Tốt nghiệp đại học xong tôi lấy chồng ngay, bạn bè cùng khóa bảo chơi chưa đã, vào lồng chi sớm rồi hối không kịp. Tôi cười, ừ thì có lồng để vào còn hơn các cô cứ bay cho đã đi, đến khi mỏi cánh không có tổ mà chui vào ủ ấm.
Ngay cả cô bạn thân nghe tôi nói xong câu đó cũng ngồi cười hơ hớ nói tôi dại, cuối cùng bây giờ sang tuổi băm vẫn chưa tìm được một mụn chồng, ế chỏng ế chơ quay lại khóc bù lu loa với tôi!
Con chim sợ cành cong
Thương, cô bạn thân của tôi, thuộc tuýp người năng động, giỏi gần như toàn diện, chỉ trừ cái tật quá khắt khe. 30 tuổi, trong khi tôi chỉ có một công việc tèn tèn nhận lương qua tháng đủ sống và an phận với chồng con thì cô còn độc thân, thích bay nhảy.
Nay công ty này mai đã thấy qua công ty khác với vị trí càng lúc càng tốt hơn. Là người hiện đại, Thương luôn làm mới bản thân, người thì mướt rượt, ăn nói lại có kiến thức nên khiến không ít chàng mê như điếu đổ. Ấy vậy mà vẫn ế chỏng gọng!
Nguyên nhân sâu xa là do cô ngại tiến tới tìm hiểu. Trước đó, Thương cũng có một mối tình sâu đậm với một anh cùng công ty. Cả hai đã tính đến chuyện cưới xin, gia đình 2 bên cũng đã gặp nhau định ngày lành tháng tốt.
Một hôm, Thương nhắn tin cho ba cô, bảo hai đứa không cưới nữa, ba mẹ đừng lo chuyện đám cưới làm gì. Biết tính con mình nói một là một, lại đụng chuyện tế nhị, sợ con buồn, ba mẹ Thương chỉ biết thế rồi im lặng không gạn hỏi nên nhờ tôi tìm hiểu.
Từ tra hỏi đến đe dọa không làm bạn nữa Thương mới chịu nói ra lý do hủy hôn ngay khi ngày cưới gần kề. Hóa ra cô phát hiện anh người yêu vẫn còn qua lại với bồ cũ, dù không biết câu chuyện họ trao đổi là gì nhưng cô nhất quyết không chấp nhận loại đàn ông không hết lòng hết dạ vì mình.
Sau đám cưới bất thành, Thương không còn nghĩ đến việc tìm hiểu bất cứ người đàn ông nào nữa. Như một con chim một lần sảy cánh gặp cành cong là sợ hãi, mỗi lần có đối tượng tấn công, cô đều co về thành phòng thủ với lý do, nếu quen để cưới thì đồng ý, không thì đừng tiến tới vì không có thời gian quen chơi.
Nhưng cô quên rằng, nếu muốn cưới được thì phải cho cả hai thời gian quen biết thử và tìm hiểu. Hôn nhân đâu phải nói cưới là ôm đồ về ở với nhau, đến khi phát hiện không đúng ý thì ôm đồ về nhà mình! Thế là 3 năm qua, cô vẫn một mình đi về lẻ bóng.
Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn
Nếu như Thương chỉ vì tâm lý hoang mang mà mang tiếng ế, còn một số nàng cùng khóa của tôi ngày đó chỉ vì ham chơi nên giờ cũng nhập hội “ế toàn tập”!
Có dịp gặp lại những cô bạn học cùng khóa đại học trong mấy lần họp lớp mới thấy “gái ế” gặp nhau ở nhiều điểm chung. Đa số các cô hồi hai mươi cứ quan niệm chơi chưa đã, dạy gì lấy chồng. Thế là yêu thì cứ yêu, nhưng cưới thì nhất quyết không vì còn mải lo chơi, đến khi có tuổi, nhìn quanh muốn tìm một tấm chồng thì hỡi ôi, những cái đuôi ngày ấy đã có vợ hai ba con rồi!
Trường hợp của cô bạn Như điển hình cho hội gái ế do ham chơi này. Nổi tiếng xinh đẹp và còn là hoa khôi của khóa, Như tốt nghiệp loại khá rồi vào làm cùng công ty truyền thông với tôi. Sắc đẹp của Như khiến các chàng trong công ty lặp hẳn “hội hâm mộ em Như”, ngày nào cũng chat chit, trao đổi hình ảnh mới nhất của em vừa cập nhật được.
Đi đến đâu Như cũng trở thành tiêu điểm của sự chú ý. Nhiều anh theo nhưng Như chỉ chọn mấy anh có chức cao mà sánh đôi.
Rồi Như yêu một anh trưởng phòng kinh doanh, hễ hết giờ là thấy đèo nhau trên xe ga đi ăn uống tiệc tùng. Rồi chàng dẫn Như về ra mắt gia đình, ba mẹ chàng đặt vấn đề cưới hỏi vì chàng là con một, không nên kéo dài.
Nghe đến đây Như phát hoảng! Nghĩ ngay đến cảnh về nhà làm dâu con rồi lo giỗ, phải cúng kiến các kiểu khiến cô toát mồ hôi hột. Thế là chia tay âm thầm không lý do và Như chuyển luôn công ty!
Sau này cứ mỗi lần họp lớp, hỏi ra thì lần nào cũng là một cái tên công ty mới vì mỗi lần quen chàng nào đòi cưới là cô chuyển công ty! Như bảo “ thà ế mà sướng cả đời còn hơn sướng một ngày rồi nằm dài vì mệt!” – vì phải làm vợ, làm mẹ, chăm chồng, chăm con!
Ế cũng có ba bảy đường
Có thể quan niệm phương Đông còn quá cổ hủ, cứ quá 30, không chồng, dù có thành công vượt bậc ở địa vị xã hội đều cho là “ế” và bị giảm giá trị. Không ít lần tôi nghe các anh bàn tán sau lưng chị giám đốc ngoài 40 chưa chồng rất thiếu tế nhị.
Những câu nói khó nghe đều mang ra nói, kiểu như “già không chồng nên khó là phải” hay “dữ thế ế là vừa” hoặc giả “bà cô đó thiếu hơi đàn ông, nên thông cảm”,…
Xã hội vẫn chưa nghĩ được những cô này “ế” không phải vì “ế” thật mà vì họ không muốn bước vào gánh nặng gia đình, không muốn chia sẻ cuộc sống riêng với bất kỳ ai. Có cô ngại làm dâu, ngại làm mẹ, ngại bổn phận.
Lại có cô nhìn thấy cảnh “đáng sợ hãi” của những gia đình xung quanh nên “né” chuyện chồng con. Cũng không ít cô thích sống như vậy vì đã có đủ niềm vui, nhưng cũng có nhiều trường hợp muốn chồng, muốn con nhưng duyên vẫn còn lận đận…
Thế mới thấy, “ế” cũng có ba bảy loại, nhưng dù là”loại nào” thì chữ “ế” vẫn đeo đẳng các cô!