Nghẹn lòng những chia sẻ của người con gái tìm mẹ sau 18 năm

Công Luận |

Nhận được 1 dòng tin dù ngắn ngủi từ mẹ, tưởng chừng như đó là điều quá đỗi bình thường. Nhưng đối với chị Vương Thị Loan thì lại là một phép màu.

Câu chuyện “Người con gái đi tìm mẹ sau 18 năm lưu lạc” sau khi được đăng tải đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Đọc xong câu chuyện, có lẽ nhiều người đã có cùng một thắc mắc: Tại sao phải chờ đến 18 năm mới đi tìm mẹ mà không phải là sớm hơn?

Chúng tôi đã liên lạc và may mắn gặp được nhân vật chính của câu chuyện, chị Vương Thị Loan (sinh năm 1987, hiện đang sống tại Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) để tìm hiểu rõ ngọn ngành về cuộc tìm kiếm "mờ hồ" này. Dù sức khoẻ đang không tốt nhưng chị Loan vẫn cố gắng chia sẻ tất cả những gì mình còn lưu giữ lại về mẹ, những tấm ảnh, bức thư cuối cùng và những kỉ niệm còn sót lại.

Sự việc đã xảy ra 18 năm về trước nhưng dường như mọi thứ với chị Loan chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Chị Loan nhớ lại: “Đó là vào mùa Hè năm 1996, lúc ấy, ba mẹ tôi đã ly dị được 2 năm. Tôi sống với mẹ ở khu tưởng niệm Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, Hà Nội. Ngày ấy, mẹ tôi bán thịt thủ, tai mũi họng lợn luộc ở chợ Trương Định. Còn anh trai tôi sống với ba trên khu Vân Đồn, phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

“Tuy cha mẹ đã ly hôn nhưng hai người vẫn cố gắng tạo điều kiện hết sức có thể để hai anh em được gặp nhau, cha mẹ được gặp con cái. Hai ngày cuối tuần, tôi vẫn thường lên chơi với anh, với ba”.

Chị Vương Thị Loan, người đã không đi tìm tung tích của mẹ suốt 18 năm qua.

Chị Vương Thị Loan, người đã đi tìm tung tích của mẹ suốt 18 năm qua.

“Trong lần cuối cùng được gặp mẹ, mẹ đã làm bún nem vì mẹ biết tôi rất thích ăn món này. Đến khi nhớ lại, tôi cảm thấy đây giống như bữa cơm chia tay vậy. Ngày hôm sau, khi từ trên nhà cha về, tôi tìm mãi không thấy mẹ đâu, chạy khắp nơi để tìm mẹ nhưng mọi người chỉ lắc đầu không hay biết. Quay về nhà, tôi tìm được bức thư mẹ để lại trong tủ quần áo. Mẹ chỉ nói rằng phải đi làm ăn xa và không thể ở bên cạnh tôi cùng cha được nữa”.

Nói đến đây, chị Loan chợt òa khóc như một đứa trẻ. Và đó không phải là lần duy nhất. Cuộc trò chuyện của chúng tôi cứ đứt đoạn và thấm đẫm nước mắt của người con đau đáu nỗi hy vọng được gặp lại người mẹ đã bỏ ra đi năm ấy.

Lá thư là một trong những kỉ vật hiếm hoi của mẹ mà chị Loan còn giữ lại được. 
Thuỷ là tên gọi khi ở nhà của chị Vương Thị Loan

Lá thư là một trong những kỉ vật hiếm hoi của mẹ mà chị Loan còn giữ lại được. 
Thuỷ là tên gọi khi ở nhà của chị Vương Thị Loan

Cũng chính từ lúc mẹ bỏ đi, chị Loan phải trải qua quãng thời gian khó khăn nhất và đối mặt với những biến cố làm thay đổi hoàn toàn tương lai: "Những ngày sau đó, tôi chuyển về sống với cha và mẹ kế. Những năm đầu tiên, mẹ kế vẫn luôn quan tâm, chăm sóc tôi. Có thể nói, cuộc sống vật chất đối với tôi khá đầy đủ. Cha cũng rất yêu thương tôi thế nhưng, khoảng trống tình yêu từ mẹ đẻ vẫn không gì khoả lấp được.

Tôi cũng đã gọi người đang chung sống với cha khi đó là “mẹ” và được gọi là “con”. Tuy nhiên, vì vẫn mang suy nghĩ của một đứa trẻ nên tôi đã cho rằng mẹ kế chính là nguyên nhân khiến mẹ mình phải ra đi. Do đó, đôi bên hay xảy ra xích mích. Sau một lần to tiếng, tôi đã quyết định ra đi. Khi đó, tôi cũng mới học lớp 9. Tôi đã chuyển về sống với bác (chị gái của cha) và trải qua những ngày tháng đầy đau đớn ở đây”.

“Tôi không đau đớn về mặt thể xác hay thiếu thốn gì cả khi vẫn nhận được sự chăm sóc từ cha và các bác. Điều khiến tôi cảm thấy đau đớn nhất đó chính là thiếu vắng sự quan tâm, yêu thương của mẹ trong giai đoạn đầy nhạy cảm của một người con gái. Dù tự cho rằng mình là một người mạnh mẽ, có ý chí tự lập cao nhưng thực sự tôi đã gục ngã, gục ngã hoàn toàn về mặt tinh thần”.

Bức ảnh chị Loan chụp cùng Mẹ (Lê Thị Bình) và anh trai (Vương Văn Thanh)

Bức ảnh chị Loan chụp cùng mẹ (Lê Thị Bình) và anh trai (Vương Văn Thanh - sinh năm 1984) đầu năm 1996.

“Lên lớp 11, tôi đã quyết định nghỉ học cho dù lực học khi đó cũng rất khá. Tôi cũng đã nhận được học bổng từ một đơn vị nước ngoài nhưng đã từ chối vì gia đình không đủ điều kiện. Thế rồi, khi bạn bè dồn tâm sức vào chuẩn bị thi đại học thì tôi đã đi làm để kiếm tiền tự nuôi bản thân vì không muốn dựa vào bất kì ai”.

“Và bây giờ, khi đã có 2 con (một bé trai và một bé gái), cuộc sống gia đình riêng của tôi cũng không thực sự êm đẹp với khá nhiều mâu thuẫn. Nhưng vì 2 đứa nhỏ, tôi vẫn cố gắng sống từng ngày để con cái mình không phải chịu cảnh giống mẹ trước kia. Hơn ai hết, tôi hiểu rất rõ những nỗi khổ cực khi những đứa trẻ lớn lên mà không được hưởng đầy đủ sự yêu thương từ cha mẹ”.

Khi đưa ra lời thắc mắc 'Vì sao phải đợi tới 18 năm mới đi tìm mẹ mà không phải là sớm hơn', chị Loan hướng ánh mắt ra cửa và nói: “Về việc đi tìm mẹ, thực sự trong suốt 18 năm qua, chưa một giây phút nào tôi không nhớ về mẹ và khao khát nhận được một thông tin dù là nhỏ nhất. Ngôi nhà ở khu tưởng niệm Hoàng Văn Thụ tuy đã bán từ lâu nhưng mỗi lần có cơ hội, tôi vẫn xuống dưới đó để hỏi thăm tin tức về mẹ. Nhưng sau hàng ngàn lần thì đáp án vẫn là… không”.

“Không những vậy, tôi cũng đã cố gắng gửi thông tin lên chương trình ‘Như chưa hề có cuộc chia ly’ để hy vọng về một sự trợ giúp nhưng đến nay vẫn chưa có thêm bất kỳ thông tin nào”.

“18 năm trôi qua, đã có rất nhiều sự kiện trọng đại xảy ra như việc ông ngoại mất, anh trai lấy vợ, tôi lấy chồng và sinh con… mẹ vẫn không về, không một tin tức, một lời hỏi thăm nhưng trong tâm trí mình, tôi chưa bao giờ trách mẹ.

Bản thân tôi cũng ý thức được rằng cơ may để tìm thấy mẹ hoặc nhận được thông tin về mẹ là rất thấp nhưng tôi vẫn luôn cố gắng và không từ bỏ bất kì cơ hội nào. Điều mong mỏi lớn nhất của tôi lúc này đó là được biết rằng ‘Mẹ còn sống và đang được bình an’”.

Chị Loan còn nhớ rất rõ mẹ có 1 chiếc răng cửa hàm trên hơi nhô ra, có 1 vết sẹo ở trên đuôi mày phải. Giọng nói của bà trong trẻo, nói nhanh, âm thanh tiếng nói thanh cao. Mẹ cao khoảng 1m55, dáng người hơi gù. Ngày trước hai mẹ con ở số nhà 43 tổ 60 khu đài tưởng niệm Hoàng Văn Thụ. Khi đó, mẹ đăng ký hộ khẩu tại số 8 Lô 1 Tân Lập, Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Lúc rảnh rỗi, chị Loan vẫn thường xuyên kể về bà cho hai con nghe. Bản thân hai đứa nhỏ cũng rất mong được gặp bà ngoại. Mong bà ở đâu về với cháu, để gia đình được đoàn viên.

Theo phỏng đoán của chị Loan,  mẹ không còn ở Việt Nam mà tới một đất nước khác để sinh sống. Và Trung Quốc là điểm đến được nhận định nhiều khả năng nhất vì khi đó đang có trào lưu di cư tới đất nước ở phía Bắc này.

Lúc rảnh rỗi, chị Loan vẫn thường xuyên kể về bà cho hai con nghe. Bản thân hai đứa nhỏ cũng rất mong được gặp bà ngoại. Mong bà ở đâu về với cháu, để gia đình được đoàn viên.

Những lời chia sẻ của bà mẹ hai con giúp tôi cảm nhận được phần nào nỗi khó nhọc mà một người phụ nữ 27 tuổi đã phải trải qua. Dù thiếu vắng vòng tay của mẹ nhưng chị luôn tự nhủ với lòng: "Cuộc sống có khó khăn nhường nào thì vẫn phải cố gắng sống tốt để xứng đáng là con gái, là niềm tự hào và hãnh diện của mẹ".

Và cũng chính lời hứa từ ngày hai mẹ con còn sống chung với nhau ấy đã hoá thành nguồn động lực lớn nhất giúp chị Loan đi qua những ngày tháng gian khó. Đến nay, nguồn động lực đó được thay thế bằng hai đứa con khi chị đã làm mẹ.

Nghe câu chuyện của chị, thấy những giọt nước mắt thấm ướt gương mặt bà mẹ trẻ, tôi ước mình có thể gửi đến chị lời hứa chắc chắn cho cái ngày đoàn tụ. Thế nhưng những gì tôi có thể làm được ở thời điểm này chỉ là giúp người phụ nữ ấy chuyển đi một tiếng nói, một tia hy vọng để ở một nơi nào đó, mẹ của chị Loan có thể biết được. Hãy cứ tin rằng cuộc sống luôn đầy rẫy những phép màu và những người yêu thương nhau chắc chắn sẽ quay trở về bên nhau.

Nội dung bức thư mẹ của chị Vương Thị Loan để lại

Hà Thành đêm buồn 11/6/1996

Anh yêu mến cùng 2 con xa nhớ!

Anh ơi! Thế là từ ngày mai em phải xa anh và 2 con chúng ta thật sự rồi. Đó cũng là vì hoàn cảnh của vợ chồng chúng ta. Nên em phải xa anh và các con, mong anh tha thứ cho em. Hai con cũng đừng trách mẹ là kẻ vô lương tâm đối xử với bố con, và các con!

Em đi làm xa nhà một thời gian, ở nhà mà có chuyện gì thì bố con anh về nhà mà ở và bảo ban các con thay em trong lúc em phải đi xa. Mong anh hiểu được tâm trạng em trong lúc này... Còn ai mà chẳng mong vợ chồng sống phải có trước có sau, chung thủy đến đầu bạc răng long.

Đấy là em nói vậy thôi, số phận của chúng ta không nói thì chắc anh cũng hiểu, mà em không nên nhắc lại cho đau lòng...

Còn việc chuyển học cho con thì anh làm thay em. Vì ngày mai, em đi xa lắm rồi anh ạ. Còn việc nhà cửa thì anh hãy về sửa sang lên cho các con ở. Còn em đi chỉ có mang 2 bộ quần áo thôi. Em đi vắng thì em xin anh hãy đưa con về bên nội và bên ngoại thăm ông bà và các bác thay em nhé... trong lúc em vắng nhà.

Còn về phần Thanh, Thủy (tên gọi của Loan khi ở nhà) phải vâng lời bố, ngoan, đừng để cho bố buồn vì các con. Thủy phải học giỏi, nếu mẹ có thời gian về thăm thì mẹ sẽ có quà cho con và anh Thanh.

Đêm đã quá khuya, em xin dừng bút, tạm biệt anh và 2 con. Mẹ hôn 2 con nhiều... nhớ các con

Vợ của anh

Mẹ của 2 con

Bình

P/s: Trong lúc em ngồi viết cho anh và các con mấy dòng chữ này thì em không cầm được nước mắt anh ạ, vì ngày mai là phải đi rồi. Em nhớ anh và 2 con nhiều lắm. Nếu em có nói dại mồm có như thế nào thì cứ ngày em đi mà làm giỗ.

Còn về việc của em mà anh nói với Minh (mẹ kế của Loan) là em có người là không có đâu. Em chỉ có anh là chồng em thôi. Dù anh 5 thiếp 7 thế thì anh cũng không quên được em và các con. Còn anh có như nào thì vẫn là chồng của em, em mong ngày vợ chồng ta xum họp bên nhau, sống nốt quãng đời còn lại và nuôi dạy con lên người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại