"Xin trào! Xin trào!..."

Độc giả Phan Minh |

(Soha.vn) - Ở ta, “Welcome” biến thành “wellcome”, “fast food” lại hóa ra “fast foot” vậy thì ở một phương trời Tây nào đó, “xin chào” rất có thể sẽ được viết là “xin trào”.

Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam đương nhiên không nằm ngoài guồng quay chóng mặt ấy. Mỗi ngày, có không biết bao nhiêu vị khách quốc tế đến với Việt Nam.

Trên những con phố, những cửa hiệu phục vụ khách ta và khách Tây mọc lên như nấm sau mưa với cửa kính sáng choang và biển hiệu hoàng tráng. Để cho thời thượng, những tấm biển được viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Nhưng hỡi ôi, những câu mời chào, giới thiệu rất đơn giản bằng tiếng Anh lại bị viết sai chính tả một cách rất ngô nghê. Không phải là “Welcome” mà là “wellcome”, không phải là “fast food” mà là fast foot”…


	Tấm cửa kính sáng choang với lời chào bằng tiếng Anh viết sai chính tả "Wellcome" thay vì "Welcome".

Tấm cửa kính sáng choang với lời chào bằng tiếng Anh viết sai chính tả "Wellcome" thay vì "Welcome".

Mới đây thôi, sự việc những biển chỉ dẫn song ngữ (Việt – Anh) ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) bị bắt lỗi chính tả đã khiến không ít người Việt Nam thạo tiếng Anh phải lắc đầu. 


	Tấm biển chỉ dẫn chi tiết lỗi sai về tiếng Anh ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM)

Tấm biển chỉ dẫn chi chít lỗi sai về tiếng Anh ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM)

Ở những cửa hàng, cửa hiệu thuộc quyền sở hữu của một cá nhân, việc viết sai chính tả tiếng Anh có thể phần nào thông cảm được. Nhưng ở giữa sân bay quốc tế nơi đón hàng nghìn lượt khách nước ngoài đến với Việt Nam mỗi ngày, việc treo những tấm biển viết bằng thứ tiếng Anh cẩu thả, ngây ngô đến như vậy thì thật không chấp nhận nổi.

Thế nhưng một vị lãnh đạo của cơ quan hàng không lại cho rằng: “Ở sân bay chỉ có hai biển báo sai ở chữ Information vì thiếu chữ r chứ không có gì ghê gớm cả. Sau khi phát hiện chúng tôi đã chỉnh sửa ngay”.

Tôi không chắc những người nước ngoài khi trông thấy tấm biển báo này ở sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ nghĩ như vậy. Bạn có cảm thấy bình thường không khi tình cờ đọc được dòng chữ “Xin trào” thay vì “Xin chào” ở sân bay hay trên biển hiệu phía trước một nhà hàng ở nước ngoài?

Không dừng lại ở việc viết sai chỉnh tả tiếng Anh trên những biển báo ở nơi công cộng, người ta dùng tiếng Anh một cách hồn nhiên, bất chấp đúng sai về mặt ngữ nghĩa. Tấm bảng dưới đây là một điển hình.


	Chào mừng quý khách đến với Lạng Sơn và cũng "tạm biệt quý khách" luôn?!

Chào mừng quý khách đến với Lạng Sơn và cũng "tạm biệt quý khách" luôn?!

Chỉ cần biết đôi chút tiếng Anh ai cũng dễ dàng nhận ra ở đây người ta vừa đón vừa tiễn du khách. Thay vì dịch lời chào mừng sang tiếng Anh thành "Welcome to Lạng Sơn", những người làm công tác văn hóa, du lịch ở Lạng Sơn lại “See you again” (hẹn gặp lại) khi người ta vừa mới đặt chân đến mảnh đất này.

Sự cẩu thả trong việc sử dụng tiếng Anh trên những biển hiệu ở Việt Nam ở đâu cũng có, từ những cửa hàng cửa hiệu nhỏ cho tới sân bay, khách sạn đẳng cấp quốc tế.

Trẻ con nước ta bây giờ nhiều em khá giỏi tiếng Anh, không khó để một đứa trẻ phát hiện ra từ “infomation” chẳng có nghĩa gì. Thế mà người lớn vẫn cho rằng chuyện đó không có gì là ghê gớm, to tát cả?!

Nhiều người ở nước ta có một thói xấu đó là rất hay bắt lỗi hoặc cười lớn khi người Tây mắc lỗi trong lúc tập nói, tập viết tiếng Việt mà quên mất rằng mình cũng giống họ khi sử dụng ngoại ngữ.

Những tấm biển rất to, rất hoàng tráng viết bằng tiếng Anh nhưng mắc phải những lỗi cơ bản lại được treo ở những nơi trang trọng thể hiện sự cẩu thả trong cách nghĩ, cách làm của một bộ phận người Việt trong số đó không ít những người có "trình độ cao".

Tôi dám chắc, không ít du khách nước ngoài đã lắc đầu khi nhìn thấy những tấm biển ngô nghê như vậy. Điều đó cũng giống như việc bạn sẽ vô cùng khó chịu thậm chí là cười nhạo nếu nhìn thấy dòng chữ "xin trào" thay vì "xin chào" ở một đất nước xa xôi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại