Ngay từ khi mới vào Học viện Ngoại giao, Lê Kim Cương đã trở thành thần tượng của rất nhiều bạn trẻ bởi sự thông minh, sáng tạo, thành tích học tập đáng nể và năng nổ trong các hoạt động của đoàn trường cũng như ngoài xã hội.
Một số thành tích của Lê Kim Cương:
- 2011 Thủ khoa đầu vào của Học viện Ngoại Giao
- 2013 Giải nhất cuộc thi tìm hiểu Canada- Hello Canada, thành viên BTC chương trình tôi 2.0, trưởng BTC Đại hội thể thao Học viện Ngoại Giao- DAV Game
- 2014 Giải 4 Cuộc thi năng động – Concours Dynamique, thành viên BTC mô hình Liên hợp quốc Vietnam Youth Model United Nation
- Hiện đang là Phó chủ tịch Hội sinh viên Học viện Ngoại Giao
Chào bạn! Được biết bạn đã tham gia cũng như tổ chức rất nhiều chương trình trong và ngoài Học viện Ngoại Giao. Không biết cơ duyên nào đã đưa bạn đến với những hoạt động này?
Cũng khá tình cờ, sau khi đỗ vào Học viện được một học kỳ, khóa 38 của bọn mình có sự thay đổi vị trí khóa trưởng, nên mình đã được thầy cô và các bạn tín nhiệm lên thay. Từ đây, mình có cơ hội tiếp xúc với các hoạt động xã hội và cũng dần được giao những trọng trách lớn hơn. Mình đã thay đổi rất nhiều, năng động và hoạt bát hơn trước chứ không khép kín như hồi còn học phổ thông. Tại đây, mình cũng tìm được niềm đam mê trong các hoạt động xã hội.
Trong một chuỗi các hoạt động xã hội bạn đã tham gia, hoạt động nào để lại cho bạn những ấn tượng sâu sắc nhất?
Đó là chương trình chào khóa mới, là chương trình đầu tiên mình làm với vai trò Ban tổ chức. mình đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ những va vấp khi lên ý tưởng cho tới khi tổ chức chương trình. Rất may là chương trình đã được tổ chức thành công, mình được thầy cô cũng như các anh chị khóa trên khen ngợi, mọi người đều đánh giá đây là chuỗi chương trình chào khóa mới hay nhất từ trước đến giờ. Thông qua chương trình này, mình cũng làm quen được rất nhiều bạn mới và học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm. Các bạn, các anh chị đã dìu dắt và sau này đã trở thành những cộng sự quen thuộc của mình.
Nếu được dùng 3 tính từ để nói về còn người mình, bạn sẽ dùng nhưng từ nào?
(Cười) “Cao to, đen, hôi”. Mình đùa thôi, mình nghĩ là “ nguyên tắc, trách nhiệm và biết lắng nghe”.
Theo bạn một vấn đề mà tất cả các thủ lĩnh đều gặp phải trong quá trình tổ chức các sự kiện là gì?
Theo mình đó chính là việc giải quyết mâu thuẫn về quyền lợi, quyền lực và ảnh hưởng giữa các cộng sự với nhau, giữa cấp trên với cấp dưới. Mình luôn ở vị trí trung gian.
Vậy làm thế nào để bạn có thể dung hòa được các mối quan hệ đó?
Cố gắng tìm một biện pháp dung hòa nhưng không phải lúc nào cũng tìm ra được. Nếu có thể thì cách tốt nhất là hy sinh quyền lợi của chính mình vì việc chung.
Rất nhiều thủ lĩnh gặp khó khăn vấn đề xin tài trợ, “tuyệt chiêu” của bạn là gì?
Về vấn đề xin tài trợ, đây là hoạt động “khó nhằn” nhất khi bắt đầu chạy chương trình. Trong một hội thảo về xin tài trợ mình được tham dự thì trung bình cứ 10 hồ sơ gửi đi thì chỉ có 1-2 lời hồi âm từ các “Mạnh Thường Quân”. Nhưng qua các hoạt động mình từng làm, thì mình phát hiện ra muốn làm công việc này trở nên dễ dàng hơn thứ nhất cần phải xây dựng cho mình một phong cách thật chuyên nghiệp, từ vẻ ngoài tới cách nói chuyện với đối tác. Thứ hai là biết thật rõ đối tác mong muốn gì và chương trình mình cung cấp cho họ những gì. Thứ ba quan trọng nhất là phải tìm cách gây dựng được một danh sách càng nhiều đối tác tiềm năng càng tốt, tận dụng mọi mối quan hệ mình có.
Vậy theo bạn đâu là những phẩm chất mà một "thủ lĩnh" cần có?
Đó chính là có óc tổ chức và quản lý, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết thật cao, biết cách xây dựng “networking” rộng và có bên cạnh mình một ekip làm việc hiểu nhau, biết lắng nghe và quan sát tinh tế. Theo mình bấy nhiêu đó là đủ rồi. (cười)
Được biết, Cương thường xuyên tham gia làm phiên dịch viên cho những chương trình mang tính quốc tế, bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về công việc này của mình không? Kinh nghiệm bạn rút ra sau mỗi lần trở về là gì?
Chủ yếu mình làm phiên dịch viên hiện trường, đi theo các đoàn đại biểu, nói đơn giản là có gì dịch nấy. Chẳng hạn có một đoàn nhà báo muốn phỏng vấn đoàn đại biểu thì tớ sẽ làm phiên dịch cho hai bên, hoặc họ muốn mua gì đó ở các trung tâm thương mại hay ngoài chợ thì mình sẽ thông dịch cho họ nếu đang đi cùng đoàn.
Kinh nghiệm của mình rút ra được sau mỗi lần làm phiên dịch viên đó là luôn phải đảm bảo có một thể lực tốt, luôn phải sẵn sàng vì lúc nào cũng có thể bị điều động và phải tuân thủ kỷ luật trong công việc.
Lê Kim Cương làm phiên dịch viên cho Hội nghị các nước nói tiếng Pháp 4/2014
Bạn có gặp khó khăn gì trong công việc này không? Có thể kể một kỷ niệm bạn nhớ nhất chứ?
Có một kỷ niệm khiến mình nhớ nhất đó là trong một lần làm phiên dịch cho đoàn cứu hộ đến từ Singapore. Mình và các bạn khác phải làm phiên dịch hiện trường tại một khu nhà bị sập đổ, mọi thứ đều rất khủng khiếp, tường đổ, gạch vỡ, nói chung việc di chuyển rất khó khăn, nhiều chỗ phải leo trèo. Ngày hôm đó, mình phả đi theo vị trưởng đoàn và phó đoàn để phiên dịch, di chuyển trong khu vực nhà sập ấy, cũng khá là ghê, nhất là phải leo lên một chiếc cầu thang gãy, còn bên cạnh là một bức tường sập sát lan can mà ở tận tầng 3, vô cùng nguy hiểm.
Tham gia nhiều chương trình và hoạt động như vậy, chắc chắn đã chiếm rất nhiều thời gian của bạn? Làm thế nào để bạn cân bằng các hoạt động mà không làm ảnh hưởng đến thành tích học tập?
Mình phải đánh đổi thôi. Mình không có khả năng tập trung nhiều thứ một lúc, khi có hoạt động thì mình phải đánh đổi kha khá thời gian từ việc học và thời gian khác cho nó và ngược lại những đợt làm bài tập, kiến thức nặng hay ôn thi thì mình chỉ duy trì hoạt động ở mức vừa phải. Con người phải đối mặt với sự đánh đổi mà.
5 kỳ học liền mình đều nhận được học bổng của trường, mình vẫn đang rất cố gắng để trở thành thủ khoa đầu ra nhưng xung quanh mình còn có rất nhiều bạn giỏi nữa.
Bạn có thể chia sẻ một chút về ước mơ của mình trong tương lai không? Gần nhất là sau khi ra trường?
(Cười lớn) “Một vợ, hai con, ba tầng, bốn bánh”. Mình nghiêm túc đó, bản thân mình nghĩ, muốn làm gì thì làm, là đàn ông phải làm được trụ cột gia đình. Còn công việc trong tương lai mình chỉ mong muốn đơn giản là tìm được công việc đúng với ngành đối ngoại của mình thôi.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ! Chúc bạn may mắn và thành công trong cuộc sống.
Trong cuộc sống, BẠN NHÌN THẤY chuyện gì GÂY CẢM XÚC MẠNH cho bản thân (xúc động, phẫn nộ, bất bình, đau đớn, thán phục, hạnh phúc, sảng khoái...)? Hãy lập tức DÙNG ĐIỆN THOẠI quay clip hoặc chụp ảnh, hoặc viết thành bài theo cách của bạn. Cũng có khi, chỉ một thông tin/ảnh/clip đăng trên mạng xã hội (từ Facebook, diễn đàn... không phải trên các báo) cũng khiến bạn có cảm xúc, suy nghĩ... Gửi ngay cho chúng tôi qua email cudanmang@soha.vn! Chúng tôi sẽ duyệt để ĐĂNG TẢI và TRẢ NHUẬN BÚT CHO BẠN TRONG VÒNG 24 GIỜ. |