Cú "ngã ngựa" vô tiền khoáng hậu
Ngày 10/9, trang tin Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) công bố, ông Hoàng Hưng Quốc - quyền Bí thư thành ủy kiêm Thị trưởng thành phố Thiên Tân bị điều tra do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Do Thiên Tân là một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương nên sự kiện Hoàng ngã ngựa khiến cho thành phố này thiếu cả Bí thư lẫn Thị trưởng - tức trống cả ghế lãnh đạo đứng đầu cơ quan đảng lẫn chính quyền.
Đây là trường hợp hiếm thấy trong trong lịch sử của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tuy nhiên, điểm thu hút sự chú ý của dư luận lại là cách thức và thời gian tuyên bố Hoàng Hưng Quốc "ngã ngựa" của CCDI.
Quyền Bí thư kiêm Thị trưởng thành phố Thiên Tân vừa bị ngã ngựa - ông Hoàng Hưng Quốc. (Ảnh: VCG)
Hoàng Hưng Quốc sinh năm 1954, người Chiết Giang, tốt nghiệp học vị Tiến sĩ Chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công trình, Học biện Kinh tế và Quản lý, Đại học Đồng Tế Thượng Hải năm 2004.
Hoàng công tác nhiều năm ở Chiết Giang, giữ chức Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang, Bí thư Thành ủy Ninh Ba trước khi chuyển tới Thiên Tân công tác vào tháng 11/2003.
Tháng 12/2014 được bổ nhiệm làm quyền Bí thư Thành ủy kiêm Thị trưởng Thiên Tân.
Ông này là Ủy viên Dự khuyết khóa 16, 17 và Ủy viên Trung ương khóa 18 ĐCSTQ.
Theo giới quan sát, từ kế hoạch "đả hổ" vào đêm khuya của CCDI hoặc thời điểm "ngã ngựa" nhạy cảm của Hoàng Hưng Quốc cũng như việc thận trọng tránh để xảy ra hiệu ứng tiêu cực đều phản ánh được cách làm thận trọng của Bắc Kinh.
Thứ nhất, dựa vào động thái của CCDI, trước Đại hội 19 của ĐCSTQ diễn ra vào năm 2017, bảm đảo ổn định chính trị là mục tiêu lớn nhất hiện nay của chính quyền Bắc Kinh.
Trước thềm Đại hội 19 và Hội nghị Trung ương 6 khóa 18 (tháng 10/2016), Trung Nam Hải đang tiến hành đợt điều chỉnh nhân sự trên phạm vi rộng. Trước tình hình này, CCDI lựa chọn "đả hổ" vào đêm cuối tuần đã phát đi thông điệp rất rõ ràng.
Là quan chức đứng đầu cả về đảng và chính quyền ở Thiên Tân, có triển vọng "đặt chân" vào Bộ Chính trị khóa 19, quyết định điều tra đối với Hoàng Hưng Quốc tất nhiên cần thông qua sự phê chuẩn của đội ngũ lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ.
Việc lựa chọn công bố thông tin này vào 22h30 thứ Bảy ngày 10/9 (giờ Bắc Kinh) rõ ràng cho thấy CCDI muốn giảm ảnh hưởng của sự việc.
Ngoài ra, Hoàng Hưng Quốc bất ngờ "ngã ngựa" chứng minh trong quá trình lựa chọn nhân sự, "sạch sẽ" là lằn ranh đỏ cứng rắn, khó vượt qua - một sự răn đe chắc nịch của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đặc biệt, tại thời điểm quan trọng của việc sắp xếp, củng cố, kiện toàn bộ máy nhân sự trước Đại hội 19, Hoàng "ngã ngựa" chứng tỏ ông Tập không muốn nhìn thấy hiện tượng "đưa con sâu vào Bộ Chính trị" tiếp tục xảy ra.
... Tạo lực đẩy cho "ngôi sao mới"
Ngày 13/9 - chỉ sau 3 ngày Hoàng Hưng Quốc "ngã ngựa", hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin, Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc Lý Hồng Trung được thuyên chuyển giữ chức Bí thư thành ủy Thiên Tân.
Đồng thời, Phó Bí thư thành ủy Thiên Tân Vương Đông Phong thăng quyền Thị trưởng.
Lý Hồng Trung - Bí thư thành ủy Thiên Tân đương nhiệm. (Ảnh: Getty/VCG)
Lý Hồng Trung sinh năm 1956, người Sơn Đông, tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử, Đại học Cát Lâm, Trung Quốc.
Lý công tác tại Liêu Ninh từ năm 1975 đến 1985. Sau đó, ông chuyển sang làm việc tại Quảng Đông khoảng 20 năm, từng giữ chức Bí thư thành ủy Thâm Quyến.
Từ năm 2007 - 9/2016, ông nhậm chức tại tỉnh Hồ Bắc, giữ chức Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc từ năm 2010 - 9/2016.
Ngày 13/9/2016, ông chính thức giữ chức Bí thư thành ủy Thiên Tân thay cho Hoàng Hưng Quốc vừa "ngã ngựa".
Lý Hồng Trung là Ủy viên dự khuyết khóa 17, 18 và Ủy viên trung ương khóa 18 ĐCSTQ.
Lý Hồng Trung là một trong những quan chức địa phương đầu tiên công khai ủng hộ ông Tập Cận Bình là "lãnh đạo cốt lõi".
Trả lời phỏng vấn tờ VOA (Mỹ), ông Hà Tần - Tổng biên tập Tập đoàn xuất bản tin tức Minh Cảnh (Canada) nhận định:
"Lý Hồng Trung và Phó thủ tướng, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trương Cao Lệ đều có điểm chung: từng giữ chức Bí thư thành ủy Thâm Quyến và Thiên Tân.
Bên cạnh Thượng Hải và Bắc Kinh, Thâm Quyến được coi là một trong những thành phố quan trọng nhất của Trung Quốc. Bất luận về lĩnh vực sáng tạo khoa học, xây dựng kinh tế hay thị trường thương mại đều rất sôi động.
Đặc biệt, thành phố này còn là nơi tiếp giáp với Đặc khu hành chính Hồng Kông. Do đó, kinh nghiệm công tác tại Thâm Quyến được coi là điểm nhấn vô cùng quan trọng trong lí lịch của các lãnh đạo Trung Quốc.
Cho nên, lần nhậm chức Bí thư thành ủy Thiên Tân này có liên quan rất lớn đến kinh nghiệm công tác của Lý Hồng Trung tại Thâm Quyến".
Ngoài ra, Hà Tần cũng cho rằng, nhậm chức tại Thiên Tân đồng nghĩa với việc Lý Hồng Trung chắc chắn được trao "lá phiếu" quan trọng để bước vào Bộ chính trị khóa 19 nhưng khả năng để bước tiếp vào Ủy ban thường vụ Bộ chính trị lại rất nhỏ.
Bởi hầu hết các lãnh đạo Trung Quốc đều trải qua một khóa Ủy viên Bộ chính trị mới có thể trở thành Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ.
Và gây "sóng ngầm" trước thềm Đại hội 19
Đa chiều cho rằng, sự kiện quyền Bí thư kiêm Thị trưởng Thiên Tân Hoàng Hưng Quốc ngã ngựa giống như vụ nổ bom lớn thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế.
Truyền thông Mỹ cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành cải tổ nhân sự lãnh đạo cấp tỉnh, Hoàng Hưng Quốc"ngã ngựa" có thể làm tăng tính không chắc chắn của việc chuyển giao quyền lực trong Đại hội 19 ĐCSTQ.
Điều này phản ánh "sóng ngầm" dữ dội của chính trường Trung Quốc trước thềm Đại hội.
New York Times (Mỹ) bình luận, dù chính quyền Bắc Kinh chưa công khai tội danh cụ thể của Hoàng nhưng sự việc "ngã ngựa" này đã phát đi một thông điệp rõ ràng: dù qua 4 năm nhưng ông Tập vẫn chưa chấm dứt chiến dịch chống tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Theo đó, giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đã bước vào một giai đoạn nhạy cảm - giai đoạn "thay máu" nhân sự trước thềm Đại hội 19.
7 ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc khóa XVIII. Từ trái qua: Trương Cao Lệ, Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Du Chính Thanh, Vương Kỳ Sơn. (Ảnh: Renminwang)
Hơn nữa, Hội nghị Trung ương 6 khóa 18 ĐCSTQ sắp tới sẽ chính thức khởi động công tác chuẩn bị cho Đại hội 19 nên các thông tin về thăng chức và miễn nhiệm của quan chức nước này sẽ ngày càng gia tăng.
Theo thông lệ, các Bí thư thành ủy của bốn thành phố trực thuộc Trung ương đều "chắc suất" vào Bộ Chính trị. Trước Đại hội 19, bất cứ ai thay thế Hoàng Hưng Quốc đều sẽ thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Tờ Nikkei (Nhật Bản) chỉ ra, lý do chính xác Hoàng Hưng Quốc "ngã ngựa" vẫn chưa rõ ràng nhưng chắc chắn có liên quan đến vụ nổ cảng Thiên Tân vào năm 2015.
Hơn nữa, Đại hội 19 của ĐCSTQ sắp diễn ra nên Hoàng Hưng Quốc "ngã ngựa" có thể do tác động từ cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt đang diễn ra trên chính trường Trung Quốc.
Trước đó, Hoàng được đánh giá có khả năng trở thành Bí thư thành ủy nhưng vụ nổ Thiên Tân đã khiến cho ông này mãi "giậm chân tại chỗ" với vị trí quyền Bí thư.
Một quan chức Trung Quốc giấu tên cho rằng, Hoàng "ngã ngựa" giống như sự răn đe của ông Tập đối với những nhóm lợi ích.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông) nhận định, giới quan chức tại Trung Quốc đều coi vị trí bỏ trống ở Thiên Tân là "bàn đạp" để bước vào Bộ Chính trị.
Chương Lập Phàm cho rằng "hệ thống chính trị ở Thiên Tân rất phức tạp với hàng chuỗi mắt xích liên hoàn nên sau khi một quan chức ngã ngựa sẽ kéo theo rất nhiều nhân vật khác lần lượt ngã theo".
Phó giáo sư Trần Đạo Ngân, Học viện Chính pháp Thượng Hải cho rằng, trở thành Bí thư thành ủy Thiên Tân trong thời điểm này "sẽ mở đường cho ngôi sao chính trị mới bước vào Bộ Chính trị trong năm tới".
Tuy nhiên, những phỏng đoán đối với việc sắp xếp nhân sự hiện nay đều không có cơ sở chắc chắn, trong khi công tác chuẩn bị cho Đại hội 19 vẫn đang được tiến hành và bảng danh sách các ứng cử viên sáng giá vẫn còn được nối dài.