Mỹ Linh chia sẻ về cuộc sống tự lập, khát khao khám phá và mong xây dựng những tour du lịch leo núi giá rẻ cho bạn trẻ Việt Nam.
3 quả trứng, 1 túi bánh mì
- Hẳn là nếu không có chuyện hy hữu sống sót sau bão tuyết, sẽ không có nhiều người biết đến hành trình và câu chuyện của Linh. Vì sao bạn bỏ việc và xách ba lô đi du lịch bụi?
- Trước hết, tôi không thích đi du lịch bụi như người ta nghĩ. Nhưng tôi biết mình cần phải đi. Tôi cũng giống các cô gái Việt Nam khác, sợ nắng, sợ đen da, sợ sẽ không ai cưới… Nhưng tôi sợ nhất là nghĩ về 20 đến 50 năm sau đó, suốt đời chẳng biết được thế giới bên ngoài rộng lớn thế nào, ở đó có gì vui không. Mà đến như lúc đấy có điều kiện đi chăng nữa thì tôi cũng già rồi, muốn đi cũng không được, chi bằng đi ngay lúc trẻ.
Thêm một lý do nữa, hồi nhỏ tôi luôn ao ước được như các bạn, du học nước ngoài để biết đó biết đây. Nhưng nhà tôi nghèo, tôi cũng chẳng giỏi giang để được học bổng. Một số bạn bè của tôi nói rằng, nếu có được học bổng cũng phải chuẩn bị trước một số tiền lớn cho ăn ở và sinh hoạt. Tôi dần từ bỏ giấc mơ du học từ đó.
Ra trường, tôi đi làm và vẫn mơ về những chuyến đi. Nếu du học không được thì du lịch đi, vừa được ngắm cảnh vừa được chơi lại vừa được học. Vì học thì đâu nhất thiết phải vào trường mới gọi là học. Thế là tôi rút hết tiền tiết kiệm, xin nghỉ việc từ tháng 5/2014. Tháng 6 tôi lên đường.
- Khi bỏ việc đi du lịch, điều bạn muốn là gì và dự định đi những đâu trong chuỗi ngày tự do tự tại ấy?
- Tôi xác định, cái được đầu tiên khi trở về là sẽ thành thạo tiếng Anh. Vì ở Việt Nam, tôi có thể viết, nhưng không có nhiều cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài nên giao tiếp của tôi rất kém. Đó là lý do khi qua Ấn Độ, mặc dù tôi có biết bạn người Việt nhưng tôi không sống cùng họ.
Tôi thuê nhà, sống với một cô gái người Indonesia và sau đó là một cô gái người Ấn. Tôi cũng đăng ký đi học một lớp Ngữ pháp tiếng Anh tại học viện dành cho các sinh viên quốc tế ở Ấn Độ và trở thành sinh viên xuất sắc ở đây. Tôi đi học thiền, học yoga để tĩnh tâm.
Vì tất cả chi phí tôi chi trả cho việc học, nên để có thể sống được 3 tháng ở Ấn Độ, mỗi ngày tôi chỉ ăn 3 quả trứng với 1 túi bánh mì sandwich. Tôi sống thế cho đến khi hết visa thì tôi sang Nepal.
Với tôi, nếu du lịch chỉ để ngắm cảnh hoặc thưởng ngoạn thì ở Việt Nam là đủ vì cũng có núi, có biển, cả hang động lớn nhất thế giới cũng có, bỏ cả đời ra cũng chưa khám phá hết. Nhưng nếu đã mất tiền ra nước ngoài thì phải học. Phải sống với người bản điạ để biết tính cách họ, học văn hóa, học cách kinh doanh của họ. Đó là lý do sau khi hết visa ở Ấn Độ, tôi tiếp tục sang Nepal.
Học bằng mọi cách, mọi giá
- Khi bạn bỏ việc đi du lịch, gia đình, bố mẹ có biết không và họ khuyên điều gì?
“Tôi bảo họ, bão ở bên ngoài rất lớn, nếu các bạn ở lại ngôi nhà này các bạn có thể sống được 3 ngày vì có thức ăn và túi ngủ. Nhưng nếu các bạn xuống núi ngay lúc này, có thể các bạn sẽ chết trong tích tắc. Một vài người nhìn ra ngoài trời và đồng ý với tôi. Họ quyết định ở lại căn nhà”. - Võ Thị Mỹ Linh
- Tôi sống tự lập từ bé. Thậm chí bố mẹ tôi còn không biết tôi sống ở đâu, làm gì ở TP. HCM. Trước lúc ra sân bay tôi chỉ gọi điện nói với bố mẹ lên lấy xe máy về vì tôi sang Ấn Độ nhưng không nói sang làm gì, đi bao lâu. Gia đình tôi cũng quen với việc tôi tự lập và từ nhỏ đến lớn, tôi chưa làm bất cứ điều gì khiến họ lo lắng cả nên nên họ biết, nếu tôi đi, nghĩa là có mục đích chứ không phải đi bừa nên không ngăn cản.
Tôi quen cách sống độc lập như thế và gia đình cũng quen như thế. Nhưng khi mẹ tôi biết tôi gặp nạn vì báo đài đưa tin, bà gọi điện sang cho tôi và bảo, về đi, mẹ nhớ lắm rồi. Lần đầu tiên tôi nghe mẹ tôi nói thế dù tôi và mẹ ít khi thể hiện tình cảm với nhau. Tôi bật khóc vì xúc động.
- Điều quan trọng nhất mà bố mẹ Linh thường dạy trong thời gian sống cùng gia đình là gì? Linh có phải tuýp người suy nghĩ độc lập và đấu tranh để bảo vệ suy nghĩ, hành động của mình không?
- Bố tôi có cách dạy con rất hay. Năm tôi 14 tuổi, lúc tôi vừa chuyển từ Huế vào và sống 1 năm cùng gia đình, ông gọi tôi và anh hai lại rồi nói: Nếu các con cần tiền để học, có bán đi 2 quả thận bố cũng sẵn sàng bán để các con có tiền ăn học. Nhưng chuyện học là chuyện của các con, không phải chuyện của bố, cuộc đời là của các con, không phải cuộc đời của bố. Nên học hay nghỉ, do con tự chọn”.
Sau câu nói đó thì tôi biết rằng, phải học, học bằng mọi cách, mọi giá. Nên dù bố mẹ tôi ở xa, tôi sống một mình không ai bảo ban, mỗi năm tôi đều biết đem về một cái bằng khen học sinh giỏi báo cáo với bố mẹ.
Người Việt giàu tình yêu thương
- Phải chăng cuộc sống tự lập từ nhỏ đã tạo nên sức mạnh giúp bạn vượt qua biết bao hiểm nguy để sống sót trong trận bão tuyết mà ít người vượt qua? Trong trận bão tuyết ấy, có bao nhiêu người đi cùng và còn được bao người trở về an toàn?
- Vì tôi tự lập từ nhỏ nên tôi biết cách tự chăm sóc mình khá tốt. Nhờ thế tôi có một cơ địa khỏe mạnh, từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ mắc bệnh. Đó là lý do dù nhiều người leo núi họ không thể thích nghi với độ cao và bị nhức đầu nhưng trong suốt hành trình 10 ngày leo núi, tôi chẳng hề hấn gì dù phải mang trên mình cái ba lô nặng 8kg và đường đèo dốc nguy hiểm.
Thêm vào đó, hồi ở Ấn Độ, tôi không có tiền nên đi đâu cũng toàn đi bộ. Tôi cũng xác định sang Nepal sẽ leo núi nên mỗi ngày chăm chỉ cuốc bộ 12km để rèn luyện thể lực. Đó có thể là lý do giúp tôi sống sót trong bão tuyết. Tôi cũng chỉ ước lượng có khoảng 200 người cùng leo lên đỉnh đèo Thorung La Pass độ cao 5.416m ngày hôm đó với tôi. Cơn bão đi qua khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và nhiều người đến nay vẫn đang mất tích.
- Khi đối mặt với cái chết, nguy hiểm rình rập bất cứ lúc nào trong hành trình vượt bão để trở về an toàn, Linh nghĩ như thế nào về sự đoàn kết của người Việt để vừa cứu mình vừa chung sức với mọi người cùng sống sót?
- Về cơ bản tôi thấy người Việt rất yêu thương và đùm bọc nhau. Hôm tôi thoát nạn trở về, chị Bảo – chủ cửa hàng Sai Gon Pho ở Kathmandu liền bỏ công việc cùng chồng chạy qua thăm tôi dù chúng tôi trước đó chẳng hề quen biết nhau. Hoặc những nhóm bạn người Việt khác cũng đi leo núi nhưng may mắn không rơi vào cảnh nguy hiểm như tôi, họ cũng gặp tôi chuyện trò chia sẻ. Trên Facebook cá nhân, những anh chị ở nước ngoài đọc báo thấy thông tin thì cũng vào hỏi han động viên tôi.
Bản thân tôi thấy mình cũng chẳng cao thượng lắm dù mọi người bảo tôi trong cảnh sống chết vẫn biết cứu giúp và nhường túi ngủ cho porter (người khuân vác). Thực ra là vì hôm đó tôi mặc hai cái quần, áo của tôi cũng đủ ấm. Tôi nghĩ tôi không chết nếu tôi nhường túi ngủ cho bạn ấy, nhưng bạn ấy thì sẽ chết nếu không có túi ngủ đó.
Đôi khi có một chút ích kỷ lóe lên trong tôi khi giữa đêm nhiệt độ âm hàng chục độ, không chết vì bão cũng vì lạnh. Vì dù đã nhường túi ngủ cho cậu porter nhưng cậu porter cứ liên hồi ôm tôi. Tôi phần vì ngại bởi cậu chỉ mặc đúng cái quần xì cùng cái áo mỏng. Phần vì cơ thể rất mệt, chỗ ngồi lại hẹp mà cậu cứ ôm và tựa vào vai tôi khiến vai tôi mỏi nhừ. Đôi lúc để không cho cậu tựa, tôi phải ngồi bật dậy để đầu cậu tựa vào tường đá lạnh. Nhưng rồi thấy cậu run lên cầm cập tôi lại không kìm lòng được nên để cậu ôm tôi mà ngủ.
Nhiều lúc mệt quá, tôi tựa đầu vào vai bà cụ bên cạnh. Nhưng bà thì già rồi, tôi không muốn cái vai bà cũng đau ê ẩm giống tôi. Nên tôi hỏi bà, liệu tôi tựa vào vai bà một chút có sao không. Bà bảo không sao đâu, vì bà cũng đang tựa vào vai ông chồng của bà ấy. Mọi người cùng nhau vượt qua khó khăn như thế.
Những dòng hồi ký đầu tiên
- Dễ có sự liên tưởng bạn với Huyền chíp, cô gái đi phượt qua rất nhiều quốc gia và trở về xuất bản sách về những chuyến đi. Bạn có ý định viết sách về hành trình của mình không? Đầu tháng 12 khi trở về nước, bạn sẽ làm gì?
- Huyền chip là bạn thân của tôi, cũng là người đi cùng tôi qua Ấn Độ nhưng chúng tôi không sống cùng nhau và Huyền cũng quay về sớm để sang Mỹ học. Tôi không thích viết sách về chỉ dẫn đi du lịch vì thực ra những thứ về du lịch trên wikitravel, Google có cả rồi, chỉ là nhiều người Việt biếng đọc tiếng Anh nên thường chờ có người dịch ra sẵn cho mà đọc.
Sau khi sống sót từ cơn bão trở về, mọi người bảo tôi nên viết cuốn hồi ký kể lại hành trình sinh tử ấy vì không phải ai cũng may mắn có cuộc đời thứ hai giống tôi. Tôi chưa có ý định viết thì có một người chị, nhắn cho tin trên FB bảo, cậu em chị trước hay đi đây đó, nay bị bệnh nặng nằm một chỗ thì trốn chạy cả thế gian. Nhưng sau khi đọc hành trình sống sót của tôi trên FB anh bạn này lại trở nên vui vẻ yêu đời và chị cảm ơn tôi vì đã truyền sức sống cho anh. Tôi thấy hổ thẹn vì mình có làm gì giúp cậu ấy đâu. Nên tôi đang bắt đầu viết những dòng hồi ký đầu tiên.
Cuốn hồi ký kể chuyện trước cơn bão, hành trình đi của tôi chỉ là mục đích cá nhân tầm thường. Sau cơn bão tôi vẫn thế, chả thay đổi gì hơn. Nhưng có một thay đổi mới là nhờ chuyện sống sót mà tôi gặp được anh - người có cuộc đời vượt qua gấp nhiều lần cơn bão tuyết đáng được nhắc đến để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Đó là tất cả những gì cuốn hồi ký hướng đến.
Tháng 12 về Việt Nam, tôi sẽ ra cuốn tiểu thuyết “Bên kia sườn đồi”, sau đó xin việc mới và học bổng du học.
- Linh suy nghĩ thế nào khi ngày có nhiều cô gái Việt du lịch mạo hiểm, phượt tới những nơi mà ngay cả nam giới còn e ngại như bạn, Huyền chip và nhiều bạn gái trong danh sách leo núi cùng thời điểm với bạn chẳng hạn?
- Mỗi người có một mục đích đi khác nhau. Bản thân tôi leo núi không phải vì thích chinh phục những đỉnh cao hay ưa du lịch mạo hiểm. Nhưng tôi có ý định mở tour trekking (chinh phục núi) giá rẻ cho người Việt nên bản thân tôi bắt buộc phải trải nghiệm nó.
Trước khi leo núi, tôi đổi 200USD, hoàn thành chuyến trekking tôi còn 100USD vì mỗi ngày tôi tiêu chưa tới 10USD mà chuyến trekking của tôi kéo dài 10 ngày. Trong khi đó, một nhóm bạn người Việt khác lại tốn hơn 2.000USD cùng chỉ cho một chuyến trek như tôi nhưng họ còn chưa đi đến đích thì đã trở về.
Tôi chẳng suy nghĩ hay định kiến gì các bạn nữ. Các bạn làm được gì, cứ làm, vì cuộc đời cũng chỉ ngắn ngủi thế thôi. Các bạn chứng tỏ được gì, cứ chứng tỏ, vì cũng chẳng ai cấm phụ nữ không được vượt trội hơn đàn ông. Duy chỉ có điều tôi muốn nói, leo lên đỉnh núi, chưa chắc bạn đã là người con gái mạnh mẽ, vượt qua những ngọn đồi cũng chẳng chứng tỏ bạn dẻo dai. Những người phụ nữ ở nhà, chịu đựng chồng con, vất vả sớm hôm quanh cái nhà nhỏ để lo cho gia đình họ, tôi nghĩ họ mạnh mẽ và dẻo dai hơn nhiều.
Mỹ Linh sinh ra ở Huế (1989), sau đó gia đình chuyển vào Bình Phước. Cô học ĐHKHXH&NV TP HCM. Linh từng là phóng viên tạp chí Mốt & Cuộc sống 3 năm, sau đó chuyển sang làm ngân hàng và cuối cùng bỏ việc để đi du lịch.
Ngày 6/10 Linh bắt đầu chuyến leo núi. Ngày 13/10 đến High Camp độ cao 4.833m. Nhóm của Linh vì tiết kiệm nên không thuê guide (người chỉ đường), porter (người khuân vác hành lý). Cô và các bạn phải tự mang ba lô nặng khoảng 8kg suốt chặng đường dài hàng chục ngày và phải trèo đèo lội suối. Đây là việc không đơn giản, đặc biệt với người nhỏ như Linh. Nghỉ lại ở High Camp một ngày, đích đến của Linh là Thorung La Pass độ cao 5.416m. Sáng 14/10, mọi người dậy sớm chuẩn bị leo núi nhưng gặp khó khăn vì tuyết rơi cả đêm hôm trước. Theo ước tính của Linh, có khoảng gần 200 khách leo núi ngày hôm đó. Diễn biến thời tiết xấu trong lúc mọi người không có nơi trú ngụ, bão tuyết ập xuống trên đường đi. Linh không đi theo đoàn xuống núi và quyết định trú ngụ tại quán dừng chân Tea House cùng 20 người khác. Quyết định này giúp cô và những người ở lại sống sót.