Không thể cầm bút vẫn đỗ Đại học
Nguyễn Thùy Chi (sinh viên Học viện BC&TT) là thí sinh khuyết tật đầu tiên được tổ chức 1 phòng thi riêng, với 3 giám thị, một máy quay. Thùy Chi đọc bài cho giám thị 1 chép, giám thị 2 quay và ghi âm, giám thị 3 quan sát chung. Cuối cùng, cô học trò tật nguyền đã làm nhiều người "phục sát đất" khi đỗ NV 2 vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền với 17 điểm.
Nhớ lại 18 năm kiên trì đến lớp, nỗ lực học hỏi, Chi chưa bao giờ thấy hối hận vì bất cứ giây phút nào mình đã sống. Ngay khi chào đời, Nguyễn Thùy Chi đã không may mắn như những đứa trẻ khác: chân tay Chi không thể cử động được.
Gần 10 tháng, Chi vẫn không biết lẫy, biết ngồi trong khi đứa trẻ hàng xóm đã lẫm chẫm biết đi. Từ Lào Cai, bố mẹ Chi đưa con xuống Bệnh viện Nhi Thụy Điển (Hà Nội) khám với hy vọng chữa khỏi căn bệnh quái ác này.
Tuy nhiên, kết luận của bác sỹ đã dập tắt mọi hy vọng, Chi bị cứng cơ dây thần kinh số 7 (dây thần kinh hoạt động). Điều này có nghĩa là, cô bạn hoàn toàn không có khả năng vận động từ cái nhỏ nhất chưa nói đến chuyện đi lại, đạp xe đi học như bạn bè cùng trang lứa.
1 tuổi, Chi đã ngồi xe lăn, 3 tuổi em không thể cất tiếng gọi "Mẹ". Rồi những bất hạnh liên tiếp đổ xuống, mẹ bỏ Chi đi tìm hạnh phúc mới, bố thì ốm yêu không thể chăm sóc con.
Thương cháu gái, ông bà nội thay nhau chăm sóc em, hàng ngày cõng Chi trên đôi vai gầy đến lớp học con chữ. Dù nhà nghèo, cái ăn đã khó nhưng ông bà vẫn không thể để cháu mình không biết mặt chữ.
Kỳ lạ thay, chân không thể tới lớp, tay không thể chép bài nhưng Thùy Chi lại đam mê học và đạt kết quả cao. Các bạn vừa thương, vừa khâm phục Chi nên thay nhau chép bài hộ, chỗ nào Chi chưa hiểu thì nhiệt tình giải thích.
Cứ thế, cô gái tật nguyền Nguyễn Thùy Chi đã tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 rồi đỗ Đại học bằng tình yêu của bố, ông bà và sự quan tâm của bè bạn. Mọi cố gắng và nỗ lực của Chi chưa bao giờ là hoài phí cho những tháng năm trưởng thành nhiều gian khó.
Nỗ lực phi thường của cô sinh viên tật nguyền
Khi vào HV Báo chí và Tuyên truyền chọn khoa Nhà nước và Pháp luật, chuyên ngành Công tác xã hội, Nguyễn Thùy Chi mong muốn mình trở thành nhà quản lí giỏi. Cách xa nhà hơn 300km, Thùy Chi vẫn tiếp tục phải nhờ bạn bè đưa đến trường, tiếp tục phải nỗ lực gấp 5, gấp 10 người khác để hoàn thành chương trình học Đại học. Không thể cầm bút, nhà trường đã tạo điều kiện để Chi thi vấn đáp qua mọi kỳ thi. Sau 4 năm, Thùy Chi có kết quả học tập nằm trong top đầu của lớp.
Có nhìn thấy, đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ, mới thấu hiểu nghị lực sống mãnh liệt và niềm lạc quan yêu đời luôn sục sôi nơi cô gái nhỏ bé này.
Trong suốt cuộc trò chuyện, Thùy Chi không hề than phiền về bệnh tật, cô nói nhiều đến tương lai, đến những tin vui về sức khỏe. Chi vui vẻ: “Tại thời điểm này mình có thể cầm bát ăn cơm, đánh răng, dùng chuột máy tính, nói chuyện với các bạn, phát âm không nặng nề như trước...” .
Nói về đề tài khóa luận, Thùy Chi chia sẻ: “Là người khuyết tật nặng nên mình khao khát được làm việc với những người đồng cảnh ngộ. Vì thế, mình đã làm đề tài “Quản lý xã hội về vấn đề tạo việc làm cho người khuyết tật tại Hà Nội hiện nay. Đây là tiếng nói thấu hiểu và thông cảm với người khuyết tật trên cơ sở khoa học".
Cô Đặng Mỹ Hạnh (Giảng viên trường HV Báo chí & Tuyên truyền) cho biết: “Chi đã luôn cố gắng nhiều nhất có thể để giảm bớt khó khăn. Nhiều người cho rằng, cái mình đang có là hiển nhiên nên coi thường nó, nhưng với Chi để có những điều bình thường ấy, em đã phải ‘nhặt nhạnh’, gom góp từng chút một”.
“Cách vượt qua khó khăn nhanh nhất, dễ nhất, đơn giản nhất là đi xuyên qua nó” – Giống như chiếc xe đạp, để giữ thăng bằng, bạn chỉ có cách là đi về phía trước, Nguyễn Thùy Chi đang tự mình đi qua từng nấc thang của cuộc đời và thực hiện bằng được ước mơ của mình.
Cùng chúc cho cô bạn sinh viên sẽ luôn giữ vững được tinh thần của mình trên con đường chinh phục ước mơ của mình.
Bạn đọc gửi bài viết, ý kiến bình luận, hoặc thậm chí chỉ là một dòng LINK bài viết từ mạng xã hội (Facebook, diễn đàn...) và bài viết này chưa đăng tải trên báo chí, chúng tôi sẽ cân nhắc ĐĂNG TẢI và TRẢ NHUẬN BÚT CHO BẠN TRONG VÒNG 24 GIỜ. Xem chi tiết chương trình: Trả Nhuận bút trong 24 giờ |