Nghi ngờ tính chân thực của clip đập phá tượng Phật

Hộ Pháp |

(Soha.vn) - Ngay sau khi video clip vụ đập phá tượng Phật ở khu du lịch Bà Rá, tỉnh Bình Phước được đăng tải, cư dân mạng đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh tính chân thực của clip này.

Đoạn video ghi lại cảnh tượng Phật được thờ cúng tại một hang núi trong Khu du lịch núi Bà Rá từ trước khi bị phá hủy đến khi bị đập phá điêu tàn.

Hình ảnh một số người dùng đá và các vật dụng để phá hủy tượng Phật, cảnh các pho tượng đầu rơi lăn lóc bên thân tượng, rồi cảnh những Phật tử lớn tuổi, ôm đầu Phật, xoa thân Phật… càng khiến cho những người con Phật cảm thấy đau lòng.

Ngay sau khi được đăng tải, đoạn video này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm cũng như bình luận của cư dân mạng.

Đặc biệt, vụ việc đang bị đẩy theo chiều hướng xấu khi tác giả của video clip đơn phương cáo buộc UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo vụ đập phá tượng Phật này.


	Đầu tượng Phật sau khi bị phá hủy nằm lăn lóc trên đất (ảnh cắt ra từ clip)

Đầu tượng Phật sau khi bị phá hủy nằm lăn lóc trên đất (ảnh cắt ra từ video)

Một bạn có tên nick trên facebook là Quảng Long (Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi đã cắn môi để không phải bật ra tiếng khóc khi nhìn thấy hai bác Phật tử, một người luôn xoa tay lên thân Bồ Tát Quán Thế Âm, người còn lại bê đầu của Bồ Tát. Lúc làm việc này những vị quan chức kia có biết được nỗi đau của những người Phật tử như chúng tôi khi phải chứng kiến những đấng Giác ngộ đáng tôn kính của mình bị xâm hại không?”

“Nếu đúng là ông N.V.T (tên 1 lãnh đạo ở tỉnh Bình Phước - PV) chỉ đạo đập phá tượng Phật thì đây là hành vi của kẻ côn đồ, chứ không phải là một viên chức nhà nước”, nick face Uống Trà Đi (TPHCM) bình luận đầy bức xúc.

Còn bạn Bùi Huy Minh cho rằng sự việc chắc chắn có nguyên nhân nào đó nhưng vẫn tỏ ra không đồng tình với hành động phá hủy tượng phật như vậy:

“Có thể trong khu di tích này, ủy ban nhân dân đã cấm hoạt động tín ngưỡng: xây dựng chùa tháp, nhà thờ nhưng một số người vẫn cố tình làm và có thể tồn tại trước đây nhưng khi quy hoạch thì bị yêu cầu di dời nhưng người quản lý ở đó không chấp thuận nên chính quyền mới cưỡng chế như vậy.

Việc này cần điều tra và tìm hiểu thông tin chính xác để phân định đúng sai. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn không chấp nhận việc đập phá tượng Phật như vậy."


	Bà con Phật tử đau xót trước việc tôn tượng bị phá hủy (ảnh chụp từ clip)

Bà con Phật tử đau xót trước việc tượng Phật bị phá hủy (ảnh cắt ra từ đoạn video)

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại với tính xác thực của đoạn video và mục đích của người đăng tải:

“Cần có sự xác nhận rõ ràng của báo chí địa phương hay các báo Phật giáo. Cẩn thận kẻo mắc lừa thông tin làm sai lệch, gây mất đoàn kết giữa chính quyền và Phật giáo. Cần xác minh là đúng do chính quyền hay một số cá nhân?

Người up clip lên Youtube là Danh Nặc, và chỉ có 1 video duy nhất. Ý đồ gì? Tại sao họ không thể chính danh?” Thanh Thiên (Khánh Hòa).

Một số người khi xem xong clip cũng nghi ngờ tác giả có ý đồ phá hoại trật tự địa phương khi thấy clip được dàn dựng một cách công phu quá.

"Clip này được dàn dựng công phu quá. Nếu là tôi, với tư cách là một Phật tử, khi thấy tượng Phật bị đập phá như vậy thì sẽ rất đau lòng và sẽ ngăn cản hành động này.

Nhưng ở đây, tôi chỉ thấy tác giả (hoặc ai đó) quay lại cảnh một vài người đập phá tượng mà không có hành động can thiệp gì. Và tôi cũng không thấy ai can thiệp gì.

Ngoài ra, giả sử điều đó là thật thì với sự bức xúc đó tôi sẽ up ngay clip lên mạng chứ không đợi về nhà lấy lại tư liệu dựng lại từ lúc chưa bị phá.

Thực tình, tôi rất nghi ngờ động cơ của tác giả khi đăng tải clip này." Đất Cảng

Để tìm hiểu thực hư về vụ việc, tòa soạn đã cử PV xuống địa phương và sẽ thông tin tới bạn đọc trong những bài tiếp theo.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại