Lúc đó chiến tranh ly tán, sau này tôi nghe kể lại rằng một quả bom trúng ngay cạnh hầm trú ẩn của gia đình thầy, thi thể thầy bị hất tung lên, nằm vắt vẻo trên cành cây trước ngôi chùa cạnh nhà. Chiến tranh là như thế. Lạnh lùng, tàn nhẫn, một sự phi lý quái gở.
Nhiều thế hệ học sinh Trường cấp II Yên Hòa, Hà Nội vẫn nhắc thầy Chu Bá Thước với lòng tiếc thương, kính trọng. Riêng với tôi, thầy không chỉ là người thầy truyền dạy kiến thức mà còn là một người cha ấm áp, dạy cho mình nhân cách sống và đạo hạnh của một nghề cao quý.
Thời học sinh tôi là đứa văn dốt, võ dát, nhưng bù lại các môn tự nhiên luôn đứng đầu lớp. Tôi còn nhớ hôm thầy tôi lên lớp điểm môn toán cho mấy chục thầy cô các trường về rút kinh nghiệm. Thầy gọi tôi lên bảng trả bài và thản nhiên tuyên bố trước các đồng nghiệp: “Cách giải hay. Về chỗ. Thầy cho em 40 điểm”. Cả lớp cứ tưởng thầy nói đùa, nhưng trong sổ điểm của tôi có hẳn con số 40 tròn trĩnh. Đến cuối học kỳ, điểm trung bình môn toán của tôi hơn 10 làm cho nhiều người lúng túng. Nghe đâu vì chuyện này thầy đã bị ban giám hiệu kiểm điểm về “thói tiểu tư sản” phá vỡ quy tắc giảng dạy.
Lần khác, trong giờ ra chơi, thầy vẫy tôi ra một góc và bảo: “Mai cậu đi thi học sinh giỏi toàn thành phố. Một thằng thông minh như cậu không cần ôn bài, cứ chơi thoải mái rồi đi thi...”. Tôi đã sung sướng nghe lời thầy và... thi trượt. Bây giờ nhiều người mới nói đến một nền giáo dục mở, trọng kiến thức, kỹ năng sống hơn việc tạo ra áp lực thi cử, bằng cấp, với sự quá tải cướp hết tuổi thơ học trò... Thì ngày ấy, vào những năm 1970, quan niệm về giáo dục của thầy tôi đúng là như cái gai trong mắt nhiều người.
Cuối năm lớp 7, thầy gọi tôi và cô bạn gái lớp trưởng đến nhà giúp thầy cộng điểm. Tôi để ý trong lớp cô bạn gái rất hay nhìn trộm mình và tôi cũng tăm tia cô lớp trưởng rất xinh có hai má lúm đồng tiền. Lừa lúc thầy không để ý, tôi đưa chân dưới bàn tìm chân cô ấy. Ôi. Đây rồi... Tôi đê mê sung sướng đặt chân mình lên chân cô bạn gái. Có lẽ vì sắp phải chia tay nhau nên tôi mới dám uống thuốc liều. Nhưng quái lạ, tôi nhấn nhấn lên chân cô ấy mấy lần mà cô ấy vẫn tỉnh bơ. Tôi giả vờ làm rơi cây bút, cúi xuống nhìn, thì ôi thôi hóa ra cả buổi tôi đê mê đặt chân lên cái chân bàn...
Hết giờ, thầy tiễn hai đứa tôi ra đường. Tôi đi chiếc xe đạp Liên Xô con (loại xe đạp mini của Liên Xô thời ấy), rẽ phải là theo hướng về nhà tôi. Còn cô bạn gái phải đi bộ khoảng nửa cây số mới có bến xe buýt đi về trong phố. Tôi ước gì mình được đèo cô ấy ra bến xe nhưng không dám. Cô ấy đi bộ được khoảng mươi bước thì thầy gọi tôi lại. Thầy nghiêm trang, nhìn thẳng vào mắt tôi và mắng: “Cậu là một thằng ngu. Con trai phải biết galăng. Mau đèo nó ra bến xe”.
Tôi cảm thấy cô bạn gái tủi thân, khóc mà hai bờ vai rung rung dưới chiếc nón nan trắng rộng vành. Tôi nhút nhát, đỏ mặt, không tuân lệnh thầy, phóng vù xe về nhà vừa đi vừa tự trách mình. Buồn cười là hơn 40 năm sau, tình cờ tôi gặp lại cô bạn gái giờ đã lên bà. Tôi kể cho cô ấy nghe tất cả cảm giác của ngày xưa ấy. Bạn tôi phá lên cười: “Chỉ được cái hay tưởng tượng. Người ta khóc hồi nào...”.
Sau bao nhiêu năm tháng trưởng thành, bên tai tôi vẫn văng vẳng câu mắng của thầy tôi. Một thời chiến tranh khói lửa có lẽ chỉ mình thầy tôi dùng chữ “galăng”. Với kinh nghiệm của người từng trải, thầy thừa biết chúng tôi để ý nhau. Và thầy yêu chúng tôi, yêu những rung động đầu đời của chúng tôi đến mức đã nổi nóng, mắng tôi là một thằng ngu...
Đời tôi có nhiều người thầy về đời và nghề mà tôi kính trọng, nhưng hình ảnh thầy tôi vẫn là những gì đẹp đẽ nhất của một nghề cao quý.
Nhà biên kịch LÊ CHÍ TRUNG