Mâu thuẫn thế giới ảo, hành xử ngoài đời thật và hậu quả khôn lường

Tiểu Yến |

Chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội không ít bạn trẻ sẵn sàng hẹn gặp nhau để giải quyết bằng vũ lực.

Gần đây, không ít vụ ẩu đả gây thương tích hoặc thậm chí tử vong bắt nguồn từ những bất đồng, tranh luận trên facebook. Vì muốn chứng tỏ bản thân trong thế giới ảo, họ chọn cách “ăn thua” với nhau ngoài đời thật.

Mới đây, người dân Đồng Nai chưa hết bàng hoàng bởi vụ rượt đuổi chém người của một nhóm thanh niên trẻ.

Vụ việc này cũng bắt nguồn từ những mâu thuẫn thách thức trên mạng xã hội facebook. Theo đó, vào ngày 19/5, một nhóm gần 10 thanh niên đi năm xe máy mang theo dao lê, mã tấu rượt đuổi chém Nguyễn Văn Hiền Quang (16 tuổi, ở Biên Hòa).

Bị truy sát, Quang chạy vào UBND phường Trung Dũng cầu cứu nhưng nhóm thanh niên trên vẫn hung hãn xông vào đuổi chém Quang.

Cũng một sự việc tương tự, đối tượng Ngô Thanh Quang (sinh năm 1996) đã bị công an phường Hòa Cường Bắc (TP Đà Nẵng) bắt giữ do có liên quan đến việc chém trọng thương Nguyễn Hữu Huy (sinh năm 1996, ở Đà Nẵng).

Theo tìm hiểu, trước đó Huy và Quang tham gia nhiều hoạt động giao lưu, kết bạn trên mạng xã hội facebook. Khi chat (trò chuyện) trên facebook, hai bên đã xảy ra mâu thuẫn căng thẳng, sau đó dẫn tới hành động trả thù ngoài đời thực.

Rồi hàng loạt những sự việc đáng buồn chỉ vì xích mích hay vài lời không ưa trên facebook. Chẳng hạn: Bị bạn học nói xấu và thách thức trên facebook, Nguyễn Thị Q. (nữ sinh lớp 8 ở Thanh Hóa) đã hẹn gặp và dùng mũ bảo hiểm đánh nữ sinh trên tơi tả.

Hay sự việc xảy ra vào sáng ngày 27/3 được một nữ sinh quay lại và tung lên mạng. Nguyên nhân xảy ra việc là nữ sinh D đăng ảnh lên Facebook và bạn nam T vào comment bình luận với nội dung “đã xấu còn tự sướng”, sau đó hai bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến nữ sinh tấn công nam sinh.

Và mới đây nhất, tối qua 3/8, trên  phố đi bộ Nguyễn Huệ  hàng ngàn bạn trẻ kéo nhau ra xem cảnh “giải quyết mâu thuẫn” của hai cô gái. Theo tìm hiểu, hai cô gái này vì mâu thuẫn với nhau trên facebook, lời qua tiếng lại nên muốn “nói chuyện” rõ ràng với nhau ở phố đi bộ.

Lời thách thức này nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán xôn xao của cư dân mạng, thậm chí họ còn kêu gọi nhau ra xem và tung hô hai nhân vật này như người nổi tiếng.

Mâu thuẫn thế giới ảo hành xử ngoài đời thật và hậu quả khôn lường
Chân dung 2 cô gái hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn, gây náo loạn phố đi bộ tối ngày 3/8.

Sự việc nhanh chóng được giải quyết nhờ sự có mặt của công an. Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên một hồi chuông đáng báo động. Liệu có phải giới trẻ đang dần trở nên manh động, chỉ vì mâu thuẫn trên thế giới ảo mà họ sẵn sàng hành xử theo kiểu giang hồ với nhau?

Trước sự việc này, Tiến sĩ  Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu  (Khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ:

“Người ta cứ nghĩ mạng xã hội là ảo, nhưng thực ra trên đấy là những con người thực, những cảm xúc thực, mối quan hệ thực...

Nên mâu thuẫn tất nhiên là thực và cuối cùng đã dẫn đến trận chạm mặt thật, bị cơ quan chức năng xử lý thật và những nỗi buồn của phụ huynh cũng thật.

Vụ việc vừa gây ảnh hưởng cho người trong cuộc vừa ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội. Chẳng có ai được lợi gì trong những sự việc thế này cả”.

Mâu thuẫn thế giới ảo hành xử ngoài đời thật và hậu quả khôn lường
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.

Theo thầy Hiếu, việc các bạn trẻ mâu thuẫn với nhau rồi giải quyết mâu thuẫn ấy bằng nắm đấm là "thói quen kỳ cục" của nhiều cư dân mạng nói riêng và người dân nói chung khi văn hóa hùa theo là một nét tính cách chưa đẹp còn tồn tại.

Với nhiều người, vụ đánh nhau này như một dịp giải trí, hẹn nhau từ trên mạng ra ngoài đời để đi cổ vũ cho vui. Nhiều bạn trẻ tuy không liên quan nhưng ở gần đấy cũng tụ tập để xem và có người còn hò hét phấn khích.

Họ sẵn sàng bỏ ra hàng giờ để tụ tập chờ đánh nhau, nhưng không sẵn sàng bỏ ra 30 giây để chờ đèn đỏ. Đó là những "thói quen xấu xí" trong lòng văn hóa của chúng ta.

Thầy Khắc Hiếu cũng phân tích thêm: "Hãy nghĩ xem: hai cô gái khẩu chiến trên mạng, hẹn đánh nhau ngoài đường... liệu có được tôn vinh và ngưỡng mộ?

Mỗi lời nhả ra như "mày", "tao", "chó điên"... được phát ngôn giống như ném những nắm bùn vào mặt người khác, và người dơ tay trước tiên tất nhiên sẽ là mình.

Qua sự việc này, hình ảnh của hai cô gái được mệnh danh là "hot girl" đã bị một điểm trừ to tướng.

Không chỉ vậy, việc hẹn đánh nhau với đám đông như vụ việc tại phố đi bộ là vô cùng nguy hiểm vì trạng thái dễ bị kích động của tâm lý đám đông.

Nếu cơ quan chức năng không can thiệp kịp, có thể đám đông đã quá khích, nổi giận, mất kiểm soát. Lúc đó, liệu tính mạng của hai cô gái này sẽ thế nào? Tính mạng của chính những người trong đám đông ấy sẽ ra sao?".

Trước những diễn biến khôn lường trong cách ứng xử của giới trẻ, thầy Hiếu đặc biệt lo ngại và cho rằng nếu như không có sự giáo dục và định hướng đúng đắn, người trẻ có thể mất nhận thức và hành động sai lệch.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại