Những điều khó nói của tiếp viên hàng không

Vietnam Airlines (VNA) vừa ra qui định mỗi chiêu đãi viên chỉ được mang số vali hạn chế, bắt nhân viên ký kết không buôn lậu. Chưa rõ mọi thứ rồi sẽ đi đến đâu.

 Nhân chuyện này, tôi viết đôi dòng, trong vai của người chiêu đãi viên, cho dù là cụ già 60, xin lau nhà vệ sinh trên Boeing 777 chưa chắc đã được nhận.

Tà áo dài Việt Nam trên những nẻo đường

Chẳng hiểu các bạn thế nào, riêng tôi, mỗi lần về châu Á hay châu Âu, đều để ý đến máy bay mầu xanh có bông sen vàng của VNA. Thấy bóng áo dài đỏ đi lại trên sân bay Paris, Frankfurt, Seoul hay Tokyo, ngỡ đã về đến quê hương yêu dấu, lòng bỗng dịu lại với nỗi niềm bâng khuâng, sao mình nỡ bỏ tổ quốc ra đi. Nhưng niềm kiêu hãnh sẽ bớt đi nếu gặp vài nàng trong cửa hàng miễn thuế, chẳng hiểu mua rượu để làm gì.

Nếu đi các hãng hàng không của Mỹ sẽ thấy tiếp viên, tuổi trung bình 45-50, vừa già, vừa xấu, cười nhăn nheo, đôi lúc còn say rượu. Xin cốc nước, nàng huỳnh huỵch chạy đi, nửa tiếng sau, chẳng thấy đâu. Thấy mặt lại hỏi, nàng cười, thế à, yes yes, để tôi đi lấy. Rồi nàng ngủ quên, rằng, có người từng xin nước. Chân dài bên Mỹ chẳng ai vào nghề tiếp viên vì lương khoảng 20-30$/giờ. Hàng không Nga, Đức, Pháp cũng vậy, chẳng hơn gì.

Nếu so sánh, tôi xin đặt cược, tiếp viên VNA duyên dáng thuộc top 5 trên thế giới, dù dịch vụ VNA có thể thấp hơn nhiều so với gót giầy của người đẹp. Nếu đọ với Korean, Emirates, Thai, Japan hay Singapore Airlines, những eo thon trên khoang hành khách VNA chẳng kém ai. Vào một ngày đẹp giời, họ nở nụ cười chân thật, thiếu nữ Việt có miệng xinh hơn hẳn những kiều cười công nghiệp Singapore.

VNA có ưu điểm, máy bay hầu hết là mới, chiêu đãi viên xinh đẹp, nhưng thiếu vài thứ. Đó là dịch vụ trên mặt đất, dịch vụ trên không, hay trễ giờ, bỏ chuyến, thông tin không minh bạch, không kịp thời. Vì thế, dù tiếc những tà áo đỏ và eo thon, hành khách thường chọn những hãng an toàn, phục vụ chuyên nghiệp, các cụ bà phục vụ, eo hồ lô, phục phịch, miễn là đi đến nơi về đến chốn.

Chuyện buồn khó nói

Chiêu đãi viên của các hãng nổi tiếng bay giữa Washington DC, New York, Chicago, Paris, London, Tokyo hay Bắc Kinh khó mà buôn lậu. Bởi hàng rào thuế quan, hàng hóa những nơi này thừa mứa, giá chênh lệch vài đô la, không đáng phải đặt cược cả cuộc đời nghề nghiệp của mình vào đó. Nếu dính vào vòng lao lý, sẽ hết đời bay trên không và cả việc làm ở mặt đất. Nhưng khổ nỗi, thỏi son gió mang từ Tokyo về Hà Nội, có mác Nhật là hàng xách tay thì giá gấp rưỡi. Va li xinh xinh của của người đẹp có thể chứa tới vài hộp, mỗi hộp vài chục thỏi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chai XO 18 năm, Whisky Blue Label, đủ loại rượu mạnh trên thế giới, cứ mang qua cửa khẩu Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, lời vài chục đô la. Mà những thứ đó gói gọn trong những va li Samsonite bốn bánh của phi công rất nhẹ nhàng, tưởng như trong đó chỉ vài bộ quần áo và bàn chải đánh răng.

Một chuyến bay, ngoài lương bổng, ngoài đồ ăn, nơi ngủ miễn phí, nếu được lợi thêm vài trăm đô, tại sao không buôn chút đỉnh, nếu luật không cấm. Cả thế giới này có giá chênh lệch là buôn. Buôn lậu phải luồn lách, đút lót hải quan, trốn thuế. Mắc lỗi thì hối lộ cấp trên để tránh đòn, dân mình vốn thích trong nhà đóng cửa bảo nhau.

Khó ai cưỡng lại được lợi nhuận, trừ phi có bố mẹ giầu có, nhà cửa đàng hoàng, xin việc chẳng mất xu nào, bay lên trời là để lấy le với người yêu, với bạn bè, cho họ hàng đẹp mặt. Lương 20-30 triệu, nhưng nếu kiếm thêm bằng buôn bán vặt mà lên 50-60 triệu/tháng thì cũng nên nghĩ lại mặt bằng đạo đức, nhất là vay tiền đi xin việc chưa trả hết.

Không ở trong guồng máy của VNA sẽ không thể hiểu, để bay quốc tế thì phải như thế nào mới được đi Paris hay Tokyo, tại sao bay Sài Gòn, Đà Nẵng. Tokyo hay Seoul là chặng ngắn, đi về ngay, đánh nhanh thắng nhanh, toàn đồ đắt tiền, dễ bán. Tôi không dám nói nhiều vì không ở trong chăn, không biết chăn có rận. Hãy để người trong cuộc lên tiếng.

Mỗi hành khách chúng ta, nhìn những chiêu đãi viên xinh đẹp, thì đừng nghĩ họ là những nàng tiên, không vướng bụi đời, đạo đức cao vời vợi như những cán bộ cấp cao chẳng bao giờ lấy phong bì nửa triệu đô la. Họ có gia đình, có người thân, có những món nợ phải trả, có chuyện không viết được thành lời.

Buôn lậu có tổ chức, chểnh mảng công việc, đẩy xe ăn trên khoang mà đầu nghĩ là mua XO hay son gió giá nào có lợi, làm sao có được nụ cười duyên. Và lấy hàng, tiếp tay cho ăn cắp, mang lên máy bay, là đi quá xa. Đó là phạm luật, không còn là phạm trù đạo đức nữa.

Nếu hệ thống hàng hóa thông thương như Paris và Washington DC không còn chênh lệch, hải quan và thuế vụ ở cửa khẩu chặt chẽ, ai dám buôn nữa.

Hơn nữa, đầu vào có thi đàng hoàng, minh bạch, không tốn kém xin việc, lương cao đúng với trình độ, chẳng người đẹp nào đi buôn cho mệt đầu.

Vài lời với khách đi máy bay

Trong lúc chờ VNA cải tổ dịch vụ trên mặt đất và trên không, kể cả đào tạo lại chiêu đãi viên, phi công, thay đổi cung cách quản lý, sao cho họ hết lòng với công việc, đủ lương bổng để không lo buôn lậu hay thẩu hàng ăn cắp, để cạnh tranh trong hội nhập, tôi xin đưa vài lời khuyên cho hành khách, giúp cho tiếp viên nở nụ cười nhiều hơn.

1. Tiếng Việt xưng hô rất khó. Các quí vị tin em đi. Nhìn mặt chẳng ai có thể đoán tuổi. Mà tiếng Việt quả là rắc rối. Bác, ông, cụ, bà, cô, anh, chị, em, cháu, tùy mặt mà gọi. Em có 200 hành khách phải chào 200 lượt lên, 200 lượt xuống. Nếu có nhầm lúc vào cửa chào là cụ, ra khỏi máy bay good bye anh, thì cũng mong thông cảm. Nếu gọi bác Cua quí khách là cách biệt, nhưng gọi lão 60 là anh, đáng tuổi bố mình, nó làm sao ấy ạ.

2. Khi để hành lý, nhớ để gọn trong khoang, để bừa bãi thì người đi theo dọn chính là em. Gọi là chiêu đãi viên, vì không phải người phu xếp hành lý cho khách, dù có thể giúp đỡ, nhưng đó không phải là trách nhiệm. Giúp 100 khách thì liễu yếu đào tơ, làm sao đưa được những túi lậu cả chục cân lên khoang.

3. Đừng chê sự thiếu thiện cảm. Chúng em đã cố gắng cười duyên trong mấy tiếng bay trên trời. Liệu khách có cười lại hay coi chúng em như người đầy tớ, luôn phải vui, trong khi khách cáu chuyện cãi nhau với bồ, rồi mang vào khoang máy bay. Liệu có công bằng giữa khách và chúng em.

4. Sau bữa ăn nhẹ, tiếp viên hay hỏi, quí khách dùng cafe hay trà, chỉ có hai thứ đó, xin nghe cho rõ, đừng hỏi lại. Và cũng đừng xin thêm bia, rượu vang hay các thứ khác không có trong danh mục.

5. Nếu đi với thằng cu 4-5 tuổi, thấy chuông reo gọi tiếp viên liên tục, phải hiểu đó là ông tướng thích các nút bấm, tò mò xem đó là cái gì. Nên bảo các cháu stop hơn là đợi tiếp viên chạy đến, quí khách cần gì, gặp một nụ cười bé thơ tới 10 lần.

6. Mang theo trẻ nhỏ, nhớ đừng quên tã lót. Máy bay không phải là nơi cung cấp miễn phí, dù họ có dự trữ trong trường hợp cần. Không hãng nào đủ tã giấy cho 20 đửa trẻ ỉa đùn cùng một lúc.

7. Lúc máy bay dừng có dùng nhà vệ sinh được không? Đừng hỏi, vì nước giải có chảy xuống sân bay đâu. Em còn đang bận nhiều việc khác. Tốt nhất nên làm chuyện tế nhị trong phòng chờ. Khi vào khoang, người đi lại rất đông, hàng hóa nhiều, nếu vào nhà vệ sinh sẽ là ngược chiều gió thổi.

8. Mở cửa vào nhà vệ sinh chẳng phải là công nghệ IT phức tạp, cần đến phi công giúp. Tưởng tượng quí bà đang ngồi, không biết khóa cửa, một ông mở vào, nhìn thấy vài thứ gây cảm giác bất an.

9. Hãy cố nhịn thêm vài phút, trừ phi quí khách sắp đái ra quần, nếu xe đưa đồ ăn đang choán hết lối đi. Lúc đó đòi vào nhà vệ sinh, bọn em phải lùi lại rất xa. Nghĩ mà xem, mình sắp ăn mà cha nội bên cạnh nói đi ị thì có nên chăng. Lên máy bay, đi ngoài cũng phải có kế hoạch từ trước. Đi xong rồi, nhớ giật nước, rửa tay, nhớ lấy giấy lau cho sạch bồn rửa, giữ lịch sự cho người sau và cũng là văn hóa tối thiểu của mình.

10. Xin nhớ, ngoài quí khách còn những người khác xung quanh. Ngủ ngáy o o, nói oang oang, khoe khoang xe xịn với bạn, không phải điều mà hàng ghế trước hay sau muốn biết. Ngả ghế cũng nên nhìn phía sau có cốc nước hay máy tính không. Người bên cạnh lấn chiếm thì tự giải quyết, tiếp viên không phải quan tòa để xử tranh chấp trên máy bay. Có phải trẻ thơ đâu.

11. Nếu bay quốc tế, xin mang theo cái bút giá vài nghìn VNĐ. Khai tờ hải quan, nhập cảnh cần có cái bé tý đó. Chúng em có, nhưng không thể cấp 200 cái bút bi một lúc.

12. Có khó nói “Chào em, chào cô, chào cháu, tạm biệt và cảm ơn” không? Một câu đơn giản mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng được cha mẹ ông bà dạy, nhưng khi lên xuống máy bay, nhiều người quên tiệt rằng họ đã được phục vụ tốt. Nếu biết chúng em cảm ơn và tạm biệt 200 lần, chỉ có 40 người đáp lại bằng nụ cười, còn lại lút cút đi thẳng như người buôn lậu, thì sẽ hiểu tại sao em nói vậy.

13. Cuối cùng là con số 13 dù còn nhiều nữa. Nghe tin tiếp viên buôn lậu bị bắt, phi công mang đồ ăn cắp, xin nhớ không phải tất cả đều như vậy. Con sâu làm rầu nồi canh, nhưng sâu bây giờ nhiều quá, có thấy vài con ở VNA, thì cũng phải chịu, vì hệ lụy của một hệ thống có nhiều dấu hỏi.

Cánh én VNA bay được trên trời vì có nhiều người với tay nghề và đạo đức cao. Nhưng giúp họ bay xa đến những chân trời mới, ngoài chuyện của tiếp viên, phi công, dịch vụ mặt đất và trên không, cũng rất cần những hành khách có mặt bằng văn hóa như bông sen vàng biểu tượng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại