Cú hồi tố lỗ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chứng khoán: "Đội ngũ HAGL rất giỏi về tài chính và luật, cơ quan quản lý nên sửa quy định doanh nghiệp hồi tố lỗ quá 2 năm huỷ niêm yết bắt buộc luôn"

Bạch Huệ |

Về án huỷ niêm yết bắt buộc với HAGL, ở góc độ pháp luật HAGL không vi phạm, chỉ là đạo đức kinh doanh có vấn đề nhưng đạo đức thì không có quy chuẩn niêm yết. CEO & Founder của WiGroup cho rằng cơ quan quản lý lúc này nên "cắn răng" huỷ yêu cầu và nhân cơ hội này xem lại chính các quy định pháp luật, nhanh chóng lấp kẽ hở về hồi tố. Theo đó sửa quy định doanh nghiệp nào hồi tố báo cáo tài chính quá 2 năm hoặc quá 2 lần/10 năm thì huỷ niêm yết bắt buộc luôn.

Chuyện huỷ niêm yết cổ phiếu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) đang gây nhiều dư luận trái chiều trong giới đầu tư. Ngày 14/2 vừa qua, một nhóm cổ đông của HAG đã gửi đơn kêu cứu lên cơ quan chức năng gồm Bộ Công an, Uỷ ban Chứng khoán và HOSE về chuyện huỷ niêm yết của HAGL.

Sau đó, hàng loạt các luật sư đã lên tiếng dưới góc độ pháp luật nói việc huỷ niêm yết với HAGL là không có tiền lệ trong lịch sử chứng khoán Việt Nam và cơ quan quản lý có thể đối mặt với án kiện từ cổ đông doanh nghiệp.

Để có chuyện chưa có tiền lệ này thì bản thân HAGL cũng có cú hồi tố liên tục chưa có tiền lệ.

Cú hồi tố chưa từng có tiền lệ của HAGL

Trong báo cáo kiểm toán năm 2020 được công bố, HAGL đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 6.301 tỷ đồng, trong đó, công ty thể hiện khoản lỗ lũy kế vào cuối năm 2019 là hơn 5.046 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại thời điểm công bố báo cáo tài chính năm 2019 tập đoàn đã công bố lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối 290,8 tỷ đồng. Sự chênh lệch lớn này đã làm xáo trộn kết quả kinh doanh của HAG trong 3 năm và gây nhiều điều tiếng trong giới tài chính.

Cụ thể, trước hồi tố, năm 2017 Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận lãi 371 tỷ đồng, năm 2018 lãi 6 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 1.808 tỷ đồng. Sau hồi tố Hoàng Anh Gia Lai điều chỉnh lỗ 2017 là 3.652 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 927 tỷ, năm 2019 lỗ 1.908 tỷ đồng.

 Cú hồi tố lỗ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chứng khoán: Đội ngũ HAGL rất giỏi về tài chính và luật, cơ quan quản lý nên sửa quy định doanh nghiệp hồi tố lỗ quá 2 năm huỷ niêm yết bắt buộc luôn  - Ảnh 1.

Cú hồi tố liên tục chưa từng có trong tiền lệ của HAGL

Mới đây, HAGL đã có kiến nghị xin không huỷ niêm yết bắt buộc. Do chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lỗ liên tiếp trong ba năm, từ 2017-2019 và lợi nhuận chưa phân phối hiện vẫn là số âm. Công ty quan ngại việc lỗ 3 năm liên tiếp có thể khiến cổ phiếu bị hủy niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE).

Đại diện là bầu Đức trong chia sẻ với truyền thông cho biết: "Việc hồi tố này hoàn toàn tuân theo quy định mới. Công ty đang phát triển theo hướng tốt và chắc chắn có lãi cao nên chúng tôi muốn đền đáp xứng đáng cho các nhà đầu tư tin tưởng. Nếu bị huỷ niêm yết, công ty sẽ rất có lỗi với cổ đông".

Nói về việc hồi tố, bầu Đức cho rằng thực tế Công ty chỉ lỗ 3 năm trước đó là 2017-2019, từ 2020 đến nay đã có những bứt phá trong kinh doanh. Trong khi đó, giai đoạn 2017-2019 các cổ đông cũ cũng đã không còn gắn bó với HAGL.

Hiện, các cổ đông nắm giữ HAG là những cổ đông mới họ tin tưởng vào kế hoạch kinh doanh của HAGL ở hiện tại và 2 năm tới. Do đó, nếu huỷ niêm yết họ sẽ rất thiệt thòi.

Cổ phiếu HAG hiện đã bị HOSE chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ tháng 4/2021 do lỗ sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2020 hơn 6.300 tỷ đồng và lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 hơn 1.255 tỷ đồng. Năm 2021 của HAGL đã có lãi trở lại 120 tỷ đồng.

Sự việc chưa có tiền lệ của HAGL đang gây nhiều dư luận trái chiều trong giới tài chính, bên đồng tình, bên phản đối.

Phải vá lỗ hổng về hồi tố báo cáo tài chính để tránh tình trạng doanh nghiệp lách

Dưới góc độ tài chính, ông Trần Ngọc Báu, CEO & Founder của WiGroup - công ty cung cấp dữ liệu tài chính cho nhà đầu tư có chia sẻ đáng chú ý về các thủ thuật tài chính và kẽ hở mà các doanh nghiệp có thể lợi dụng để lách.

Theo đó, với các những doanh nghiệp mà tài sản nằm phần lớn ở khoản phải thu và xây dựng dở dang thì chắc chắn khi muốn "tác động" đến báo cáo tài chính, họ chỉ cần tác động vào 1 trong 2 khu vực này.

Vị CEO cho rằng đội ngũ của HAGL đều là dân chuyên nghiệp nếu xét trong thị trường tài chính Việt Nam, rất thông minh và am hiểu Luật Chứng khoán.

"Tài sản dở dang và cố định của HAGL chủ yếu được hợp nhất bởi công ty con là Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã: HNG), tuy nhiên đến năm 2021 HNG đã không còn là công ty con của HAG.

Vậy nên chìa khoá của HAGL lúc này là kĩ năng xử lý khoản phải thu. Muốn tác động đến khoản phải thu thì có hàng tá cách, trong đó có 2 cách phổ biến là hoán đổi vay nợ - cổ phần và xử lý trích lập", ông Báu phân tích.

Vị chuyên gia về dữ liệu tài chính này giải thích về cách thứ 2 tức kỹ năng xử lý trích lập. Về nguyên tắc trích lập dự phòng là một khoản chi phí không bằng tiền (tiền đã mất từ lúc bạn cho người ta vay nợ rồi).

Khi công ty trích lập thì trên bảng cân đối kế toán: Tài sản trích lập giảm dẫn tới Tổng tài sản giảm, Tổng nguồn vốn giảm tương ứng. Trên báo cáo thu nhập sẽ ghi nhận tăng chi phí trích lập tương ứng và làm giảm lợi nhuận.

Ngược lại, hoàn nhập sẽ làm tăng tài sản - nguồn vốn và tăng lợi nhuận. Ở tình huống của HAGL thì liên quan đến khoản phải thu nên sẽ được ghi nhận tăng/giảm chi phí quản lý trên báo cáo thu nhập.

Tất nhiên là việc trích lập hay hoàn nhập sẽ phải theo những chuẩn mực, tuy nhiên chuẩn gì thì cũng phụ thuộc vào con người và có kẽ hở để để lách, đó cũng chính là lý do mà kiểm toán EY nêu ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp với HAG về các khoản phải thu, nhưng HAGL quyết không trích lập năm 2020 và né được án huỷ niêm yết năm 2020.

Đến năm 2021, HAGL đã hồi tố lỗ vào 3 năm từ 2017-2019 như chúng tôi đưa tin phía trên.

"Đội ngũ của HAGL đã bám vào kẽ hở trong quy định niêm yết. Để kế hoạch này thành công thì bắt buộc năm 2021 phải có lãi. Mũi tên này trúng 3 đích, một là thoát án huỷ niêm yết năm 2020, hai là rửa được ý kiến của kiểm toán trên báo cáo tài chính và ba là có sẵn "của để dành" cho 2021-2022.

Về việc con số lãi 120 tỷ năm 2021 của HAGL, ông Báu đánh giá, hoạt động kinh doanh của HAGL có cải thiện nhưng lời thực hay không phải nhìn vào chi tiết báo cáo tài chính.

Cứu cánh cho khoản lợi nhuận của HAGL đó chính là các khoản hoàn nhập dự phòng phải thu lên tới gần 1.000 tỷ, tức lôi dần của để dành ra xài. Nếu trừ đi khoản lãi 120 tỷ thì con số lãi thực là âm. Đây cũng chưa phải con số đã kiểm toán nên chưa thể đưa ra kết luận chính xác ngay", vị CEO phân tích.

 Cú hồi tố lỗ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chứng khoán: Đội ngũ HAGL rất giỏi về tài chính và luật, cơ quan quản lý nên sửa quy định doanh nghiệp hồi tố lỗ quá 2 năm huỷ niêm yết bắt buộc luôn  - Ảnh 2.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO & Founder của WiGroup

Như vậy mũi tên của HAG trúng nhiều đích nhưng giải quyết được loạt các vấn đề. Nhưng theo vị CEO này thông minh, lách được về góc độ tài chính thì ai thông minh về kinh doanh và sản xuất.

"Về án huỷ niêm yết bắt buộc với HAGL, ở góc độ pháp luật HAGL không vi phạm, chỉ là đạo đức kinh doanh có vấn đề nhưng đạo đức thì không có quy chuẩn niêm yết", ông Báu cho rằng cơ quan quản lý lúc này nên "cắn răng" huỷ yêu cầu và nhân cơ hội này xem lại chính các quy định pháp luật, nhanh chóng lấp kẽ hở về hồi tố.

Theo đó sửa quy định doanh nghiệp nào hồi tố báo cáo tài chính quá 2 năm hoặc quá 2 lần/10 năm thì huỷ niêm yết bắt buộc luôn.

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết là kim chỉ nam cho quyết định của nhà đầu tư nên cần minh bạch, tránh kẽ hở xào nấu, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

"Trong trường hợp huỷ niêm yết trên sàn HOSE thì về UpCoM chỉ khác ở khoản cấp margin và công bố thông tin. Với HAG, công ty vốn dĩ không được vào danh sách margin vì trong diện kiểm soát, vậy tại sao HAGL sợ huỷ niêm yết thế?

Có thể điều này liên quan đến một số khoản nợ của doanh nghiệp tại các ngân hàng liên quan đến tài sản thế chấp bằng cổ phiếu", ông Báu đánh giá.

Luật sư nói cổ đông có thể kiện cơ quan chức năng nếu HAGL bị huỷ niêm yết

Dưới góc độ luật, trước đó chúng tôi đã đưa tin ý kiến một số luật sư quan điểm của Luật sư Lê Thị Hoài Giang – Đoàn Luật sư Tp.HCM nhấn mạnh theo Điểm e Điều 120 của Nghị định 155 quy định: "Huỷ bỏ niêm yết bắt buộc trong trường hợp: "Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".

Như vậy, quy định tại điểm e có 3 điều kiện để huỷ bỏ niêm yết bắt buộc. Theo đó, kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ 3 năm liên tục trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét được hiểu doanh nghiệp phải thua lỗ 3 năm "liên tục" trước thời điểm xem xét; tính "liên tục" của 3 năm là điều kiện tiên quyết.

"Vậy nên, nếu doanh nghiệp bị thua lỗ trong 3 năm liên tục trước đó, 2018; 2019; 2020 nhưng năm 2021 chưa bị hủy niêm yết thì đến năm 2022 sẽ phải xác định xem năm 2021 doanh nghiệp có lãi hay vẫn tiếp tục lỗ. Nếu 2021 vẫn lỗ thì năm 2022 sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Nếu 2021 lãi thì không có căn cứ để hủy niêm yết năm 2022", Luật sư Giang nhấn mạnh.

"Nếu cơ quan chức năng hủy niêm yết cổ phiếu HAG trong năm 2022 thì khả năng những nhà đầu tư mua cổ phiếu này sẽ khởi kiện cơ quan chức năng là rất cao vì thời điểm mua sau khi doanh nghiệp công bố lãi, và khi họ mua thì cổ phiếu đã không còn nằm trong diện bị hủy niêm yết bắt buộc", Luật sư Giang nói.

Trên sàn chứng khoán HAG đang được giao dịch ở mức 10.950 đồng/cổ phiếu sau phiên quét lệnh ồ ạt giải cứu hàng chục triệu cổ phiếu giá sàn ngày 15/2 gây ấn tượng giới tài chính.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại