"Mọt sách" ta và... tư duy Tây

La La |

Hiểu biết và thông minh là điều người Việt rất coi trọng nhưng theo một quan điểm khác, sáng tạo và tư duy tốt mới là điều cần nhất cho giáo dục người tài.

Trong suốt nhiều năm qua, cải cách và thay đổi là những gì Bộ GD&ĐT đã - đang làm từ cấp tiểu học cho tới thi Đại học... tất cả những điều đó đều hướng về một mục tiêu nâng cao chất lượng dậy và học cho học sinh, sinh viên.

Hiển nhiên, để có thể tìm ra được một con đường, một biện pháp chuẩn chỉ nhất để phục vụ mục tiêu đó quả không phải là điều dễ dàng.

Trong số những yếu tố để tạo thành "chất lượng" thì sự thông minh, chăm chỉ, sáng tạo, tư duy của học sinh chính là cốt lõi của vấn đề. Và chúng ta đã làm tốt "nhiệm vụ" kích thích sự sáng tạo, tư duy của học sinh hay chưa - đó là việc đang được bàn cãi nhiều.

Người trong cuộc Nguyễn Tuấn Hải - hiện đang là nhà sáng lập và giám đốc chiến lược giáo dục tại Eton Grammar School, cũng đã nêu lên quan điểm về cách dạy và học qua một phép so sánh giữa Tây và Ta.

Theo đó, sự chăm chỉ, mọt sách, nhiều kiến thức uyên thâm... không phải điều quan trọng nhất mà các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ hướng cho học sinh làm theo.


Bài chia sẻ của Nguyễn Tuấn Hải đã nhận được sự hưởng ứng lớn trên mạng xã hội

Bài chia sẻ của Nguyễn Tuấn Hải đã nhận được sự hưởng ứng lớn trên mạng xã hội

Chúng tôi xin trích nguyên văn đoạn chia sẻ của Nguyễn Tuấn Hải - người đang trực tiếp thực hiện công tác giáo dục.

"Dân Việt luôn tự hào về việc mình thông minh và học giỏi (thi giỏi thì đúng hơn).

Cái thứ nhất - thông minh, từ lâu đã bị phương Tây cho vào sọt rác khi họ xếp nó đứng sau rất xa một loạt các thứ sau: thái độ sống (làm việc, học tập, phụng sự), cảm xúc, trí tò mò và tưởng tượng.

Còn cái thứ 2 thì chắc chỉ có dân Việt và dân Trung Hoa là tự hào chứ các cường quốc châu Á về kỹ nghệ cao như Hàn, Nhật, Singapore coi trọng thực hành và sáng tạo hơn rất rất nhiều.

Trong một cuộc tiếp xúc và nói chuyện tại Nhật Bản tôi đã được người Nhật "tiết lộ" một sự thật đúng tới hiển nhiên là: Họ (người Nhật) chỉ làm việc sòng phẳng và ngang tầm với Sing và Hàn khi Outsourcing - phần lõi quan trọng nhất của dự án.

Sau đó là tới Đài Loan, tiếp tới là đến Trung Quốc và cuối cùng lớp ngoài cùng của việc thuê ngoài này mới là Việt Nam.

Tức là kể cả các tầng lớp tinh túy về kỹ nghệ của ta cũng chỉ được phương Tây xếp vào hạng bét.

Và chả có gì ngạc nhiên khi mà trong bảng xếp hạng 800 trường đại học tốt nhất của thế giới, tuyệt nhiên thiếu vắng các trường của Việt Nam.

Với trải nghiệm cá nhân của mình và cả của rất nhiều học trò của tôi học tại các trường Phổ thông và Đại học hàng đầu ở Singapore nơi có nhiều học sinh gốc Trung Hoa, việc cạnh tranh học hành theo kiểu mọt sách châu Á với người Trung Hoa là chuyện hoàn toàn hoang đường với người Việt Nam cho dù chúng ta có giỏi cỡ nào đi chăng nữa.

Tại Mỹ, người Mỹ xác định luôn là không bao giờ học và cạnh tranh để trở nên giỏi theo cách của người Trung Quốc: chỉ tập trung vào tầm chương, trích cú và thi điểm cao.

Người Mỹ nhất quyết không chọn cách trở thành mọt sách chỉ biết bắt chước và đầu thì đầy kiến thức kinh viện.

Họ chọn con đường học để có thể sáng tạo và thực hành, để làm ra được một sản phẩm mới và khác biệt và trở lại tìm kiếm kiến thức theo hướng làm sao để phát triển và hoàn thiện sản phẩm đó.

Tôi gọi đó là TƯ DUY SẢN PHẨM.

Sáng tạo và làm việc say mê thúc đẩy việc truy tìm kiến thức là con đường đúng đắn nhất để theo đuổi con đường học thuật và học tập.

Chúng ta đang hướng tới và tự hào về những thứ mà phương Tây coi thường từ lâu và họ sẽ vẫn cười vào mặt chúng ta nếu chúng ta vẫn coi thành tích về điểm số là con đường học tập duy nhất và tối cao dành cho con em mình.

Tôi có một người bạn Mỹ học như thế này: Giáo sư đưa cho 1 danh mục sách cần đọc để sau đó đến bàn thảo dựa trên những gì anh đã đọc và có thể viết được ra.

Bạn tôi vốn là kẻ đọc vừa rộng vừa sâu và có những chủ kiến cực độc lập đã tự thiết lập cho mình 1 danh mục sách mới để đọc và tấn công đề tài mà giáo sư giao.

Tại cuộc bàn thảo với giáo sư, ông đã bị choáng váng toàn bộ và hỏi xin danh mục của cậu để đọc và xin cậu 1 buổi tới cho gặp để được hiểu thêm.

Cậu bạn này bây giờ là 1 giáo sư ở chính ngôi trường này.

Vừa qua cả báo chí và cộng đồng mạng ào ạt tung hô việc 1 cậu học trò Việt (tôi cũng có 1 năm dạy tiếng Anh cho cậu ấy) đạt điểm số tối đa 2400 cho bài thi SAT.

Như thể chúng ta vừa phát minh ra thứ gì đó mà cả thế giới phải ngưỡng mộ vậy. Hãy cho 1 người Mỹ cực giỏi Anh Ngữ đi thi SAT mà xem, chắc chỉ 2200 là cùng và cậu ta sẽ ngạc nhiên nếu đạt được điểm số đó. Cậu ta sẽ cười vang đó.

Thật.

Trong lịch sử , Trung Hoa đã làm cho phương Tây ngỡ ngàng với các phát minh về giấy, la bàn và thuốc súng.

Họ thật sự đã đi trước phương Tây lúc đó rất xa rồi nhưng chính do cái cách học thủ cựu đã thành văn hóa mà họ không thể tiến xa được tới đẳng cấp của châu Âu và Mỹ về sự tự do trong sáng tạo. Hạnh phúc cũng nằm ở đó chứ ở đâu.

Thoát Á , thoát ra cái bóng và bài học của Trung Hoa , không bao giờ là cũ đối với chúng ta, với con cái cháu chắt của chúng ta".


Bài viết nhận được sự ủng hộ từ phía cộng đồng mạng.

Bài viết nhận được sự ủng hộ từ phía cộng đồng mạng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại