Cú huých đặc biệt của Covid-19 và sự khởi đầu mới từ nền tảng khám chữa bệnh từ xa Make in Vietnam chính thức vận hành

T.Công |

"Chúng ta hãy cùng coi đây là dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn nhiều, đó là chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về việc ra mắt nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa sáng 18/4.

Sự lựa chọn bắt buộc thời Covid-19

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh y tế và công nghệ số là hai lĩnh vực đang được thúc đẩy nhanh chóng, có bước tiến lớn trong dịch Covid-19.

"Cú huých đặc biệt của Covid-19 chính là sự chuyển đổi số trong ngành y tế", ông Hùng nói. Cụ thể, Việt Nam từ nhiều năm nay đã nói đến khái niệm bệnh viện online, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử… nhưng sự chuyển biến chưa nhiều.

Nhưng, những điều đó đã có sự "nhảy vọt" chỉ trong thời gian ngắn ngủi vừa qua, khi đại dịch bùng phát, thúc đẩy sự thay đổi của cả ngành nhanh nhất có thể.

Khám chữa bệnh từ xa một mặt giảm tải được cho các bệnh viện tuyến trên, dành nguồn lực y tế để cứu chữa cho những bệnh nhân mắc bệnh, một mặt hạn chế tập trung đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm.

"Việc khám chữa bệnh từ xa giúp cho người dân không cần đến bệnh viện trong trường hợp không cần thiết", Bộ trưởng Hùng nói.

Nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa ra mắt trong sáng 18/4 do Viettel Solutions – thành viên Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) phát triển và tích hợp được kỳ vọng sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Nền tảng này đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa theo quy định của Bộ Y tế ban hành gồm: Tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Nhờ vậy, các cơ sở y tế có thể lập phác đồ theo dõi cho từng bệnh nhân, quản lý tình trạng sức khỏe hàng ngày, cảnh báo, nhắc nhở điều trị, tương tác trực tiếp với bệnh nhân qua thiết bị theo dõi sức khoẻ cá nhân có kết nối Internet và chỉ định điều trị, phục hồi chức năng, tư vấn dinh dưỡng, khám lại.

Sự ra đời của nền tảng sẽ giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập kênh hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh cho người dân, giảm chi phí đầu tư hệ thống ban đầu, bệnh viện không cần có sẵn đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin tại chỗ để vận hành, duy trì. Viettel cũng cho biết sẽ cung cấp miễn phí nền tảng này trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn ra.

Cú huých đặc biệt của Covid-19 và sự khởi đầu mới từ nền tảng khám chữa bệnh từ xa Make in Vietnam chính thức vận hành - Ảnh 1.

Ảnh: VGP

Hướng tới quốc gia số

Nhận xét về nền tảng khám chữa bệnh từ xa xây dựng cho ngành y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là việc khá mới mẻ ở Việt Nam, nơi vốn có địa lý núi non hiểm trở, xa cách.

Ông đánh giá cao ngành TTTT, ngành y tế cùng các lực lượng bác sĩ, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tích cực tham gia, góp phần chống dịch, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Có thể nói chưa bao giờ công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ như vậy – ông nhấn mạnh.

Thủ tướng đặc biệt ấn tượng với hoạt động khám chữa bệnh trong sáng nay tại ĐH Y Hà Nội khi các bác sĩ hội chuẩn, khám chữa và tư vấn cho các bệnh nhân ở nhiều nơi trên Việt Nam thông qua nền tảng Viettel phát triển.

"Những gì mà chúng ta chứng kiến hôm nay cho thấy lợi ích rõ ràng của hoạt động khám chữa bệnh từ xa. Người bệnh vẫn được khám bệnh nhưng chỉ phải tới bệnh viện khi cần thiết; bệnh viện tuyến trên có thể hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới hết sức nhanh chóng và thuận lợi", ông nói. Điều đặc biệt, theo Thủ tướng là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã rất chủ động, tích cực đồng hành với Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh và đã cho ra mắt hàng chục ứng dụng phục vụ người dân.

Theo đó, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ TTTT, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khoẻ và phòng bệnh dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nền tảng quản trị y tế thông minh. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, phối hợp xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Các doanh nghiệp công nghệ cần chú ý bảo mật thông tin cá nhân.

Bộ TTTT, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia để ký ban hành trong tháng 4/2020. Đây là vấn đề quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong mọi mặt xã hội.

Thủ tướng đề nghị Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp tục quyết liệt triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa, liên tục đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trên toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này.

"Chúng ta hãy cùng coi đây là dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn nhiều, đó là chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số", Thủ tướng nói. Ông bày tỏ mong muốn 14.000 cơ sở y tế trên toàn quốc tổ chức thành công nền tảng khám chữa bệnh từ xa này.

Cú huých đặc biệt của Covid-19 và sự khởi đầu mới từ nền tảng khám chữa bệnh từ xa Make in Vietnam chính thức vận hành - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại