Đó là những dòng chia sẻ của bạn Phan Thị May (sinh năm 1996, quê ở Nghệ An, hiện là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) khiến bất kì ai khi đọc được cũng thấy lặng người.
Chiến tranh đã qua đi nhưng hậu quả nó để lại vẫn vô cùng đau xót. Để có được hòa bình như ngày hôm nay, biết bao người đã ngã xuống, đã hy sinh xương máu của mình vì tự do độc lập và trong đó có cả bố của May (ông sinh năm 1954, tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971).
Hòa bình lập lại, ông trở về bên gia đình với vết thương nặng trên vai.
May kể: “Đến bây giờ mỗi lần nghĩ đến bố em đều thấy rất có lỗi. Ngày ấy, bố rất thương em và nuông chiều em hết mực. Nhà em nghèo lắm, không có lấy chiếc xe đạp cũ để đi, thương em nên bố luôn cõng em đi học”.
Nói đến đây giọng May lạc đi vì xúc động: “Có những hôm đường trơn do trời mưa tầm tã, cả hai bố con ngã bổ nhào trên đường”.
Khi nhắc về bố cảm giác bao trùm lên May là sự hối hận và thương tiếc. May tâm sự: “Ngày ấy, do di chứng chiến tranh, vết đạn xuyên vai làm vai của bố lệch sang một bên, chính vì thế mỗi lần bố cõng em, em đều than vãn sao mà khó ngồi thế.
Lúc đó bố chỉ mỉm cười và nói: Bố con là người đặc biệt và chỉ có bố mới có bờ vai như thế này thôi con gái ạ. Khi ấy em còn nhỏ nên ngây thơ cứ tin bố mình đặc biệt thật, sau này lớn lên mỗi lần nghĩ về câu nói đó của bố em chỉ biết khóc thôi”.
Số phận khéo trêu đùa, cách đây 5 năm, căn bệnh ung thư quái ác đã mang bố của May đi xa khi ông chưa kịp chứng kiến cô con gái bé bỏng, hay nhõng nhẽo ngày nào của mình trưởng thành.
Chính vì thế, trong sâu thẳm tâm hồn, May luôn cảm thấy hối tiếc khi chưa làm được điều gì cho bố.
Và đây là những dòng tâm sự cô bạn gửi tới người bố thân yêu, người sỹ quan quân đội và là tấm gương sáng trong cuộc đời của mình:
“Hôm nay là ngày của bố, bố ạ!
Ngày này của những năm về trước nhà mình đang làm gì bố nhỉ? 5 năm nay rồi, ngày 27/7 cứ đến rồi đi, không còn để lại trong con những kỉ niệm như bao lần con có.
27/7 liệu ai còn nhớ có những người chiến sỹ thầm lặng, lặng lẽ hi sinh và lặng lẽ ra đi như bố? Con vẫn đang sống trên giọt máu bố đã đổ, vẫn đang dựa vào viên đạn xuyên qua vai gầy của bố để học hành và khôn lớn.
Chiến tranh qua rồi. Con không biết mùi khói đạn, nhưng con nếm được cay đắng nó mang lại: Mất mát và đau thương, biết bao giờ cho nguôi đây hả bố?
Con đã lớn và bố cũng đã già... À không! bố của con sẽ không bao giờ già nữa... Bố vẫn còn trẻ lắm. Vẫn vui tươi hát khúc quân hành trước lúc lên đường.
Bố ơi! Suốt 5 năm nay, bài hát mà bố muốn nghe trước lúc bố ra đi, con đã thuộc lời rồi. Nhưng.. Chưa bao giờ con dám hát. Con vẫn chưa đủ dũng cảm để hát ca khúc đó, bố biết mà!
Con muốn mình phải mạnh mẽ hơn nữa, con muốn con gái sẽ không làm bố thất vọng, nhưng bố ơi! con vẫn chưa làm được.
Con vẫn nhớ bố nhiều lắm, con vẫn khóc và nấc nghẹn mỗi lần nhìn di ảnh của bố. Nghĩ về những nỗi đau mà bố từng gồng mình gánh chịu, con không thể cầm lòng.
Nhưng bố hãy an lòng! Con gái bố lớn rồi, con sẽ không để bố phải lo lắng cho con nữa. Con hứa con sẽ mạnh mẽ và ngày nào đó, khi nhắc đến bố mà nước mắt con không còn rơi nữa con sẽ đứng trước bố và hát cho bố nghe ca khúc mà bố yêu thích nhất.
Bố biết không, nhiều lúc con thấy mình ích kỉ lắm. Con từng nghĩ nếu bố con không đi bộ đội, không ra chiến trường thì chắc bây giờ bố vẫn đang ở bên con khỏe mạnh. Nhưng bao giờ niềm tự hào về bố đều chiến thắng suy nghĩ đó của con.
Nếu ai đó hỏi bố con làm gì, con luôn tự hào trả lời: Bố tôi là một sĩ quan quân đội, đã cống hiến và hi sinh cho đất nước.
Nếu ai đó hỏi con có yêu bố nhiều không, con không ngại trả lời rằng: Con mang ơn bố chứ không chỉ dừng lại ở tình yêu.
Hôm nay, con lại nhớ bố. Hôm nay, con nghĩ về bố. Và hôm nay, con lại viết, viết như mỗi lần con bối rối khi nghĩ về ngày này”.
-27/07/2015-
[Ngày của bố]