Ông bố 9x xăm mình: Có những nỗi đau không chỉ ở thể xác

La La |

“Sau hơn 2 năm, bây giờ tôi mới tìm lại được cảm giác sống thực sự thoải mái, được về chính ngôi nhà của mình” – Vũ Ngọc Tân chia sẻ.

Trước buổi gặp mặt trực tiếp với Vũ Ngọc Tân (nickname: Gà Rừng - PV), tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý để đối diện với một chàng trai đầy những hình xăm quái dị trên khắp cơ thể. Và quả thật, tôi đã giật mình khi nhìn thấy vẻ ngoài hầm hố cũng như những chiếc răng nanh nhọn hoắt của chàng trai 23 tuổi.

Tân nói nhiều về chuyện đời và chuyện nghề. Những câu chuyện giúp tôi có cái nhìn chính xác hơn về con người thật bên trong cái vỏ bọc gai góc ấy. Sự thân thiện, cởi mở của chàng trai lớn lên tại Vĩnh Phúc đã khiến tôi phải nghĩ lại. Cảm giác e dè ban đầu cũng dần biến mất, thay vào đó là sự cảm thông sâu sắc.

Lớn lên với cái tên Vũ Ngọc Tân nhưng giờ đây, chàng trai sinh năm 1991 muốn mọi người gọi anh bằng cái tên Gà Rừng

Lớn lên với cái tên Vũ Ngọc Tân nhưng giờ đây, chàng trai sinh năm 1991 muốn mọi người gọi anh bằng cái tên Gà Rừng

Với dáng vẻ đầy đăm chiêu, anh đã rất thẳng thắn khi nói rằng: “Khi những bài viết đầu tiên về bản thân được đăng tải, tôi không mong chờ bất kỳ điều gì mà chỉ nghĩ rằng, có thêm nhiều người biết đến thì sẽ có lợi hơn cho công việc hiện tại. Nhưng tôi không ngờ mình đã nhận được một món quà vô giá. Đó là thứ hạnh phúc nhiều năm rồi tôi mới cảm nhận được. Những câu từ giản dị của bài báo đã giúp tôi và những người trong gia đình xích lại gần nhau hơn, giúp tôi giải quyết được mặc cảm suốt nhiều năm qua.

Thú thật ngay từ những ngày đầu tiên, bố mẹ vợ đã không mấy thiện cảm với tôi, đã thế tôi còn một mình vào Sài Gòn, bỏ mặc vợ con để làm nghề xăm trổ. Mỗi lần nhắc đến gia đình bên ngoại là một lần tôi cảm thấy rất tự ti. Nhiều lần tôi cũng muốn về thăm, cùng ăn bữa cơm gia đình nhưng không dám. Từ ngày dứt áo vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi gần như không liên lạc với bố mẹ vợ. Vậy mà hôm vừa rồi, khi bài báo đầu tiên được đăng, mẹ vợ đã gọi điện cho tôi dặn dò Tết này nhớ về thăm nhà. Chỉ nghe tới đó thôi, tôi đã sung sướng lắm rồi”.

Niềm hạnh phúc ngày hôm nay là điều Vũ Ngọc Tân chưa một lần nghĩ đến nhưng khi quyết định dứt áo Nam tiến, chàng trai 23 tuổi đã tưởng tượng được những khó khăn đang đợi anh ở phía trước. Không chỉ làm xấu hơn mối quan hệ trước nay vốn đã không suôn sẻ với nhà vợ, ra đi đồng nghĩa với việc anh phải chấp nhận xa người vợ xinh xắn cùng đứa con vừa mới chào đời. Thế nhưng, ở tình cảnh của anh lúc ấy, Nam tiến là con đường duy nhất.

Đối với tôi, xăm là nghệ thuật và mỗi thợ xăm là một nghệ sĩ. Mỗi hình xăm trên cơ thể tôi luôn đi kèm một ý nghĩa. Và khi tôi xăm, tôi đã thấy có những nỗi đau không chỉ là thể xác vì câu chuyện đằng sau đó - Gà Rừng chia sẻ

"Đối với tôi, xăm là nghệ thuật và mỗi thợ xăm là một nghệ sĩ. Mỗi hình xăm trên cơ thể tôi luôn đi kèm một ý nghĩa. Và khi tôi xăm, tôi đã thấy có những nỗi đau không chỉ là thể xác vì câu chuyện đằng sau đó" - Gà Rừng chia sẻ

Tôi không may mắn như bao bạn bè khác. Từ nhỏ, tôi đã phải sống xa gia đình, xa bố rồi xa mẹ. Sau một biến cố lớn, tôi và chị gái chuyển qua sống với bà ngoại khi tôi đang học lớp 4. Ngày đó, nhà ngoại tôi khó khăn lắm, ở nhà đất, mùa mưa nước ngập tới lưng giường.

Bà ngoại đã 70, không còn sức lao động nữa nên từ bé tôi và chị gái đã phải góp nhặt từng đồng để sống. Sáng sớm, tôi ra chợ chọn gà mang về nhà rồi đi học. Chiều về, tôi làm lông sạch sẽ và mang ra chợ bán. Chị gái tôi khi ấy vừa tròn 18 tuổi đã phải làm đủ thứ việc để nuôi tôi ăn học với đồng lương 350 ngàn/tháng.

Nhà nghèo nên tôi chỉ được học hết lớp 9 rồi sau đó đi học nghề sửa chữa điện thoại di động. Không lâu sau đó, tôi lại ra chợ bán xe máy để kiếm kế sinh nhai. Khá có duyên với công việc này nên tôi cũng kiếm được một số lời nhất định. Có điều kiện hơn, tôi cùng bạn bè chung tay mở tiệm cầm đồ.

Thời điểm này, tôi nhận được rất nhiều lời khen. Trong mắt mọi người, tôi được xem là một thanh niên trẻ, thành công, ngoan ngoãn và chịu khó làm ăn. Mỗi lần đưa mẹ đi chợ, tôi thấy mẹ tự hào lắm vì được bà con lối xóm khen ngợi. Thế nhưng, biến cố cuộc đời chưa dừng lại ở đó.

Công việc làm ăn đổ bể, tôi tay trắng lại hoàn tay trắng. Ngày hỏi cưới vợ, tôi còn quá trẻ (19 tuổi) lại không một đồng trong tay nên gia đình vợ phản đối lắm. Đó âu cũng là tâm lý dễ hiểu của các bậc cha mẹ thôi, làm gì có ai yên tâm giao con gái cho một thanh niên không tương lai như tôi. Nhưng vì hai đứa quyết tâm đến cùng nên gia đình cũng để cho lấy. Tuy nhiên, bản thân tôi biết rằng trong thâm tâm bố mẹ vợ vẫn không bằng lòng.

Ngày tay trắng, tôi đã tính đủ cách, đủ đường, rồi quyết định đi vay mượn mở tiệm rửa xe. Thu nhập ngày đó cũng gọi là tạm ổn nhưng cũng vất vả vô cùng. Tôi phải dậy từ tờ mờ sáng để rửa xe taxi rồi sau đó là xe của khách lẻ. Để giảm chi phí, tôi một mình làm tất cả mọi việc nhưng cuối tháng cũng chẳng để ra được bao nhiêu trong khi vẫn còn một khoản nợ lớn.

Sau 7 tháng miệt mài, tôi cũng chẳng thu lượm được nhiều. Một ngày nọ, có cậu em hàng xóm sang chơi, tôi đã tình cờ trông thấy hình xăm trên người em ấy. Hình xăm đó rất đẹp. Từ sự tò mò, tôi cố dành dụm được 4 triệu đồng rồi quyết định xuống Hà Nội mua máy xăm và mực về để tự làm.

