Cú lừa ngoạn mục của nàng "công chúa" đến từ vùng đất lạ làm rúng động cả Châu Âu thế kỷ 19

Sông Thương |

Câu chuyện về nàng công chúa xứ Javasu đã được chuyển thể thành phim vào năm 1994 và thu hút được nhiều sự yêu thích của công chúng.

Hẳn tất cả chúng ta đều có ít nhất một lần chơi trò đóng vai, có thể là chạy xung quanh nhà và giả vờ như mình là một siêu anh hùng, hay giả vờ như mình đang cưỡi một chú ngựa băng băng trên thảo nguyên. Thậm chí, rất nhiều người còn mơ mộng về việc trở thành một người khác. Nhưng với Marry Baker, trò chơi tưởng chừng chỉ dành cho trẻ con này lại được nâng lên một tầm cao mới.

Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 3/4/1817, khi cô gái trẻ này đến ngôi làng có tên Almondsbury, nằm ở vùng ngoại ô thành phố Bristol, nước Anh. Dân làng hoàn toàn không biết phải đối xử như thế nào với cô gái trẻ lạ mặt.

Cô đội khăn xếp đen, mặc chiếc áo choàng dài cũng màu đen nốt và nói thứ ngôn ngữ mà không ai có thể hiểu được. Thứ duy nhất cô mang theo là chiếc bọc nhỏ, xuất hiện như người hành khất đến từ đất nước xa lạ nào đó.

Cú lừa ngoạn mục của nàng công chúa đến từ vùng đất lạ làm rúng động cả Châu Âu thế kỷ 19 - Ảnh 1.

Cô gái lạ đội khăn xếp và mặc áo choàng đen.

Ban đầu, cô gái được đưa đến trại cứu tế của địa phương và bị giám sát. Tuy nhiên, mọi người vẫn không ai hiểu được cô nói gì, nên họ đã gửi cô đến nhà của thẩm phán quận, Samuel Worrall.

Tại nhà của ngài thẩm phán, sự xuất hiện của cô gái đã gây xôn xao. Ngay cả những người hầu người Hy Lạp cũng không hiểu thứ ngôn ngữ mà cô gái đang dùng. Thế nhưng, họ có thể hiểu được khi cô ấy nhìn thấy một quả dứa và hét lớn: Ananas. Ananas là từ dùng để chỉ quả dứa trong tiếng Hy Lạp cũng như một số ngôn ngữ Châu Âu khác.

Ông Worrall không biết phải làm gì với người phụ nữ xa lạ. Ông đã kiểm tra tay cô và phát hiện ra nó rất mềm mại, không giống bàn tay thô ráp của những người hầu. Cô gái trẻ thậm chí còn không biết phải ngủ trên giường như thế nào, thay vào đó, cô lại ưa thích nằm trên sàn nhà lạnh lẽo.

Nhưng Elizabeth Worrall, vợ ông Worrall lại bị mê hoặc bởi cô gái lạ này. Thông qua việc dỗ dành và cố gắng giao tiếp, ông Worrall kết luận rằng tên của cô gái là Caraboo vì đó là từ mà cô gái đã nói khi chỉ tay vào mình.

Trong khi đó, vợ ông lại kết luận vì cô gái tỏ ra say mê với những tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc trong nhà, nên cô chắc chắn đến từ Trung Quốc. Nhưng bà lại không thể giải thích được vì sao cô gái lại có vẻ ngoài giống người Châu Âu đến vậy.

Cú lừa ngoạn mục của nàng công chúa đến từ vùng đất lạ làm rúng động cả Châu Âu thế kỷ 19 - Ảnh 3.

Bức ảnh chân dung của nàng "công chúa" được ông Worrall cung cấp.

Không từ bỏ, ông Worrall vẫn quyết tâm tìm ra thân thế thật sự của cô gái. Vì thế, ông đã mời các thuỷ thủ nước ngoài đến nhà ông để nói chuyện với Caraboo, nhưng dù là như thế, vẫn không ai hiểu được thứ ngôn ngữ mà cô ấy đang nói là gì.

Cuối cùng, một người thuỷ thủ người Bồ Đào Nha tên là Manuel Eynesso được đưa đến nhà Worrall. Trong sự ngỡ ngàng của mọi người, anh đã giao tiếp được với cô gái bằng ngôn ngữ của cô, rồi kể lại cho mọi người một câu chuyện.

Caraboo là một công chúa đến từ hòn đảo Javasu thuộc Ấn Độ Dương. Không may, cô bị bọn cướp biển bắt cóc khỏi quê hương của mình. Trong quá trình trốn thoát, cô tình cờ đến được đây.

Gia đình Worrall hoàn toàn tin vào câu chuyện đó mà không có một chút nghi ngờ nào, thậm chí còn vô cùng vui sướng khi biết nàng công chúa này rất thích ngôi nhà của mình. Vì thế, họ đã quyết định đưa câu chuyện này lên báo.

Tin tức về một nàng công chúa đến từ vùng đất lạ sống ở Bristol nhanh chóng lan truyền khắp mọi nơi và mọi người còn đến nhà Worrall để được diện kiến công chúa Caraboo. Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, Caraboo đã mang đến một màn trình diễn hết sức tuyệt vời.

Cô có thể tự làm cung tên, nhảy một điệu nhảy kỳ lạ, vượt qua hàng rào và thậm chí là còn khoả thân bơi trong hồ nước. Cô còn cầu nguyện với một vị thần tên là Allah Tallah, điều này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều phu nhân trong vùng.

Cú lừa ngoạn mục của nàng công chúa đến từ vùng đất lạ làm rúng động cả Châu Âu thế kỷ 19 - Ảnh 4.

Chữ viết của Caraboo.

Không những thế, Caraboo còn viết ra một số từ trong ngôn ngữ của cô ấy cho mọi người cùng xem, mặc dù khi được gửi đến Oxford để phân tích ngôn ngữ, nó đã bị từ chối bởi những người trong ngành.

Nhưng câu chuyện nào rồi cũng phải đi đến hồi kết. Nàng công chúa xứ lạ đã thu hút đủ mọi sự chú ý và các bài báo viết về cô cũng ngày một nhiều hơn. Trong một lần xem báo, người phụ nữ tên là Neale, chủ một căn nhà trọ, đã nhận ra công chúa Caraboo chính là Mary Baker, một cô gái mà bà có quen biết.

Theo bà Neale, Mary Baker làm công việc hầu gái cho nhà trọ và thường xuyên dùng một thứ ngôn ngữ vô nghĩa để mua vui cho con gái của bà. Và thứ ngôn ngữ này giống hệt với ngôn ngữ mà công chúa Caraboo đã nói. Trò chơi đóng vai đã bị vạch trần.

Ngay sau khi tin tức được lan truyền, Mary Baker đã bị đưa đến Philadelphia, Hoa Kỳ, trong sự xấu hổ của nhà Worrall. Những tờ báo đã từng viết bài xu nịnh công chúa giờ đây lại quay ra chế nhạo vợ chồng Worrall là ngu ngốc vì đã tin vào câu chuyện bịa đặt.

Cú lừa ngoạn mục của nàng công chúa đến từ vùng đất lạ làm rúng động cả Châu Âu thế kỷ 19 - Ảnh 5.

Một bộ phim đã được sản xuất vào năm 1994 dựa trên câu chuyện về công chúa Caraboo.

Sau khi đến Philadelphia, Mary Baker đã cố gắng diễn lại vở kịch công chúa nhưng không thành công. Sau đó vài năm, cô trở lại Anh với cái tên Mary Burgess, rồi sống hết phần đời còn lại ở Bristol cho đến khi qua đời vào năm 1864.

Nguồn: The History Press

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại