Đặng Hồng Ngọc là một trong những 9X hiếm hoi đã có những thành công khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Cô nữ sinh năm cuối trường ĐH Ngoại thương này có cách đi khá riêng trên con đường xây dựng sự nghiệp của mình.
Theo thông tin từ Zing, bắt đầu từ năm 16 tuổi, Hồng Ngọc viết truyện ngắn, đây cũng là “cơ duyên” để cô nàng bén duyên vào nghề báo, truyền thông. Tháng 4 vừa qua, cuốn sách mang tên “Cát tường, mùa hạ và anh” là những cảm xúc mộng mơ về tình yêu, cuộc sống của cô đã được xuất bản.
Thành công trong viết lách nhưng điều khiến Ngọc tự hào nhất lại là công việc quản lý hình ảnh của nhóm nhạc St.319 và của hot girl Chi Pu. Trong đó, Hồng Ngọc đã mang lại những hợp đồng chục nghìn đô về cho St.319. Cô gái này cũng đã hỗ trợ hot girl Chi Pu trong việc quản lý trang cá nhân và xây dựng Youtube riêng.
Hiện tại, Ngọc đang là Giám đốc điều hành công ty ND Talent Agency (ND là Ngọc Đặng) chuyên quản lý hình ảnh cho các bạn trẻ Việt Nam với mục tiêu đưa hình ảnh và tài năng của giới trẻ Việt ra tầm thế giới. Công ty còn làm truyền thông và marketing cho một số đối tác lớn.
Trong khi khá nhiều những sinh viên quyết định bỏ học đại học để kinh doanh và thành công, Hồng Ngọc lại là một ngoại lệ. Dù đã là giám đốc một công ty, thu nhập nghìn đô nhưng cô nàng vẫn không quyết định dừng học đại học để tập trung vào công việc. Một bài viết trên trang cá nhân của mình, Ngọc đã chia sẻ lý do mà cô nàng vẫn đến trường đại học.
Nội dung chia sẻ của cô nàng:
"Tại sao tôi vẫn đến trường đại học?
Mỗi lần gặp gỡ các anh chị khách hàng/bạn bè, sau khi giải quyết xong công việc thì tôi và mọi người đều dành chút thời gian “tám” chuyện. Và tôi để ý thấy rằng hầu hết những lúc tôi bắt đầu nói chuyện “Sáng mai em lại phải dậy sớm đi học đây” thì mọi người mới… nhớ ra là tôi vẫn còn đang đi học.
Nói chung, nhiều người từng khuyên tôi nghỉ học đại học – khuyên chứ không phải rủ rê lôi kéo – từ các anh chị làm tài chính, đến kinh doanh, truyền thông… đều bảo “Nắng nghỉ học đi để làm lương nghìn đô, việc học chiếm một nửa thời gian mà lại không được gì blabla…”
Cũng hơn một lần tôi cân nhắc về quyết định này, thường là khi có cơ hội mới đến, hoặc là stress khi khối lượng công việc nhiều quá. Cái cảm giác 3 giờ sáng loay hoay trước cái laptop và một đống gạch đầu dòng trong to do list và 6 giờ 30 đã phải đi học không phải là một cảm giác dễ chịu cho lắm. Thế nhưng, tôi vẫn quyết định bám trụ với việc học đại học, đến bây giờ còn 17 tháng nữa tính cả hè là tốt nghiệp (kiểu đếm từng tháng!), vì 3 lí do mang tính cá nhân sau (và vì là lí do cá nhân nên các bạn có thể đọc tiếp nếu thấy hứng thú, còn Nắng không muốn quy chụp hoặc áp đặt ý kiến của mình lên bất kì ai):
1. Tôi không dám bỏ học. Nghe hơi… hèn, nhưng đúng là không dám bỏ khi việc học đại học vẫn còn đem lại cho tôi rất nhiều thứ. Tôi nghĩ kiến thức học được ở trường đại học sẽ không quá giúp ích cho công việc, vì kĩ năng là điều sẽ cần thiết hơn khi đi làm. Tuy nhiên, hàng ngày tôi đến trường, có thời gian ngồi trong lớp học, là lúc tôi có thể tạo điều kiện để rèn luyện bản thân như đọc thêm sách hoặc biết thêm được một hai fact mới về ACCA, CFA, về chính sách tuyển dụng của công ty này công ty kia (là những chủ đề mà các bạn FTU hay nói chuyện với nhau, tôi ngồi… nghe lỏm), thay vì ở nhà ngủ nướng thêm 5 tiếng đồng hồ.
Bằng cách này, việc học đại học giúp tôi hình thành những thói quen tốt thông qua những hành động được lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài nên sẽ khó bị phá vỡ. Một cái nữa mà môi trường đại học đem lại cho tôi là rất nhiều mối quan hệ tốt. Chơi với một người giỏi, tôi học thêm được một chút từ người ta. Làm quen với bạn của người giỏi đó, tôi lại học thêm được nhiều hơn. Tham gia một câu lạc bộ giỏi, tôi học hỏi được nhiều người về cách làm việc nhóm, các bước làm việc của một mô hình quản lý doanh nghiệp thu nhỏ.
You cannot buy a network, it’s something built over time. Nếu bạn bắt đầu một mối quan hệ từ trong trường đại học, xây từ quan hệ bạn bè lên việc làm ăn kinh doanh thì sẽ dễ phối hợp và thông cảm cho nhau hơn. Bản thân tôi cũng có rất nhiều mối quan hệ quý giá với bạn bè của mình đang làm startup và ý thức được giá trị của việc giúp đỡ lại qua. Ngoài ra, học đại học còn rèn luyện cả sự chịu đựng và lòng kiên nhẫn, những bạn học đại học chắc là đều hiểu được điều này. (Nếu vẫn chưa hiểu, hãy xem lại cách tôi đếm ngược đến ngày tốt nghiệp.)
2. Lí do thứ hai, là đi học rất vui. Đi làm cũng vui, nhưng ít vui bằng đi học. Việc học ở trường đại học khá thoải mái, không cạnh tranh, kiểm tra thi cử sẵn sàng nhắc bài cho nhau, thầy cô thì khó đáng sợ bằng… sếp. Real business world là chiến trường rất khác, người ta giành giật, chen chúc, nói xấu, chơi đểu nhau để đoạt từ tay nhau là tiền, là địa vị, là vật chất. Bữa trưa văn phòng sẽ ngổn ngang những suy nghĩ về tasks còn dang dở, về deadline nộp plan buổi chiều, về sms và email của khách hàng chất chồng chưa check… Những khi rơi vào tình huống như vậy, thỉnh thoảng tôi lại thèm một bữa nem chua rán và tào phớ ở Chùa Láng, rồi thở phào khi nhớ ra rằng mình vẫn còn là một đứa sinh viên để có thể nhắn tin rủ hội bạn ngày mai học xong sẽ rủ nhau đi ăn. Cuộc sống của một người vừa đi học vừa đi làm có những niềm vui nho nhỏ như thế đấy. Tôi có thể “phân thân” làm hai con người khác nhau, khi nào Hồng Ngọc “PR” cảm thấy stress và áp lực quá thì tạm switch sang Hồng Ngọc “FTU”, đơn giản như ăn kẹo. Đấy, đi học vui mà.
3. Còn một lí do nữa có thể không đao to búa lớn bằng, nhưng lại rất đơn giản và thực tế. Đó là dù tôi có đi làm kiếm được bao nhiêu tiền, thì tiền học ở trường cũng là bố tôi đưa cho tôi. Bố tôi có thể dùng khoản tiền đó cho những việc chi tiêu khác của gia đình, nhưng bố đã dành nó để cho tôi đến trường học mà không cần lăn tăn nó có ảnh hưởng đến chuyện tài chính của tôi không (vì nếu lăn tăn thì chắc tôi cũng… bỏ). Và cũng vì điều này mà tôi chẳng có lí do gì để bỏ học cả. Một anh bạn từng là quản lý tại chuỗi cửa hàng Twitter Beans Coffee đã nói với tôi rằng: “Việc đi học là việc dễ nhất mà mình còn không làm được, thì còn làm được cái gì nữa.” Đúng vậy, bạn bè tôi người ta vẫn đi học bình thường, chẳng có lí do gì mà tôi lại không đeo thẻ sinh viên và đến trường học hàng ngày."