Những ngày gần đây, báo giới đưa tin rất nhiều về tấm bảng "khoe" thành tích của một trường THCS trong TP. Hồ Chí Minh. Bất kì ai cũng phải giật mình về thành tích học tập tại lớp học này, có tới 98% học sinh giỏi (49/50 trò) và số còn lại thuộc về 1 em học sinh đạt loại khá.
Có một thông tin đáng “mừng” hơn nữa đó là khả năng học tập xuất sắc đến vậy không chỉ ở các trường miền Nam. Ở Hà Nội, trường hợp tương tự không phải là hiếm, một lớp có 54 học sinh mà tổng kết cả hai học kỳ đều có chung thành tích 53 học sinh giỏi, có 1 em yếu.
Tôi thiết nghĩ, thay vì trao phần thưởng, bằng khen cho 49 hay 53 học sinh giỏi kia thì nên động viên, khích lệ, làm công tác tư tưởng người còn lại vì đã “tự cách ly” mình với mọi người, tránh trường hợp gây ra tâm lý tự kỉ. Hay theo lẽ thường, người ta cũng chỉ tuyên dương người đặc biệt, là số 1 là duy nhất – giống như vô địch một giải đấu, chứ ai lại đi cổ vũ một đám đông ai cũng giống ai.
Nếu đó là thành tích “xịn” thì quả thực rất đáng mừng cho giáo dục Việt Nam cũng như thế hệ kế cận sau này của đất nước.Rõ ràng, với thành tích trên thì ngay cả Mỹ - Nhật – Anh… hay bất kỳ quốc gia có nền giáo dục phát triển nào cũng phải ngả mũ kính phục vì một thành tích đẹp đến không thể tin nổi!
Nhưng xét cho cùng, con em chúng ta không giỏi sao được khi bây giờ bọn trẻ đang dần biến thành một chiếc máy photocopy. Con mình thì mình phải biết, chỉ có những người vô trách nhiệm mới không nhận ra sức học của con. Trong suy nghĩ của tôi, con mình có cố thì cũng chỉ đạt được loại khá, chẳng dám mơ tới giỏi vì sự ham chơi của nó.
Đến khi cầm bảng điểm, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên và cảm thấy thắc mắc không rõ vì sao con mình lại được xếp loại giỏi. Hỏi kĩ, hóa ra cũng nhờ việc đi học thêm. Môn Văn thì cô giáo cứ đọc, học sinh cứ chép. Hôm sau có bài kiểm tra, giáo viên ra đề tương tự và thế là các trò chỉ việc “sao y bản chính” là sẽ đủ ý đủ tứ và… đủ điểm. Sự khác biệt cũng chỉ nằm ở chỗ cách trình bày và lỗi chính tả. Còn các môn thuộc khối tự nhiên như Toán – Lý – Hóa, giáo viên ra đề và chỉnh sửa luôn tại lớp học thêm. Ngày mai có kiểm tra thì cũng chỉ việc thay số lắp công thức, không đạt được điểm thì đúng là cá biệt.
Tôi cũng có một người bạn làm giáo viên một trường THCS có tiếng ở Hà Nội, cô bạn nói: “Làm gì mà không lên được lớp, không đạt điểm hả anh! Kiểu gì cũng qua hết, điểm phải cao! Nếu không đạt chỉ tiêu thì em cũng ‘chết’”.
Vậy mới có những trường hợp mà trước đây báo đài từng đưa tin theo kiểu học sinh “ngồi nhầm lớp”, kiến thức thì không vững nhưng vẫn lên lớp, bằng nọ bằng kia.
Và khi những cô cậu học trò xuất sắc này rời khỏi mái trường cấp 2 để bước vào cấp 3 thì sự thật mới được phơi bày. Theo tìm hiểu mới nhất của báo Tuổi trẻ, kết quả học tập của toàn khối 10 ở trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP.HCM) thì chỉ có 7,4% học sinh đạt loại giỏi, 16,8% loại khá, 58,5% xếp loại trung bình và còn lại là yếu và kém. Còn ở năm học 2012-2013 thì có tới 50 học sinh phải ở lại lớp 10.
Như vậy đấy, vì thành tích nhà trường mà các giáo viên thoải mái trao danh hiệu giỏi cho học sinh của mình. Mà cũng trách cả những bậc phụ huynh, mải miết chạy đua thành tích cho con, cái sĩ cho bản thân mà quên mất con em mình cần gì. Đắm chìm trong những thành tích vô thực và đến lúc nhận ra con mình hổng quá nhiều kiến thức thật, không rõ mọi người có còn cười giống như lúc nhận bằng giỏi của con?
Cảm ơn độc giả Giang... đã gửi bài cho Soha.vn. Chúng tôi sẽ liên lạc và trả nhuận bút trong vòng 24 giờ. Trân trọng! |