Không người chỉ dạy, tôi chỉ có thể lên mạng để xem cách xăm rồi tập tô, tập vẽ. Ở thời điểm ấy, tôi chưa có nghề, hình xăm rất xấu, xấu đến nỗi tôi bây giờ tôi không còn dám nhìn lại. Ấy thế mà, có rất nhiều người anh em đã cho tôi cơ hội thử tay, tập di những hình đầu tiên. Nếu không có họ, có lẽ tôi sẽ không có ngày hôm nay”, anh nhớ lại.

Hình xăm cậu con trai Vũ Gia Bảo trên tay

Hình xăm cậu con trai Vũ Gia Bảo trên tay

Một thời gian sau đó, khi đứa con trai đầu lòng tròn 3 tháng tuổi, Vũ Ngọc Tân đã quyết định vào thành phố Hồ Chí Minh. Đó là một quyết định khó khăn đôi với chàng trai trẻ nhưng biết sao được. Ngày ra đi, anh mang theo hành trang là lời hứa với cô vợ trẻ: sẽ đón hai mẹ con cùng vào.

Và Ngọc Tân đã làm được điều đó. Anh đã vượt qua tất cả khó khăn, trở ngại, vượt qua cả những lo lắng của mẹ đẻ để dũng cảm bước đi trên con đường đã chọn. “Mẹ thấy tôi thay đổi từng ngày thì vừa mừng vừa lo. Mỗi lần tôi về thăm nhà, nhìn thấy trên người tôi có hình xăm mới, mẹ lại ốm sốt. Mẹ lo cho tôi không biết chọn con đường đàng hoàng mà đi”, anh tâm sự.

Ngày hôm nay, khi đã có được chỗ đứng nhất định ở mảnh đất hoa lệ, đón được vợ con vào ở cùng và nhận được sự thông cảm của bố mẹ vợ, anh mới dám thở phào nhẹ nhõm.

“Đến bây giờ, khi về thăm nhà, tôi mới thực sự cảm nhận lại được hơi ấm gia đình khi cởi bỏ được gánh nặng tâm lý. Người làm tôi ngỡ ngàng nhất chính là bố vợ. Trước kia, bố là người phản đối nhiều nhất nhưng bây giờ, tôi không chỉ được ngồi ăn thoải mái cùng bố mà còn được bố đưa đi gặp bạn bè. Gặp ai, bố cũng giới thiệu tôi với chất giọng hào sảng: “Đây là con rể tôi”. Đó là thứ hạnh phúc lâu lắm rồi tôi chưa cảm nhận được”.

Hình xăm cô vợ Nguyễn Quỳnh Anh

Hình xăm chân dung người vợ - Nguyễn Quỳnh Anh

Qua câu chuyện dài, tôi hình dung được phần nào những nỗi khổ Ngọc Tân đã trải qua. Chàng trai trẻ thích tôi gọi anh bằng biệt danh “Gà rừng”. Đó cũng là cái tên anh thích nhất.

Khi được hỏi điều gì khiến anh cảm thấy hối tiếc nhất, Gà rừng không giấu được sự xúc động: “Tôi dù còn trẻ nhưng khó khăn, va vấp, thất bại và cả thành công cũng đã nếm trải được ít nhiều. Đến bây giờ, điều tôi cảm thấy hối tiếc nhất đó chính là chuyện không được đi học cho đến đầu đến đũa. Tôi tiếc vì đã phải ra ngoài bươn trải quá sớm để bây giờ ngay cả ngôn ngữ giao tiếp cũng không chuẩn nữa. Tôi rất ngại nhắn tin cho mọi người vì sợ sai. Thế nên, dù kiếm được bao nhiêu tiền đi nữa thì tôi vẫn luôn cảm thấy mình đã đánh rơi một thứ vô cùng quý giá...”.

Gà Rừng xăm chữ Thank để cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ, bên cạnh anh trong những thời điểm khó khăn nhất.

Gà Rừng xăm chữ "Thank" để cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ, bên cạnh anh trong những thời điểm khó khăn nhất.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại