiên 10/9/2024 vừa qua, tổng tài sản của tỷ phú Larry Ellison, nhà sáng lập Oracle, đã vượt qua Mark Zuckerberg của Facebook và Bernard Arnault của LVMH để trở thành người giàu thứ 3 thế giới.
Cụ thể, vị tỷ phú 80 tuổi này đã có thêm 18 tỷ USD tài sản khi giá cổ phiếu của Oracle tăng lên mức cao kỷ lục.
Với 191,7 tỷ USD tài sản, Ellison đã vượt qua Mark Zuckerberg (174 tỷ USD) và Bernard Arnault (172 tỷ USD) trên bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes.
Hiện Ellison chỉ đứng sau CEO Elon Musk của Tesla (247 tỷ USD) và Jeff Bezos của Amazon (197 tỷ USD).
Theo giới truyền thông, phiên 10/9 là một ngày tuyệt vời của cổ đông Oracle khi giá cổ phiếu tăng 14,7% lên mức 160,5 USD/cổ, vượt qua mức kỷ lục trước đó là 146,59 USD/cổ vào tháng 7/2024.
Đà tăng này cũng giúp tổng mức vốn hóa của Oracle tăng lên 435 tỷ USD, qua đó vượt mặt các tập đoàn lớn như P&G, Costco...để trở thành doanh nghiệp lớn thứ 17 tại Mỹ.
Nguyên nhân chính của đà tăng trưởng này chủ yếu đến từ thành công của Oracle trong việc tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI) vào mảng điện toán đám mây.
Hãng tin Reuters cho hay mảng điện toán đám mây của Oracle rẻ hơn so với các đối thủ Microsoft hay Amazon, qua đó trở thành lựa chọn tối ưu của nhiều doanh nghiệp.
Chính vì ưu thế này mà doanh thu quý I/2024 mảng điện toán đám mây của Oracle đã tăng trưởng đến 21% lên 5,6 tỷ USD, góp phần khiến tổng doanh thu của toàn công ty đạt 13,31 tỷ USD, vượt mức dự báo của nhà đầu tư.
Thành công của Oracle thậm chí đã khiến đối thủ phải hợp tác.
Mới đây Oracle tuyên bố hợp tác cùng AWS của Amazon, qua đó cho phép doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây AWS được tiếp cận với công nghệ AI của Oracle. Trước đó, một thỏa thuận tương tự cũng đã được ký kết với Microsoft và Google.
Đánh giá của Deutsche Bank cho thấy động thái này khiến Oracle trở thành ông vua "3 ngôi" khi khiến các đối thủ trong ngành phải cộng tác và công lao rất lớn đến từ nhà sáng lập Larry Ellison.
Nghèo khó và nổi loạn
Lawrence Joseph Ellison sinh ngày 17/8/1944 tại Bronx, một quận của thành phố New York. Mẹ của ông, bà Florence Spellman là một bà mẹ đơn thân người Do Thái khi mới chỉ 19 tuổi.
Vào lúc 9 tháng tuổi, Ellison mắc bệnh viêm phổi nên đã được mẹ gửi đến cùng chú dì là Lilian và Louis Ellison tại thành phố Chicago-Mỹ. Họ cũng trở thành cha mẹ nuôi của Ellison kể từ đó. Bản thân ông cũng không gặp lại mẹ ruột của mình cho đến tận năm 48 tuổi.
Nhớ lại thời gian đó, Ellison cho biết dì và là mẹ nuôi của mình rất ấm áp và tràn đầy tình yêu thương đối với ông, nhưng người chú lại có vẻ xa cách.
Gia đình của ông lúc đó không quá giàu cũng chẳng nghèo. Cha nuôi của Ellison làm công chức nhà nước, kiếm được chút tiền đầu tư vào bất động sản nhưng hầu như mất trắng sau cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ngay từ khi còn nhỏ, Ellison đã bộc lộ tính cách độc lập, nổi loạn của một cậu bé hiếu động. Tuy nhiên đi cùng với đó là năng khiếu toán học, khoa học. Chính sự tổng hợp này đã tạo nên một nhà tỷ phú đại tài, sẵn sàng mạo hiểm sau này.
Đến tuổi thành niên, Ellison theo học trường đại học Illinois và được đánh giá là một trong những sinh viên tiêu biểu của năm nhất. Bất hạnh thay, mẹ nuôi của Ellison qua đời khiến ông mất đi chỗ dựa tài chính và quyết định bỏ học năm thứ 2 để đi làm.
Dù khát khao với toán học và công nghệ nhưng Ellison lại phải bỏ dở việc học một lần nữa sau khi chuyển đến học tại đại học Chicago chuyên ngành máy tính.
Kể từ đây, Ellison đoạn tuyệt với con đường học hành và quyết tâm lập nghiệp để tìm kiếm thành công cho riêng mình.
Năm 1966, với chút tiền dành dụm, Ellison ở tuổi 22 chuyển đến California, gần thung lũng Silicon để lập nghiệp.
Trong vòng 8 năm, Ellison đã trải qua rất nhiều công việc cũng như tự tích lũy kiến thức về vi tính, lập trình mà không qua một trường lớp bài bản nào. Từ vị trí kỹ thuật viên cho công ty dịch vụ tài chính Wells Fargo đến lập trình viên cho nhà sản xuất máy tính Amdahl.
Nhớ về quãng đời gian khổ đó, Ellison cho rằng chính những thử thách đã rèn luyện bản thân sự bền bỉ, nghị lực cũng như tích lũy kiến thức, quan hệ xã hội cho thành công sau này. Cũng chính quãng thời gian này, tỷ phú Ellison đã khám phá ra đam mê thực sự của đời mình: công nghệ máy tính.
Trong thập niên 1970, khi làm cho công ty Ampex Corporation, Ellison đã tham gia 1 dự án xây dựng kho dữ liệu cho Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) mang tên Oracle và ông thực sự bị ấn tượng bởi hệ thống xử lý kho dữ liệu của dự án.
Đây là bước tiền đề để Ellison thành lập nên thương hiệu Oracle nổi tiếng sau này.
Vào năm 1977, Ellison và đồng sự Bob Miner và Ed Oates thành lập công ty quản lý cơ sở dữ liệu có tên là "Sofware Development Laboratories" với số vốn ban đầu 1.400 USD, trong đó 1.200 USD là do chính Larry tự bỏ tiền túi ra.
Đến năm 1979, công ty được đổi tên thành Ralational Software. Khi đó công ty của Ellison chỉ có 8 nhân viên bao gồm cả ông và 2 người bạn, còn doanh thu thì chẳng đến 1 triệu USD/năm.
Do nhiều yếu tố khách quan, Ellison bỏ qua Oracle 1 để tạo thẳng Oracle 2, phiên bản đầu tiên của hệ thống xử lý cơ sở dữ liệu. Đây là một bước đột phá khi thị trường này chưa có sự tham chiến của các ông lớn trong ngành.
Năm 1982, công ty đổi tên thành Oracle Systems Corporation dựa trên sản phẩm chủ đạo Oracle 2 của mình và cái tên đó đã duy trì cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay.
Là một trong những startup chọn hướng đi ban đầu đúng đắn, Oracle là một trong những cái tên phát triển nhanh chóng trong ngành công nghiệp máy tính. Năm 1986, Oracle lần đầu phát hành cổ phiếu, đưa doanh thu của công ty đạt mốc 55 triệu USD.
Suýt phá sản
Tất nhiên, chặng đường lọt top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới của Ellison chẳng dễ dàng đến thế, nhất là với một người rành công nghệ nhưng yếu kỹ năng quản lý.
Đầu thập niên 1990, Ellison đã cho phép những nhân viên bán hàng của họ trực tiếp đặt ra doanh số bán hàng trong các quý tương lai ngay trong quý hiện tại, điều đó tạo ra những doanh thu ảo và khiến cho toàn bộ những số liệu kinh doanh bị lệch một cách trầm trọng so với báo cáo.
Trước thông tin này, nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu của Oracle, khiến tổng vốn hóa thị trường giảm 80%. Oracle trên bờ vực phá sản và họ phải sa thải 10% nhân lực khi đó, tương đương khoảng 400 người.
Vậy là chưa đến 10 năm kể từ ngày đổi tên, Oracle đứng trước nguy cơ phá sản và trở thành miếng thịt béo bở khi các đối thủ cạnh tranh thi nhau cắt xén thị phần. Đây là sự kiện mà mãi về sau tỉ phú Larry Ellison mô tả là "một lỗi lầm kinh doanh đáng kinh ngạc" khi dính líu tới cả những vụ kiện tụng pháp luật.
May mắn thay, với bản lĩnh của một lãnh đạo giỏi và bộ óc quản lý, kinh doanh nhạy bén, tỉ phú Larry Ellison đã tiến hành một cuộc "thay máu" mạnh mẽ và toàn diện cho Oracle, phần lớn các nhân viên cao cấp ban đầu bằng các nhà quản lý có kinh nghiệm hơn.
Lần đầu tiên, ông giao việc quản lý kinh doanh cho các chuyên gia, và chuyển trọng tâm sang phát triển sản phẩm.
Một phiên bản mới của cơ sở dữ liệu Oracle 7 phát hành vào năm 1992 đã "càn quét" thị trường phần mềm quản trị. Chỉ 2 năm, cổ phiếu của công ty đã tăng trở lại.
Trong thập niên 1990, Oracle và Ellison đã hưởng thụ đỉnh cao vinh quang khi đánh bại các đối thủ khác trong mảng dữ liệu trực tuyến.
Thậm chí vào năm 1997, Ellison được bổ nhiệm làm Giám đốc của Apple Computer sau khi Steve Jobs quay trở lại làm CEO của hãng. Tuy nhiên ông đã phải từ chức vào năm 2002 do quá bận khi điều hành một lúc nhiều doanh nghiệp.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến Ellison và Oracle làm ăn phát đạt là bong bóng dot com. Tên miền dot-com (.com) bùng nổ vào cuối những năm 1990 đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Oracle: Tất cả những công ty sử dụng tên miền ".com" cần cơ sở dữ liệu đều tìm đến Oracle.
Phải mãi đến khi Microsoft và IBM mở rộng kinh doanh ở mảng này thì công ty mới gặp được những đối thủ chân chính. Kể từ đó đến nay, Ellison tiếp tục thành công trong nhiều thương vụ đầu tư khác và được cả thế giới biết đến như một trong những tỷ phú giàu nhất toàn cầu.
Với nguồn tài lực khổng lồ và óc nhạy bén trong kinh doanh, Ellison chuyển hướng sang các mảng kinh doanh tiềm năng khác ngay trước khi cơn sốt tên miền ".com" hạ nhiệt.
Vào năm 2009, Oracle mua Sun Microsystems, một công ty máy chủ khởi nghiệp cùng thời điểm năm 1982 với Oracle. Thương vụ thâu tóm này đem lại cho Oracle rất nhiều công nghệ quan trọng, bao gồm cả việc điều khiển cơ sở dữ liệu MySQL quen thuộc.
Bước sang năm 2014, Oracle thâu tóm nhà cung cấp phần mềm quản lý nhân lực PeopleSoft với giá 10,3 tỉ USD.
Kể từ năm 2010, tỉ phú Larry Ellison bắt đầu rút lui khỏi sân chơi của thế giới công nghệ, ông giao lại quyền điều hành cho những người tâm phúc của mình như Mark Hurd, Safra Catz,… để tập trung vào hưởng thụ cuộc sống xa xỉ hơn.
Vào năm 2012, ông mua hẳn quyền sở hữu hòn đảo Lanai thuộc quần đảo Hawaii với mức giá khoảng 300 triệu USD.
Ngông cuồng
Để có được những thành công đó, Ellison chắc chắn phải có những bí quyết riêng của mình. Nổi tiếng trong số đó là tính khí ngông cuồng mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được cái đầu "lạnh", Ellison sẵn sàng nhục mạ không tiếc lời và thậm chí kiện tụng thẳng tay với các đối thủ của mình.
Vị doanh nhân này còn được ví như một con cáo già trong thương trường, ông thậm chí có thể xoay chuyển thế cục tài tình, từ một nguy cơ mất trắng toàn bộ trở thành một cú ăn đậm.
Tỷ phú Ellison cũng cho biết thành công chẳng bao giờ đến nhờ may mắn mà cần phải làm việc chăm chỉ, nỗ lực hết mình bên cạnh tài năng kinh doanh. Ông cũng là người phá vỡ quy tắc truyền thống khi coi bằng cấp không phải là tất cả hay học tập là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
Quyết định táo bạo bỏ học giữa chừng của tỷ phú này đã chứng minh cho thế giới thấy một người quyết tâm làm điều gì thì có thể đạt được ngay cả khi bị mọi người cho là điên khùng, gàn dở.
Do vậy, ông còn từng khiến thế giới kinh ngạc khi hợp tác với Microsoft - đối thủ cạnh tranh lâu năm và củng cố lại mối quan hệ với CEO của Salesforce - Marc Benioff, khách hàng đồng thời là đối thủ lớn của Oracle.
"Trước khi bắt tay thực hiện những sáng kiến mang tính đột phá, bạn nên chuẩn bị tinh thần cho việc bị cả thế giới nói rằng mình gàn dở", tỷ phú Ellison tiết lộ.
Tỉ phú Larry Ellison cũng là một người rất ghét những nhân viên chỉ biết phục tùng. Đối với ông, một nhân viên giỏi là người phải có chính kiến mạnh mẽ cũng như sẵn sàn phản bác lại cấp trên vì lợi ích phát triển chung.
Những nhà điều hành kỳ cựu trước đây của Oracle bao gồm Marc Benioff của Salesforce, Tom Siebel của Siebel Systems, Craig Conway của PeopleSoft và cựu Chủ tịch HP Ray Lane.
Tất cả những người này sau này đều trở thành đối thủ của Oracle nhưng nếu không có họ thì tỉ Larry Ellison và Oracle không thể có ngày hôm nay.
Một trong những bí quyết thành công khác được ông Ellison chia sẻ đó là thường xuyên trò chuyện, quan tâm đến đội ngũ nhân viên. Để chiêu mộ và giữ chân nhân tài, tỷ phú Ellison trả lương và chia thưởng cho nhân viên khá hậu hĩnh.
Nhà sáng lập hãng phần mềm Oracle khiến nhiều người ngạc nhiên khi tuyên bố mức lương cơ bản 1 USD trong năm 2010 khi công ty gặp khó khăn. Ông Ellison sẵn sàng dùng tiền túi để điều hành hoạt động công ty, điều mà không phải ai cũng có thể làm được.
Mặc dù chỉ nhận mức lương tượng trưng 1 USD/năm nhưng khối tài sản của vị tỷ phú này vẫn không ngừng tăng lên nhờ những khoản thưởng, trợ cấp/bổng lộc và quyền chọn cổ phiếu trị giá hàng chục triệu USD.
Với vai trò nhà lãnh đạo của cả 1 đế chế kinh doanh, Ellison nhiều khi cũng đưa ra quyết định sai lầm, nhưng cái đáng quý ở đây là ông biết cách nhận lỗi và sửa sai.
Chính điều đó khiến Ellison trở thành một tỷ phú thất học gàn dở nhưng vẫn được lòng rất nhiều người, cũng như luôn nằm trong top 10 người giàu nhất thế giới qua thời gian.