Cụ già chỉ ra lỗi sai trong bức tranh ở bảo tàng, bị nhà sử học cười nhạo: Nói một câu khiến chuyên gia tái mặt!

TAMMY |

Nghe câu nói của cụ già, vị chuyên gia bỗng tái mắt, chân tay như rụng rời. Bấy giờ ông mới nhận ra cụ già đứng trước mặt mình là ai.

Câu chuyện đặc biệt diễn ra ở Bảo tàng Cố Cung tại Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ngày hôm ấy, một ông già ở độ tuổi ngoài 60 cùng người bạn mua vé vào tham quan cung điện.

Khi bước vào căn phòng của vua Quang Tự - vị hoàng đế thứ 11 của nhà Thanh, ông cụ nhìn thấy bức chân dung treo trên tường lập tức gọi nhân viên của bảo tàng lại và một mực khẳng định tranh treo ở đây là sai rồi, đây không phải hình Quang Tự Đế.

Cụ già chỉ ra lỗi sai trong bức tranh ở bảo tàng, bị nhà sử học cười nhạo: Nói một câu khiến chuyên gia tái mặt! - Ảnh 1.

Bức chân dung Hòa Thạc Thuần Thân vương treo trong Bảo tàng Cố Cung. Ảnh: Zhuanlan

Nhân viên bảo tàng ngơ ngác không rõ chuyện gì xảy ra, bèn gọi một vị chuyên gia lịch sử ra giải thích cho cụ già.

Vị chuyên gia bước ra, nhìn thấy ông già ăn mặc tuềnh toàng thì nghĩ là người già lẩm cẩm. Chuyên gia còn cười nhạo rằng làm sao cụ biết được vua Quang Tự hình hài ra sao, những người nghiên cứu lịch sử như chúng tôi đã tìm hiểu cả rồi.

Lúc này, cụ già mới thở dài mà nói một câu: "Bức hình trên tường không phải vua Quang Tự. Đây là cha tôi, Hòa Thạc Thuần Thân vương."

Nghe tới đây, vị chuyên gia bỗng tái mắt, chân tay như rụng rời. Bấy giờ ông mới nhận ra cụ già đứng trước mặt mình chính là Phổ Nghi - vị hoàng đế thứ 12 và là quân chủ cuối cùng của triều đại nhà Thanh.

Chuyên gia lịch sử tất nhiên sau đó đã cúi đầu xin lỗi Phổ Nghi cũng như gọi người thay thế bức tranh trong Bảo tàng Cố Cung. Mẩu chuyện đặc biệt này nằm trong cuốn hồi ký "Nửa đời trước của tôi" được Phổ Nghi viết khi ông đã trở thành một công dân bình thường của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Vị hoàng đế cuối cùng

Phổ Nghi (1906 - 1967), tên đầy đủ là Ái Tân Giác La Phổ Nghi, chính là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thanh nói riêng và của chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc nói chung.

Phổ Nghi vốn là con trai cả của Hoàng tử Tái Phong (hay Hòa Thạc Thuần Thân vương), sau này được Từ Hi Thái hậu nhận là con nuôi cho Hoàng đế Quang Tự.

Ông lên ngôi từ năm 2 tuổi và thoái vị năm 1912, khi Cách mạng Tân Hợi bùng nổ. Tới năm 1926, Phổ Nghi bị trục xuất khỏi Tử Cấm Thành và được Phát xít Nhật đưa lên làm hoàng đế bù nhìn của Đại Mãn Châu Đế quốc ở Đông Bắc Trung Quốc vào năm 1934.

Cụ già chỉ ra lỗi sai trong bức tranh ở bảo tàng, bị nhà sử học cười nhạo: Nói một câu khiến chuyên gia tái mặt! - Ảnh 3.

Hoàng đế Phổ Nghi khi còn trẻ. Ảnh: Sohu

Sau 10 năm làm vị vua bù nhìn, Phổ Nghi bị Hồng quân Liên Xô bắt và quản thúc, sau đó có góp mặt trong phiên tòa xét xử các tội phạm chiến tranh của Nhật. Từ năm 1949 đến 1959, ông được trả về nước và bị quản thúc, giam giữ vì tội danh bắt tay với quân xâm lược Nhật. Tháng 12/1959, Phổ Nghi được ân xá, thả tự do và bắt đầu sống như một thường dân.

Sau khi được trả tự do, Phổ Nghi đến Bắc Kinh và làm việc công việc bán vé vào cửa, làm vườn, trông coi cây cảnh tại công viên Ngọc Uyển - một vườn bách thảo tại thành phố. 

Cuộc sống của Phổ Nghi trôi qua rất êm đềm, ít ai nhận ra ông già bán vé ấy chính là vị hoàng đế cuối cùng, người từng sống những ngày vàng son trên ngai vàng từ năm 2 tuổi.

Trong một lần quay lại thăm Tử Cấm Thành, Phổ Nghi đã gặp phải tình huống trớ trêu trên và ghi lại trong cuốn hồi ký. Ông kể chi tiết những cảm xúc đặc biệt khi phải mua vé để được vào tham quan nơi mình từng sinh ra và lớn lên. Cuốn tự truyện khiến người ta ít nhiều xót xa cho thân phận vị hoàng đế kém may mắn.

Những năm cuối đời, Phổ Nghi cũng được giao nhiệm vụ viết lại những luật lệ, nghi thức của triều đình nhà Thanh để giúp các nhà sử học tìm hiểu những chuyện cung đình.

Bài viết tham khảo từ Sohu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại