Hồ Ngọc Hà, Hậu duệ mặt trời và tâm thế độc tôn

Hà Quang Minh |

Nhắc đến Hậu duệ mặt trời mới là thời thượng, thời thượng như có lúc người ta đã từng nhắc đến Hà Hồ, “Hoa vàng cỏ xanh”...

Người ta nói gì khi nói về mặt trời?

Đó tưởng như là một câu hỏi “ngớ ngẩn” kiểu “treo ngược tâm hồn trên cành cây” nhưng hoá ra nó lại là câu hỏi thời thượng lúc này.

Hậu duệ mặt trời đang là từ khoá “hot” nhất, được nhiều người quan tâm nhất kể cả khi họ chưa từng xem bộ phim ấy bao giờ.

Nhắc đến Hậu duệ mặt trời mới là thời thượng, thời thượng như có lúc người ta đã từng nhắc đến Hà Hồ, “Hoa vàng cỏ xanh”...

Có người nói rằng tôn vinh bộ quân phục Hàn Quốc trong Hậu duệ mặt trời như thần tượng chính là sự phỉ báng lại quá khứ, phỉ báng lại lịch sử, phỉ báng vào nỗi đau đồng bào mình đã phải nhận từ lính đánh thuê Nam Hàn ở một thời kỳ bi thương của dân tộc.

Có người nói rằng giải trí chỉ là giải trí, nâng tầm làm cái gì cho mệt mỏi, đâu phải cứ thích Hậu duệ mặt trời là quên hết lịch sử đâu mà lo lắng quá.


Bộ phim Hậu duệ mặt trời đang gây sốt tại các nước châu Á.

Bộ phim Hậu duệ mặt trời đang gây sốt tại các nước châu Á.

Hai luồng quan điểm, như hai chiếc xe đua tốc độ cao, ngược chiều nhau, lao vào nhau rầm rầm, đến rã nát.

Vậy thì họ tranh cãi vì cái gì? Phải chăng vì họ quá yêu dân tộc này, quá quan tâm đến vận mệnh dân tộc này, quá đau đáu với tương lai của dân tộc này?

Được như thế thì phúc cho đất nước này quá.

Bao nhiêu trong số ngần ấy con người thực sự vì mục đích cao cả ấy?

Bao nhiêu trong số ngần ấy con người va vào nhau như hai cỗ xe ngược chiều chẳng qua cũng chỉ vì chữ “Tranh” ở trong từ “Tranh Luận”?

Tức là họ quyết đấu để giành lấy cái đúng về phần mình, giành lấy quyền mình là chân lý độc tôn duy nhất y như hàng ngàn cuộc tranh cãi xoay quanh Hồ Ngọc Hà, vaccine 5 trong 1…

Tất cả những người tham gia vào tranh luận kiểu ấy, về Hậu duệ mặt trời, đều nghĩ theo kiểu “thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, kiểu chỉ có mình là nhất, là chân lý, là một, là cái đúng tối thượng.

Những tôn giáo lớn nhất của loài người đều chung một điểm ở cái “duy ngã độc tôn” ấy.

Đức Tất Đạt Đa Cồ Đàm tuyên ngôn cái câu “thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” kia cũng chẳng khác gì Chúa trong các tôn giáo khởi từ Abraham đều khẳng định mình là duy nhất.

Đó là cái thời chuyển giao từ con người cái gì cũng sợ đến mức cái gì cũng thờ (đa thần giáo) sang giai đoạn bớt mông muội hơn, bắt đầu chỉ thờ một thần độc tôn.

Nhưng nên nhớ, ở thời chuyển giao đó, xã hội loài người vẫn còn mông muội lắm.

Và phải chăng, nó đã để lại một vết hằn trong ký ức nguyên thủy của con người, đến mức sinh ra, lớn lên, họ tôn thờ cái chủ nghĩa độc tôn đến mức chỉ có mình mới là số một, là đúng nhất, là duy nhất, cái sự duy nhất còn tồn dư lại từ những ngày hồng hoang mông muội.

Coi mình là độc nhất, chính là tư duy mông muội nhất. Bản chất đời sống là đa dạng. Đời sống đẹp vì sự đa dạng.

Chấp nhận đa dạng mới là văn minh chứ không phải mặc nhiên cấp cho mình cái quyền “số 1” và tước đoạt đi những đa dạng khác biệt khác mới là cấp tiến.

Và trong cơn tranh cãi say máu ăn thua về quan điểm liên quan đến Hậu duệ mặt trời, tuyệt nhiên chẳng ai nhắc đến điều “xưa như trái đất” và đã được ra rả nói suốt bao nhiêu năm ròng.

Ấy là cái quyền “duy ngã độc tôn” của các kênh truyền hình. Họ mặc nhiên muốn chiếu nội dung gì thì chiếu, bất chấp hệ quả của nó là gì.

Văn hóa nội tại của người Việt đã bị ăn mòn bởi chính những gì họ nhập khẩu về chiếu như Hậu duệ mặt trời, hay Cô dâu 8 tuổi… để đến mức cứ mở truyền hình lên là gặp ngay các series phim truyền hình nước ngoài.

Báo chí phản ảnh nhiều rồi. Các nhà văn hóa cảnh báo nhiều rồi. Nhưng các kênh truyền hình thì vẫn mặc kệ. Duy ngã độc tôn mà.

Sóng truyền hình như con đường riêng của họ, họ thích chạy xe cách nào là việc của họ. Thích thì xem, không thích thì đừng ý kiến làm gì cho mệt.

Và cái chủ nghĩa duy ngã độc tôn kia cũng chẳng phải chỉ tồn tại trong tranh luận, trong cách làm việc của ngành truyền hình nói riêng. Nó rộng khắp, như một căn bệnh lây rất nhanh của xã hội này.

Điện lực thích cắt điện lúc nào thì cắt. Gửi giấy báo tiền điện lần thứ 2 mới được 2 ngày, chưa thấy đóng tiền: Cắt.

Vaccine 5 trong 1, báo tin mở cổng đăng ký online lúc 9g sáng, 2500 liều. Vậy mà chỉ mới 9g01 thôi, cổng đăng ký online đã báo “hết thuốc”.

Duy ngã độc tôn là ở đấy chứ còn ở đâu nữa? Chẳng quan tâm đến con người ta sống chết thế nào, tôi có quyền mà, thích thì tôi mở, không thích thì tôi đóng, bao giờ có, tôi thông báo bất ngờ…

Và còn biết bao nhiêu dạng duy ngã độc tôn quái gở vẫn còn tồn tại trong xã hội này như một điều bình thường đến mức người ta cứ nhẫn nại mà chấp nhận, nhẫn nại mà chịu đựng, nhẫn nại y như cái cách mà nhân vật Ellis nói với nhân vật Andy trong phim The Shawshank Redemption về bức tường nhà tù vậy.

“Đầu tiên người ta sợ nó. Riết rồi người ta quen với nó. Và cuối cùng, người ta phụ thuộc vào nó”. Chúng ta đang ở trạng thái nào? Quen, hay phụ thuộc?

Chẳng hiểu nổi. Nhưng rõ ràng, nhìn lại ngay chính mình thôi, mình cũng thấy mình là một thứ “Dị dạng dưới mặt trời”…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại