PASEC là viết tắt của chương trình phân tích các hệ thống giáo dục của Hội nghị các Bộ trưởng giáo dục các nước sử dụng tiếng Pháp (Programme d'analyse des systèmes éducatifs de la CONFEMEN).
PASEC 10 tiến hành khảo sát trên 180 trường (được chọn lựa ngẫu nhiên) thuộc 55 tỉnh, thành phố Việt Nam. Đối tượng khảo sát là học sinh lớp 2, 5 và hiệu trưởng bậc tiểu học.
Thời gian khảo sát bắt đầu từ 6-10/12/2011 với 5.385 học sinh tham gia.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, kết quả lần này là "đang tự soi chúng ta". Học sinh Việt Nam đã được cả PISA và PASEC đánh giá là có trình độ khá cao nhưng vẫn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề gắn với thực tiễn.
Dưới đây là một số kết quả đáng chú ý từ khảo sát.
Lớp 2: Kiểm tra dễ
Theo kết quả được công bố, ở lớp 2, các bài kiểm tra là quá dễ đối với học sinh ở cả đầu năm và cuối năm. Trên thực tế, có hơn nửa số mục của bài kiểm tra đầu năm (đầu vào) đã được ít nhất 90% học sinh trả lời đúng.
Khảo sát đầu vào đã được triển khai muộn (tháng 12) so với dự kiến (tháng 9), điều này giải thích tại sao thành tích của học sinh lại cao một cách không bình thường như vậy.
Về kiến thức và kỹ năng của học sinh: Tất cả học sinh Việt Nam, kể cả những học sinh yếu nhất, đều làm chủ được năng lực ở cấp độ thấp và cao được đo lường qua các bài kiểm tra môn Tiếng Việt và Toán.
Lớp 5: Học sinh… rất giỏi
Đối với học sinh lớp 5, các bài kiểm tra PASEC không cho phép đo lường sự tiến bộ về năng lực của 75% học sinh giỏi nhất bởi vì các em đã đạt được mức độ kết quả cao nhất ngay từ đợt khảo sát đầu năm học ở môn Tiếng Việt. Con số này ở môn Toán là 25%.
Trong môn tiếng Việt, tất cả học sinh Việt Nam ở lớp 5 đã có được các kỹ năng ở cấp độ 1. Các em biết liên kết nhiều ý kiến trong một câu, tìm thông tin đặc biệt trong nhiều câu ngắn, nhận biết một thông tin và viết lại.
9,3% học sinh lớp 5 gặp khó khăn trong việc giải thích những thông tin trong một văn bản và/ hoặc phân tích và phát triển các ý kiến trong diễn đạt viết. Tuy nhiên những em này có khả năng đọc một văn bản để thực hiện các suy luận đơn giản hoặc kết hợp các thông tin tường minh (cấp độ 2).
90,7% học sinh lớp 5 đã có được các năng đo lường trong bài kiểm tra môn Tiếng Việt (cấp độ 3).
Đối với môn Toán, tất cả học sinh Việt Nam đã có được kỹ năng ở cấp độ 1. Các em biết xác định đơn vị đo lường phù hợp và hình học cơ bản (hình vuông, hình khối, hình chữ nhật), thực hiện một phép tính đơn giản với các số nguyên, áp dụng các dấu tính và các quy tắc tính toán, nhận biết các thuộc tính của hình học đơn giản (diện tích, góc, diện tích bề mặt), đọc giờ và vẽ một hình học đơn giản.
49,9% học sinh lớp 5 gặp khó khăn khi làm các bài tập đòi hỏi lập luận và trong khi giải quyết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày.
50,1% học sinh đã đạt được tất cả những năng lực được đo trong bài kiểm tra môn Toán (cấp độ 3).
Chăm làm việc nhà thì học giỏi hơn
Việc phân tích chỉ ra rằng học sinh nữ có năng lực cao hơn học sinh nam ở cả lớp 2 và lớp 5 trong cả hai môn. Tuy nhiên học sinh nam và học sinh nữ có sự tiến bộ như nhau trong năm học, nhất là lớp 5.
Mức độ chênh lệch về thành tích giữa đầu cấp học và cuối cấp học trong môn Tếng Việt là lớn nghiêng về phía học sinh nữ, nhưng mức độ chênh lệch trong môn toán chỉ là một nửa nghiêng về phía học sinh nam.
Ở lớp 2 và lớp 5, những học sinh xuất thân từ các gia đình khá giả nhất có thành tích cao hơn trong môn Tiếng Việt và Toán so với học sinh xuất thân từ các gia đình nghèo nhất.
Những học sinh lớp 2 làm các công việc ngoài học tập ở nhà có thành tích cao hơn trong môn Tiếng Việt.
Ở lớp 2, người ta nhận thấy rằng những học sinh mà giáo viên có bằng cử nhân có thành tích cao hơn những học sinh mà giáo viên không có bằng cử nhân.
Ở lớp 5, trong cả hai môn học, học sinh của giáo viên có thâm niên thấp có kết quả học tập cao hơn học sinh của giáo viên có thâm niên cao. Ở lớp 2 không thấy mối liên hệ giữa hai yếu tố này.
Những học sinh lớp 2 có giáo viên được nhận thưởng có thành tích cao hơn các bạn trong môn Toán. Những học sinh lớp 5 mà giáo viên được hiệu trưởng hỗ trợ trong việc chuẩn bị bài giảng có thành tích ở môn Toán cao hơn các bạn khác.
Những học sinh có hiệu trưởng là nữ có thành tích tốt hơn các bạn khác trong môn Tiếng Việt ở lớp 2 và trong cả hai môn ở lớp 5.
PASEC là Chương trình phân tích hệ thống giáo dục của Hội nghị các Bộ trưởng giáo dục các nước sử dụng tiếng Pháp. Mục tiêu của Chương trình PASEC là nhận dạng các mô hình nhà trường có hiệu quả, ít tốn kém, bằng cách tiến hành các cuộc điều tra theo mẫu lựa chọn tại các trường, sau đó tiến hành so sánh trên phạm vi quốc gia và quốc tế...
Bản chất hoạt động của Chương trình PASEC đó là đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia thông qua kết quả học tập lĩnh vực Toán và Tiếng Việt của học sinh lớp 2, lớp 5 ở hai giai đoạn: đầu năm học và cuối năm học...
Chương trình PASEC thành lập năm 1991 nhằm cung cấp thông tin về sự phát triển của các hệ thống giáo dục và các chính sách giáo dục kèm theo đó.
Trong 2 thập kỷ qua, đã có 35 cuộc đánh giá mang tầm quốc gia được tiến hành ở gần 20 nước tại châu phi, châu Á và Trung Đông, trong đó có Việt Nam.