Không nhảy múa, không nhậu nhẹt thì làm gì!?

Phải chăng các bạn trẻ ngày nay quá thiếu sân chơi, nên tận dụng tất cả mọi thời cơ để giải phóng năng lượng mà không nghĩ sâu xa hơn?.

Ít ngày gần đây, giới truyền thông và cư dân mạng liên tục chia sẻ clip nhiều thanh niên nhảy nhót bốc lửa tại lễ hội đền Hùng, Phú Thọ. Trong đó, tiêu biểu là show của trại huyện Hạ Hòa.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc làm đó là sai trái, không hợp với lễ hội dỗ tổ linh thiêng. Và rằng, các bạn trẻ đó là những thanh niên “vô văn hóa”, bôi xấu ngày hội lớn của đất nước. Dư luận tỏ ra hết sức bất bình.

Thanh niên huyện Hạ Hòa đang giật lắc nhiệt tình tại lễ hội đền Hùng.
Thanh niên huyện Hạ Hòa đang giật lắc nhiệt tình tại lễ hội đền Hùng.

Phải chăng vì những bạn trẻ này quá thiếu sân chơi, nên tận dụng tất cả mọi thời cơ để giải phóng năng lượng dồi dào trong cơ thể, mà không nghĩ sâu xa hơn?. Hay bởi người lớn không nhắc nhở nên họ không thể bỏ qua cơ hội được nhảy nhót giải phóng cơ thể, biểu diễn lấy le với mọi người khi lại có sẵn nhạc, có sàn, có đồng bọn và có khán giả?. Hay có lẽ, với họ, hội trại Giỗ Tổ thì cũng giống như đám cưới ở quê, là dịp cho họ ăn chơi, nhảy múa?.

Báo chí gần đây liên tục đưa tin về một hiện tượng lạ, lạc điệu trong lối sống của thanh thiếu niên từ thành thị đến nông thôn: Đó là hiện tượng '"thác loạn'': đua xe, khoe của, "phơi thân" trên các trang mạng, nhảy thoát y ở các vũ trường, quán bar, đi bụi, đi bay (lắc),…Đây được xem như là những món giải trí bình thường của một bộ phận giới trẻ. Vì sao giới trẻ hiện nay lại có những biểu hiện như vậy?.

Có nhiều nguyên nhân, như thiếu sự quan tâm của gia đình, cảm thấy cô đơn, tò mò, a dua, muốn thể hiện mình,...Bên cạnh các nguyên nhân thuộc về giới trẻ và gia đình, thì sự buông lỏng quản lý của nhà nước cũng góp phần hình thành nên lối sống thác loạn.

Có lẽ, các bạn trẻ ở nhiều huyện tại tỉnh Phú Thọ, cũng như nhiều huyện ở các tỉnh lẻ khác, không có bất cứ một sân chơi nào phù hợp với lứa tuổi. Mà nói đâu xa, ở thành phố cũng thế. Thiếu sân chơi nhưng lại thừa các cơ sở kinh doanh “dịch vụ nguy cơ cao”. Có cầu sẽ có cung, hàng loạt các loại hình dịch vụ có nguy cơ trở thành các tụ điểm ăn chơi thác loạn như nhà hàng, vũ trường, quán bar, karaoke được mở ra. Đó là lý do nhiều nhiều bạn trẻ thành phố suốt ngày lên bar, lắc rồi đề đóm, bài bạc và nghiện ngập. Ở nông thôn không có bar, mà họ cũng không có nhiều tiền để suốt ngày bài bạc. Còn ma túy kiếm cũng không hề dễ. Họ chỉ có đúng hai thứ để “bấu víu”: nhậu và nhảy.

Thấy trên facebook của Nam, sinh 1988, quê Phú Diên, Phú Vang, Huế toàn là ảnh ghi lại các cuộc nhậu, chúng tôi mới thắc mắc vì sao lại thế?. Nam tình thiệt kể, em đã thoát ly vào Sài Gòn làm thợ điện. Nhưng vì nợ nần vì cá độ đá bóng, ba mẹ trả tiền xong thì bắt về nhà, sợ ở lại Sài Gòn thì ngựa quen đường cũ. Ra nhà, không biết đi biển lại chẳng có việc gì để làm, truyền hình cáp và internet không có, sách báo càng hiếm. Thư viện, rạp xem phim, khu vui chơi giải trí chỉ có trong mơ. Rảnh rỗi, không nhậu nhẹt cũng chẳng biết làm gì. Chưa nói, quê em là vùng biển, mồi nhậu là không bao giờ thiếu, ra biển xin người ta cũng cho không nữa.

hanh niên nông thôn miền Bắc, miền Trung thường hay nhậu nhẹt.
Thanh niên nông thôn miền Bắc, miền Trung thường hay nhậu nhẹt.

Còn chuyện nhảy nhót ở đám cưới tại quê Nam là điều tất nhiên. Hồi xưa còn ít, chỉ có cô dâu chú rể nào còn trẻ và chịu chơi với để bạn bè lên biến đám cưới thành vũ trường. Nhưng bây giờ, dường như đó là luật bất thành văn, hầu hết đám cưới đều có màn lắc lư điên cuồng vào lúc cuối, thỉnh thoảng có khách còn lên nhảy ở giữa tiệc. Nếu gia chủ nào khó tính, cắt tiết mục này, sẽ bị mọi người, nhất là các bạn trẻ trong làng không hài lòng, xào xáo. Hồi hội trại 26/3 của xã Phú Diên, thanh niên ở nhiều thôn cũng đã tranh thủ mở nhạc nhảy nhót rất vui.

Một show nhảy nhót tại đám cưới quê
Một show nhảy nhót tại đám cưới quê

Có thể nói, đám cưới chính là nơi duy nhất để các bạn trẻ ở nông thôn xả stress thoải mái với dàn âm thanh xịn, bạn bè nhiều và sân khấu rộng. Buôn có bạn, bán có phường và chơi bời cũng thế. Dù muốn, chẳng bạn trẻ nào có thể nhảy nhót trong nhà mình hoặc ngoài đường, trước sân. Thế nên, họ xả năng lượng, uẩn ức trong lòng trên sàn nhảy đám cưới, để không ngứa mắt khi thấy trai làng khác vào cua gái làng mình; để không xách xe lên phố nhảy nhót đụng tai nạn,...

Nhảy nhót tưng bừng trong đám cưới hay lễ hội, đang là nét văn hóa mới của nhiều làng quê Việt Nam. Từ Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Bình Thuận,….Chỉ cần không quá đáng, không dung tục, không khiêu khích thái quá, đúng lúc đúng chỗ đều nên được khuyến khích cho đến khi, nhà nước hay bất cứ ai đó xây dựng được vài sân chơi lành mạnh cho thanh niên ở nông thôn. Bởi, nếu cấm chỗ này, các bạn sẽ tìm cách xả chỗ khác; nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc nhảy nhót.

Thế nên, việc nhậu nhẹt suốt ngày và nhảy nhót ở bất cứ nơi đâu có thể không chỉ là lỗi của một mình các bạn trẻ mà còn của toàn xã hội. Xã hội chưa cho họ một lựa chọn khác?! Họ vừa là thủ phạm và cũng chính là nạn nhân. Xã hội thay đổi, trong khi đó thanh niên lại ưa xông pha, khám phá. Khám phá là điều tốt, nhờ khám phá mà chúng ta hiểu biết và phát triển. Vấn đề là nếu giới trẻ tò mò, khám phá với ma túy sẽ không có lối ra. Do đó, nếu không có sự quan tâm của gia đình, không có sự quản lý đúng đắn của xã hội, giới trẻ sẽ dễ lệch chuẩn.

Bạn đọc gửi bài viết, ý kiến bình luận, hoặc thậm chí chỉ là một dòng LINK bài viết từ mạng xã hội (Facebook, diễn đàn...) và bài viết này chưa đăng tải trên báo chí, chúng tôi sẽ cân nhắc ĐĂNG TẢI TRẢ NHUẬN BÚT CHO BẠN TRONG VÒNG 24 GIỜ.

Xem chi tiết chương trình: Trả Nhuận bút trong 24 giờ

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại