Hai anh em song sinh dân tộc Nùng đam mê vẽ
Hoàng Anh Tuấn và Hoàng Anh Tài (dân tộc Nùng, gốc Lạng Sơn, sinh ngày 28/03/1995) hiện đang là sinh viên năm 2 khoa Kiến Trúc trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng. Tuấn và Tài cũng là những thí sinh vừa đạt được giải nhất trong cuộc thi Vẽ tranh truyền thần mang tên “Vẽ tranh Hoài Anh Rau Sạch” của Hội ART – Diễn họa Thủ công, với đề bài khắc họa lại nhân vật Hoài Anh. Giải nhất của cuộc thi đã khẳng định tay nghề tài hoa tuyệt đỉnh của hai bạn trẻ người Nùng.
Anh Tuấn và Anh Tài (phải)
Được truyền cảm hứng từ người bố và có sẵn năng khiếu nên hai anh em đều đam mê vẽ từ nhỏ nhưng lại không được qua một lớp đào tạo nào, chỉ học vẽ từ những thứ đơn giản nhất như siêu nhân, các nhân vật trong truyện tranh… Anh Tuấn hóm hỉnh chia sẻ: “Hồi nhỏ, tranh hai anh em vẽ ra thì treo đầy nhà luôn, bị bố chửi mà vẫn vẽ để dán lên cửa, lên tủ… nói chung có gì phẳng phẳng là dán hết. Hơn nữa, lúc nhỏ hai anh em thường hay đòi bố vẽ các con vật: chó, mèo, gà, rồng, rắn… đủ kiểu, có lúc còn đòi bố vẽ con ma để xem thử hắn ra sao nữa, giờ vẫn còn nhớ ”.
Một trong những bức tranh truyền thần của Anh Tuấn
Bức tranh đầu tiên mà cặp song sinh này cảm thấy hài lòng nhất là khi vẽ các nhân vật trong truyện “Bảy viên ngọc rồng”, khi đó, Anh Tuấn vẽ nhân vật Gô-Ku còn người em - Anh Tài vẽ nhân vật Ka-Đích. “Đó là kỉ niệm đáng nhớ của hai anh em, nhờ cảm thấy thỏa mãn với bức vẽ của mình mà từ đó hai anh em bắt đầu biết tìm tòi và sưu tầm những nhân vật trong truyện, trong phim ảnh để vẽ lại”, Anh Tài chia sẻ.
Tranh Truyền thần có tông màu chính là hai màu đen và trắng, vì vậy tất cả những bức tranh do hai anh em thể hiện đều được vẽ từ những nét chì và bột than, đặc biệt, dưới bàn tay tài hoa, điêu luyện cộng với tâm hồn biết thâm nhập sâu vào cảm xúc của nhân vật, Anh Tài và Anh Tuấn đã truyền được cái “hồn” qua từng nét vẽ.
Còn đây là tác phẩm của Anh Tài
Đã là niềm đam mê thì… khó mà cưỡng lại
Khi bàn về vấn đề “Hội họa là thế giới riêng của mỗi người” Anh Tuấn bày tỏ quan điểm của mình: “Mình nghĩ, mỗi người đều có cá tính riêng, một cái gì đó mà không ai có, mà hội họa thì không thể đặt ra cho nó một quy luật cụ thể, rõ ràng. Mỗi họa sĩ là những con người khác nhau, nên vấn đề mà họ chọn và cái cách mà họ thể hiện thì rõ ràng là khác nhau. Chữ “thoải mái” có lẽ bắt nguồn từ đó”.
Hai anh em chia sẻ, để hoàn thành một bức tranh thì không quy định cụ thể thời gian là bao lâu mà phải tùy theo độ khó của tranh và sự tỉ mỉ của mình. Những bức khó thì mỗi hôm mang ra vẽ một ít, cứ như vậy cho đến bao giờ hoàn thiện thì thôi. Tuấn và Tài cũng xác định, vẽ là đam mê, là sở thích, lúc nào thích vẽ thì mang ra vẽ, hoặc chỉ vẽ tặng mọi người, bạn bè, đôi khi cũng đi vẽ thuê tại các quán café, hoặc ai đặt tranh thì có thể vẽ để kiếm thêm thu nhập mua nguyên liệu. “Nguồn phí vật liệu vẽ bố mẹ cho tiền tiêu vặt thì cả hai cùng tiết kiệm lại để mua, mà đồ vẽ mình cũng chỉ lựa những thứ đơn giản, vừa túi tiền sinh viên nên cũng không đắt lắm”, Anh Tài chia sẻ.
Theo ngành Kiến trúc nhưng hai anh em lại đam mê vẽ tranh Truyền thần, vẽ chân dung nên nhiều khi bị bố mẹ ngăn cấm, vì sợ ảnh hưởng đến việc học nhưng đối với họ, đam mê thì đâu dễ bỏ. Vẽ đối với họ như những thước phim mỗi ngày làm cho cuộc sống của họ trở nên thú vị hơn.
Trong cuộc sống, BẠN NHÌN THẤY chuyện gì GÂY CẢM XÚC MẠNH cho bản thân (xúc động, phẫn nộ, bất bình, đau đớn, thán phục, hạnh phúc, sảng khoái...)? Hãy lập tức DÙNG ĐIỆN THOẠI quay clip hoặc chụp ảnh, hoặc viết thành bài theo cách của bạn. Cũng có khi, chỉ một thông tin/ảnh/clip đăng trên mạng xã hội (từ Facebook, diễn đàn... không phải trên các báo) cũng khiến bạn có cảm xúc, suy nghĩ... Gửi ngay cho chúng tôi qua email cudanmang@soha.vn! Chúng tôi sẽ duyệt để ĐĂNG TẢI và TRẢ NHUẬN BÚT CHO BẠN TRONG VÒNG 24 GIỜ. |