Ung thư trên cơ thể và ung thư tâm hồn

Hằng Nguyễn |

Nhận thức sai lệch dẫn đến những phản ứng, bình luận sai lệch. Tất cả đang hình thành căn bệnh "Ung thư tâm hồn" hay "Ung thư trí não" mà rất nhiều người đang mắc phải.

Mấy ngày hôm nay, dân mạng hào hứng với câu chuyện cậu bé 11 tuổi bị ung thư máu được thực hiện ước mơ thành cảnh sát giao thông trong ngày sinh nhật.

Tấm lòng của những người đã giúp đỡ cậu bé nhắc chúng ta nhớ đến câu chuyện về 7000 người đã biến giấc mơ trở thành siêu anh hùng Batman của một chú bé 5 tuổi tại San Franciso cách đây không lâu.

Những người xa lạ nhưng tất cả đều chung tay vì giấc mơ nhỏ bé của em. Tình người, tình yêu thương dường như được siết chặt hơn.

Thế nhưng có những cái đầu bị “ung thư”, những đôi bàn tay nhanh hơn trí não, đã nhẫn tâm ghi những dòng bình luận có phần cay nghiệt, và thờ ơ với căn bệnh mà cậu bé ấy đang mắc phải.

Họ dùng cậu bé để nhắm những đối tượng khác mà không hề để ý đến ước mơ của em, niềm vui trên khuôn mặt em, và cả những khuôn mặt đang xúc động. Họ chê bai, dè bỉu, xúc phạm.

Dưới đây là chia sẻ của bạn Đỗ Hữu Chí, người khi chia sẻ câu chuyện về cậu bé 11 tuổi kia, đã nhận được những bình luận tiêu cực về hành động đẹp này.

"Hôm qua mình đọc tin về cậu bé 11 tuổi bị ung thư máu ở Đà Nẵng được một nhóm người lớn gồm bác sĩ, y tá, công an, cảnh sát cùng nhau biến ước mơ của cậu thành hiện thực - họ cho cậu một ngày được làm cảnh sát giao thông.

Nhìn cậu vui vẻ, mãn nguyện, bên cạnh những người lớn đầy xúc động, mình thấy rưng rưng. Mình tin rằng khi cơn bệnh trở nên trầm trọng hơn, ngay cả trong những giờ phút cuối cùng, nếu cậu nhớ đến những khoảnh khắc hạnh phúc này, cậu sẽ ra đi trong thanh thản.

Những người lớn kia, trong từng khoảnh khắc sống của họ, nếu họ nhớ đến việc tốt mà họ làm hôm nay, đến cảm giác hạnh phúc cho người dân mà đáng ra họ nên là người bảo vệ, cảm giác tràn đầy ý nghĩa bên trong chính họ, thì họ sẽ bớt làm việc xấu đi, và dần dần chúng ta sẽ có những người y tá và cảnh sát tử tế.

Lắng nghe câu chuyện, mình thấy xúc động và mừng vui cho tất cả mọi người.

Nhưng khi đọc những comment như thế này bên dưới câu chuyện thì mình thấy có một căn bệnh còn trầm trọng hơn chính căn bệnh ung thư máu của cậu bé kia:

- Giúp cậu bé thực hiện ước mơ  "công an tham nhũng"

- Bị ung thư rồi sao còn muốn làm người xấu vậy con.

Mình gọi đây biểu hiện là căn bệnh ung thư ở trong đầu, hay là ung thư trong nhận thức. Bản chất của nó là người ta bị dính chặt vào mặt tiêu cực của một sự vật/sự việc đến mức không thể nhìn thấy khía cạnh tốt của nó, và không còn tin vào bất cứ một sự thay đổi theo hướng tích cực nào.

Rất nhiều người Việt Nam đang mắc căn bệnh này, nhiều hơn bệnh ung thư thông thường rất nhiều.

Nguyên nhân của bệnh thì có rất nhiều, nhưng cốt lõi nhất mình nghĩ vẫn là tâm lý "nạn nhân". Mỗi người lớn ở Việt Nam, dù có ý thức nhiều hay ít về việc này, đều đang tự thấy mình là nạn nhân của hệ thống giáo dục, văn hoá, luật pháp, chính trị ở đây.

Mỗi người đều từng là nạn nhân của nạn lạm quyền, tham nhũng, mỗi người đều từng bị cảnh sát giao thông giữ lại và bắt nộp tiền. Quan trọng hơn, mỗi người đều cảm thấy mình hoàn toàn BẤT LỰC, KHÔNG THỂ LÀM GÌ KHÁC ĐƯỢC.

Quá trình này dần dần triệt tiêu lòng tin và hy vọng, tước bỏ mọi khả năng cho phép thay đổi. Tâm lý này dẫn đến một góc nhìn thực tại hết sức cay đắng và bi quan, và cũng tước luôn cả ý thức trách nhiệm, và nhận thức rằng MÌNH CÓ THỂ, VÀ CẦN PHẢI, GÓP PHẦN VÀO THAY ĐỔI.

Cuộc sống trở thành một chuỗi chịu đựng, đè nén, căm giận, ức chế, nhìn đâu cũng thấy người xấu và mình là nạn nhân của đám người xấu đó. Và vì không muốn là nạn nhân, nên nhiều người chọn trở thành thủ phạm để không bị thiệt thòi - việc này dẫn đến những thứ trầm trọng hơn.

Mình gọi bệnh này là ung thư vì nó rất khó chữa. Khó hơn cả bệnh ung thư thông thường. Bởi ung thư thông thường dẫn người ta đối diện thẳng với cái chết, và vì thế, có nhiều cơ hội để sống nốt một cách hạnh phúc hơn.

Còn bệnh này, vì ở trong đầu và vì bên ngoài trông vẫn khoẻ mạnh hồng hào, nên không ai để ý. Và kể cả khi nó trở nên hết sức trầm trọng, cũng chẳng ai nhận ra là mình bị bệnh.

Họ chỉ nghĩ là mình thông minh hơn, thực tế hơn. Họ không biết rằng một khi lòng tin đã chết, niềm hy vọng đã chết, ước mơ đã chết, thì việc còn sống ở thể vật lý thật sự chỉ là đau khổ kéo dài.

Nghĩ mà xem: cậu bé ung thư máu sẽ luôn còn khoảnh khắc hạnh phúc rực rỡ để nhớ về trước khi chết. Còn những người bị ung thư ở trong đầu, họ sẽ nhớ về điều gì?"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại