Tất cả lỗi vi phạm giao thông đều phải lập biên bản?

HD |

(Soha.vn) - Có phải tất cả các lỗi về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đều phải lập biên bản xử lý vi phạm hay không?

Bạn đọc Trần Tuấn ở địa chỉ mail: tuantran12...@gmail.com phản ánh, khi đang điều khiển phương tiện trên đường, bạn bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe và khi kiểm tra đã xử phạt bạn lỗi vi phạm thiếu bảo hiểm xe... . Tuy nhiên, cảnh sát giao thông chỉ xé biên lai thu phạt còn lại không lập biên bản.

Vậy, việc cảnh sát giao thông làm như vậy có đúng không và có phải tất cả các lỗi về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đều có phải lập biên bản xử lý vi phạm hay không?

Trả lời:

Về vấn đề bạn hỏi, chúng tôi trả lời như sau:

Căn cứ theo pháp lệnh sửa đổi pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Tại Điều 54 sửa đổi, bổ sung quy định về Thủ tục đơn giản

Trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt quyết định xử phạt tại chỗ. Việc xử phạt tại chỗ không phải lập biên bản, trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ. 

Quyết định xử phạt phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Quyết định này phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt một bản.

Trong trường hợp người chưa thành niên bị phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt cảnh cáo còn được gửi cho cha mẹ, người giám hộ của người đó hoặc nhà trường nơi người chưa thành niên vi phạm đang học tập.

Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt. Cá nhân, tổ chức vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt phải giao biên lai thu tiền phạt cho người bị xử phạt.

Cùng với đó, tại Điều 55 được sửa đổi, bổ sung quy định về Lập biên bản về vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản. Trong trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản đó phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.

Trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay sau khi xác định được người có hành vi vi phạm.

Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển thì người chỉ huy tàu bay, tàu biển có trách nhiệm lập biên bản để chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt khi tàu bay, tàu biển về đến sân bay, bến cảng.

2. Trong biên bản về vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp người vi phạm hoặc tên, địa chỉ tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt (nếu có); tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có); lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ.

Trong trường hợp người vi phạm hành chính cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không có mặt tại địa điểm xảy ra vi phạm thì biên bản được lập xong phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.

3. Biên bản phải được lập thành ít nhất hai bản; phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trong trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản.

Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.

4. Biên bản lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm một bản; nếu vụ vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì người đó phải gửi biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt.

Như vậy, đối với các lỗi nhỏ, mức xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng không thuộc trường hợp phát hiện vi phạm hành chính nhờ các phương tiện kỹ thuật thì không phải lập biên bản mà có thể xử phạt tại chỗ.

Căn cứ theo Nghị định 34/2010/NĐ - CP và Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP thì phạt từ 80.000 - 120.000 đồng đối với lỗi vi phạm không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

Vậy, việc cảnh sát giao thông xử phạt tại chỗ, không lập biên bản mà xé biên lai thu tiền cho bạn là đúng với quy định hiện hành.

Bạn đọc có thể gửi các tình huống thắc mắc về tòa soạn theo email: cudanmang@soha.vn hoặc đóng góp ý kiến ở phần Comment cuối bài.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại