Cụ thể hơn, không chỉ siết ốc chỉnh gió và ốc chỉnh xăng xe máy của cô, thợ ở cửa hàng lớn trên đường Lý Thường Kiệt còn hét giá “trên trời” cho cái bugi hư.
Nội dung câu chuyện như sau:
"Mọi người đọc và cảnh giác nhé. Không phải cứ tiệm lớn, cửa hàng bảo trì đàng hoàng mà không lừa đảo đâu nha. Thời buổi này, bọn chúng có mặt ở khắp mọi nơi.
Sáng 16.6, tôi có việc đi từ Thủ Đức lên quận 10 (TP.HCM). Khi về đến ngã tư 3/2 giao với Lý Thường Kiệt thì xe đột ngột tắt máy. Ban đầu tôi ghé một chỗ sửa xe ven đường thì họ bảo là hư bugi, nhưng vì là xe mới nên tôi muốn sửa ở cửa hàng chính hãng cho yên tâm. Nghĩ thế nên tôi quyết định dắt bộ dọc theo đường Lý Thường Kiệt để tìm.
Dắt bộ một đoạn thì gặp siêu thị xe máy trên đường Lý Thường Kiệt. Nhìn quy mô cửa hàng tôi yên tâm dắt xe vào sửa. Sau khi xem xong xe, nhân viên cửa hàng báo xe tôi bị hỏng xupap, bây giờ mà sửa thì mất hơn một tiếng và giá khoảng hơn 1 triệu đồng. Thấy giá cao quá, tôi không đồng ý sửa với lý do là không mang đủ tiền.
Biết mình không có chuyên môn nên tôi đã gọi điện cho một người bạn để tham khảo ý kiến. Bạn tôi bảo sửa xupap chỉ mất có mấy chục ngàn thôi. Sau đó, tôi yêu cầu nhân viên của hàng lắp lại xe mình để tôi mang về thì họ bảo bây giờ không mang đủ tiền thì sẽ làm cho chạy đỡ nhưng không đảm bảo và giá thì khoảng mấy trăm nghìn. Nhưng tôi không chịu và thuê xe ôm mang xe của mình về nhà người bạn mà mình vừa hỏi ở Bến xe Miền Đông để sửa.
Khi bạn tôi xem thì phát hiện ra ốc chỉnh gió và ốc chỉnh xăng của xe tôi đã bị siết chặt lại. Sau đó, tôi đi mua bugi mới hết 55 nghìn về thay thì xe nổ bình thường. Bạn tôi bảo tại ốc chỉnh xăng và chỉnh gió bị siết lại nên nếu không biết thì có thay bugi mới, xe cũng không nổ được.
Qua sự việc này, tôi thực sự mất lòng tin vào cơ sở bảo trì xe máy của hãng xe trên. Hi vọng rằng, qua câu chuyện này, các hãng xe máy tại Việt Nam siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhân viên ở các trạm bảo hành sửa chữa để tránh xảy ra các trường hợp tương tự, làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Đồng thời, tôi cũng gửi lời cảnh báo đến mọi người, hãy thận trọng khi đi sửa chữa xe máy để khỏi bị mất tiền oan".
Chuyện thợ sửa máy lừa đảo và "chặt chém" khách hàng không phải hiếm ở Việt Nam.
Vào tháng 5 vừa qua, bạn Huy… bức xúc chia sẻ chuyện xe máy của mình thủng lốp nhưng bị thợ ở cửa hàng trên đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội lừa đảo và "chặt chém" hết 1,1 triệu đồng.