Xung quanh câu chuyện cuộc sống ở Hà Nội, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả. Một trong ý kiến đó là của độc giả Thanh Tuyền. Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Mẹ tôi tự hào mỗi lần ở quê. Những người ở quê khen tôi ở Thủ đô về ăn nói nhẹ nhàng, khen tôi có tiền đồ. Mỗi lần về quê tôi chỉ muốn ở hẳn quê. Mẹ tôi thì ra sức giục tôi lên thành phố. Trong mắt mẹ, giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố. Mẹ không hiểu nỗi khổ của những đứa “ngồi lê” thành phố như tôi.
Tôi muốn nói với mẹ rằng ở quê với mẹ ngày nào tôi sướng thêm ngày đó. Tôi muốn nói với mẹ rằng: Ở quê, tôi không phải ăn uống bóp mồm bóp miệng và không phải sợ chết vì… ăn. Mẹ không biết rằng chỗ ngủ ở nhà giúp tôi ngủ ngon hơn ở thành phố. Mẹ cứ muốn tôi ra Hà Nội. Tôi không đi mẹ sẽ buồn.
Hôm trước tắc đường, đang muốn cáu và chửi thề, tôi bỗng đọc một câu được viết trên xe taxi, như là một slogan cho việc đi lại của người dân sống đất Thủ đô: Sống ở Hà Nội là không vội được đâu.
Hàng rong trên đường QL32 đoạn Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội)
Tôi bật cười nghĩ về con đường làng rộng thênh thang, không bao giờ tắc đường ở quê. Tất nhiên, tại tôi không muốn làm một anh nông dân nên nhất định ở Hà Nội, đi con đường bụi mù mịt, nhếch nhác, xe cộ chạy tít mù.
Mỗi ngày tôi và không biết bao nhiêu người xung quanh cứ quăng mình ra đường, mặt mũi kín mít để “thi gan” với nhau hàng mấy tiếng đồng hồ trên khắp các nẻo đường đất Thủ đô dù trời mưa to, nắng gắt hay rét tê xương.
Ăn một bữa cơm đất Hà thành cũng lo ngay ngáy. Bạn tôi bảo: Ăn cũng chết, không ăn cũng chết, tốt nhất là ăn. Không thể trách những người bán cơm, bán thịt, bán rau, bán thực phẩm Trung Quốc. Có còn cái gì bán, mua ngoài những thứ đó đâu mà trách.
Người ta bảo sống cần có lương tâm, nhưng sống ở Hà Nội biết nghĩ thế nào về lương tâm nhỉ? Có cân đo đong đếm vấn đề lương tâm thì cũng khó. Không ai muốn đẩy người khác vào cảnh bị ung thư để đi bệnh viện. Người ta chỉ nghĩ đơn giản là bán cái gì ngon, bổ rẻ và bản thân người ta vẫn có lãi thôi. Trách là trách bão tài chính chứ!
Người mua, người bán cũng chỉ nghĩ đến việc phù hợp túi tiền. Người ta cứ kêu rồi vẫn nhắm mắt dùng. Vẫn có những nơi đàng hoàng, tốt, xịn nhưng ít người có thể sử dụng được các dịch vụ không “lởm”. Hoặc có dùng đồ mác xịn nhưng vẫn bị hàng… lởm như thường.
Tôi bỗng thấy mình trở thành người “bao dung” bất thường sau hơn 10 năm sống ở đất Hà thành. Tôi không còn cảm thấy sốc khi thấy một em “nhãi ranh” đi ngoài đường cong cớn chửi thề. Tôi thấy thú vị bởi cái vệt chữ: Đứa nào đổ rác ở đây là những đứa bị mù mắt nhưng chính chỗ đó lại là chỗ “tập kết” túi lớn túi bé rác. Và còn nhiều chuyện trước đây tôi thấy ngang tai trái mắt thì giờ thấy… bình thường hết.
Ai đó nói tôi mắc bệnh thờ ơ. Đó là bệnh chung ở những người sống ở Hà Nội rồi. Ở quê, người ta còn biết tự ái khi ai đó nhắc nhở nhẹ tới mình. Ở Hà Nội, nếu bạn không biết vô cảm, không biết thờ ơ thì người ta cho bạn vào viện tâm thần.
Những người Hà Nội gốc và cả những người có nhà ở Hà Nội kêu ca về những người đi làm thuê, ở nhà trọ như tôi đủ thứ. Họ coi chúng tôi như những thành phần làm xấu Hà Nội.
Tôi không mặn mà gì việc ở lại, cũng không quan tâm việc người ta kêu ca. Mọi thứ cứ tự nhiên diễn ra không phụ thuộc vào ý thức của ai. Người kêu ca hay không vẫn phải lao động, vẫn phải lao ra đường tranh nhau từng khoảng không gian để nhích xe cho kịp buổi đi làm thuê của mình.
Ai cũng thích ở nhà mình. Ai cũng thích an cư lạc nghiệp. Tôi ước một ngày được về quê sống. Sẽ có người bảo thẳng mặt tôi: Thì về đi, ngồi đó kêu ca làm gì?
Ừ nhỉ! Sao tôi phải đi học đại học và nhất quyết thuê một căn phòng trọ có nhà vệ sinh chỉ vừa một người ngồi đánh răng, rửa mặt, và… đi vệ sinh suốt hơn 10 năm nhỉ? Có người vứt bằng đại học, bỏ Hà Nội về quê đi cấy rồi đấy!