Sự thật về bức ảnh "hôn kiểu Kiss Cam rồi chết" đang lan truyền chóng mặt

Ngày 25/6, nhiều tài khoản facebook đồng loạt chia sẻ những bức ảnh một người đàn ông bị đánh đến bê bết máu tại quán nhậu với lí do được cho là "hôn theo trào lưu Kiss Cam". Nhưng chỉ cần một vài thao tác tìm kiếm, chúng tôi đã xác định được đây hoàn toàn chỉ là tin đồn nhảm nhí.

Trào lưu Kiss Cam - hôn trộm người lạ mà không cần xin phép đang là chủ đề gây tranh cãi và xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng suốt nhiều ngày qua.

Những người tham gia Kiss Cam sẽ đi ra đường và... cưỡng hôn bất cứ người lạ nào mà họ muốn. Đây là trào lưu bắt nguồn từ nước ngoài, từng gây chú ý trên các diễn đàn quốc tế cách đây khá lâu.

Nhưng khi một nhóm bạn trẻ người Việt chính thức quay clip ghi lại những pha "hành động" hôn người lạ rồi bỏ chạy, trào lưu này bắt đầu nở rộ dù vấp phải sự tranh cãi gay gắt.

Một cô gái thực hiện Kiss Cam người lạ trên phố.

Sự tranh cãi càng đẩy lên đỉnh điểm khi trong tối nay, nhiều người dùng facebook đã chia sẻ những bức ảnh một vụ án mạng xảy ra tại quán nhậu, người đàn ông trong ảnh được cho là bị đánh trọng thương, dẫn đến chảy rất nhiều máu tại một quán nhậu ngổn ngang bàn ghế, xung quanh là các chiến sỹ công an đang khám xét hiện trường.

Những người chia sẻ hình ảnh này đều cho biết đây là hậu quả của phong trào Kiss Cam. Bên dưới các bình luận, người chia sẻ còn nói rằng "hôn người khác trong quán nhậu thì chết là phải!"

Facebook-er này khẳng định: "Thằng nào Kiss Cam người yêu anh trước mặt anh cũng sẽ nhận hậu quả như thế này!" Một tài khoản Facebook khác thì thậm chí còn miêu tả nạn nhân đã "hôn người ta rồi chết".
Tất cả mọi người đều nghĩ rằng vừa có một vụ "cưỡng hôn" tại quán nhậu dẫn đến hậu quả kinh hoàng trên.

Bên cạnh hàng trăm, hàng nghìn người tin và chia sẻ câu chuyện "Kiss Cam trong quán nhậu rồi chết", thì cũng có nhiều người nhận ra được đây chỉ là chiêu trò câu like thường thấy của một số người dùng facebook.

Một người bình luận cho biết vụ việc này xảy ra từ năm ngoái và không liên quan gì đến trào lưu Kiss Cam.

Bằng một vài thao tác tìm kiếm, chúng tôi dễ dàng xác nhận được những hình ảnh này đã xuất hiện trên một diễn đàn và một vài website vào tháng 3/2014, với miêu tả về một vụ đâm chém xảy ra trong quán nhậu. Sau đó được nhiều fanpage khác chia sẻ lại.

Đây là những bức ảnh trôi nổi trên Internet từ đầu năm 2014.

Như vậy, chưa cần biết đến nội dung bức ảnh đã từng đăng tải cách đây hơn 1 năm ra sao, nhưng có thể nhận thấy rất rõ ràng, chúng đã bị một số tài khoản Facebook - lợi dụng trào lưu Kiss Cam đang gây xôn xao - tung tin đồn nhảm nhằm mục đích câu views, câu like.

Không ít người đã tỏ ra choáng váng, sợ hãi khi thấy trên News feed Facebook của mình hiện ra những bức ảnh ghê rợn này. Chưa kể, chúng còn gây hoang mang cho rất nhiều cư dân mạng, khi họ tưởng rằng đây đúng là hậu quả từ trào lưu này.

Việt nhiều người vội vã đăng tải lại loạt ảnh trên Facebook của mình mà không kiểm chứng, xác thực thông tin cũng đã góp phần để những bức ảnh lan truyền chóng mặt khắp mạng xã hội trong ngày hôm nay.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên những hình ảnh với nội dung sai sự thật được các tài khoản Facebook đăng tải và chia sẻ rộng rãi.

Tháng 4 vừa qua, một nam thanh niên sinh năm 1993, từng học tại một trường ĐH trên địa bàn Hà Nội tung tin nữ sinh ĐH Công nghiệp Hà Nội bị cưỡng hiếp rồi giết chết cũng đã bị cơ quan chức năng điều tra, xử lý.

Thông tin này khi được đăng tải trên mạng xã hội đã khiến hàng loạt sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội hoang mang, lo sợ.

Xác định vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý của sinh viên, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội vào cuộc để điều tra tung tích chủ tài khoản facebook tung tin đồn để xử lý nghiêm.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, hành vi cung cấp thông tin không đúng sự thật trên internet là hành vi vi phạm pháp luật, do đó hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính.

Cụ thể tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, Điều 64 khoản 3 điểm a quy định hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000đ – 30.000.000đ (Đối với tổ chức vi phạm) và từ 10.000.000đ – 15.000.000đ (Đối với cá nhân vi phạm).

“Việc cung cấp thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thông tin, khiến cho người tiếp nhận thông tin hoang mang, lo lắng dẫn đến trật tự xã hội không được đảm bảo.

Vì vậy để tránh tình trạng này, trước khi đưa thông tin lên mạng internet, mạng xã hội, người đưa thông tin cần tỉnh táo, thận trọng kiểm tra mức độ chính xác của nguồn tin.

Nếu thông tin không đảm bảo, nửa vời, nhất quyết không sử dụng thông tin đó để vừa không làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, vừa tránh nguy cơ bị pháp luật xử lý.

Lưu ý rằng việc bị xử phạt hành chính không đơn giản chỉ nộp tiền là xong, mà nó còn bị xem xét để đánh giá nhân thân đối với các việc làm khác sau này", luật sư Thanh cho hay.

 

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại