Dáng người nhỏ nhắn, cao chưa đầy 1,55m, nặng chỉ tầm 40kg, thêm chiếc váy màu vàng nhạt điểm hoa càng khiến Hoàng Xuân Thảo trở nên trẻ con so với độ tuổi 27.
Thích thì làm
Thảo từng viết trên Facebook thế này: “Em không thích trang điểm hay mua sắm linh tinh, miễn khi cần đẹp thì khối người phải ngoái nhìn là được rồi. Vậy nên đa phần lúc nào em cũng áo thun, quần đùi, dép kẹp thoải mái. Ai thấy vui khi đi bên cạnh một em như vậy?”. Vậy nên, trong chuyện tình cảm, cô thường lắng nghe chính mình, chứ không làm theo người khác, miễn mình không gây tổn hại ai là được.
Thảo bảo cô cũng thường đi ngược lại với những lề thói quen thuộc. Kiểu như cô chỉ thích đi xem phim vào buổi trưa hoặc nửa đêm, thích ăn kem hay ra biển giữa cái lạnh mùa đông, ngày 8.3 hay 20.10 không thích nhận hoa, lễ 14.2 không cần chocolate, thậm chí ngồi ngay cạnh người yêu vẫn còn nhắn tin điện thoại cho người ta.
Có hôm đi tất niên với nhóm bạn cũ thời đại học, ai cũng ngạc nhiên vì cô mặc nguyên một bộ áo dài tím Huế nom rất... lạc tông. Mọi người quay sang thắc mắc: “Em đi đâu về rồi qua đây luôn hả?”. Thảo trả lời, “Dạ không, em đi từ nhà tới”. “Vậy sao mặc áo dài?”. “Tại em thích!”. Thảo đáp tỉnh rụi như thế rồi toét miệng cười khiến đám bạn chỉ biết lắc đầu.
Có lần chạy bộ ngoài công viên, Thảo ngẫm ra nếu chạy cùng chiều với mọi người thì chỉ mãi thấy lưng của người đi trước. Vậy là cô nép qua một bên, thử chạy ngược chiều, kết quả là thấy được gương mặt tất cả mọi người, càng nhìn càng thú vị. Từ đó, lúc nào chạy bộ cô cũng chạy ngược chiều như một thói quen.
Cô chủ của Familk cũng tự nhận là người thích săn tìm cái đẹp, bất kể đó là người hay cảnh, đồ vật hay hành động. Định nghĩa cái đẹp của cô cũng rộng. Chẳng hạn như một lần ở trong bệnh viện chăm bố, giường bên cạnh là một cụ ông bị bệnh mất trí nhớ. Cụ không nhớ mặt con, thậm chí cả việc vệ sinh cá nhân hay ăn uống thế nào, nhưng hễ cụ bà đi đâu là ông đi kiếm cho bằng được. Cụ chỉ nhớ mỗi vợ mình. Với Thảo, vậy là đẹp rồi.
Vì cá tính lắm trò “quái đản”, sống theo bản năng đó mà Thảo bảo cô có nhiều bạn thân nhưng mối quan hệ quen biết xã giao thì ít lắm. Ừ thì có bạn thân rồi cần gì bạn xã giao? Chính suy nghĩ trọng “chất lượng” hơn “số lượng” đó đã hướng Thảo xây dựng thành công thương hiệu sữa Familk.
Thành công từ ý tưởng đơn giản nhất
Công ty Thảo nhận đơn đặt hàng khoảng 300 chai sữa mỗi ngày. Con số này chỉ là hạt cát bé nhỏ so với các ông lớn trong ngành, nhưng bà chủ của Familk lại nhận được cả trăm lời đề nghị nhượng quyền thương hiệu. Người ta bị thuyết phục bởi ý tưởng kinh doanh thứ “sữa không có gì ngoài sữa” khá lạ lùng của Hoàng Xuân Thảo.
Đặt chân vào cuộc kinh doanh sữa vốn nhiều cạnh tranh, số vốn khởi nghiệp cũng chỉ vỏn vẹn 50 triệu đồng, cô gái nhỏ cho biết, bí quyết thành công đôi khi không nằm ở khoản tiền đầu tư mà ở tấm lòng của người tạo ra sản phẩm. Nghĩa là phải làm cho người ta tin rằng, mình nấu sữa như đang cho con cháu mình uống chứ không phải chỉ để đem bán thu lợi nhuận.
Đoạn, cô quay sang kể chuyện những lần khách hàng gọi điện phàn nàn về sữa. Họ hỏi vì sao váng sữa dày uống béo quá, vì sao váng sữa mỏng, có phải pha thêm nước vào không, vì sao giao hàng trễ... Những lúc đấy, vai trò của người làm chủ là phải trấn an và giải thích nguyên do cho khách hàng thông cảm.
Sau một hồi nghe Thảo kể chuyện, khách bỗng bị thuyết phục và quay ra tâm sự đủ điều. Thảo trở thành người tư vấn tâm lý bất đắc dĩ. Có lẽ nhờ sự mềm mỏng vốn có và khả năng lắng nghe, thấu hiểu người khác nên Thảo được khách hàng tin cậy rồi họ giới thiệu thêm bạn bè tìm đến uống sữa Familk.
Ý tưởng kinh doanh ra đời trong một lần Thảo ghé thăm một trang trại và uống sữa tại đó. Cô hết sức ngỡ ngàng vì chưa bao giờ được uống một ly sữa ngon như thế. Hỏi ra thì biết, sữa vắt ra tự nhiên đã ngon như vậy.
Trong thời đại các ông chủ sữa lớn tranh nhau áp dụng công nghệ chế biến những hộp sữa vị dâu, cam, chocolate, sữa tách béo... và ít nhiều đều sử dụng chất bảo quản thì Familk của Thảo ghi điểm chỉ bởi đây là loại sữa “không có gì ngoài sữa” đúng như câu slogan “Nothing but milk” của nó. Đầu tiên, Thảo chỉ nghĩ là dành cho gia đình mình uống, tiếp nữa là chia sẻ cho bạn bè, người quen.
Khá khó tính trong công việc vì một khi đã làm thì rất cầu toàn, Thảo kể, cô bỏ ra 6 tháng chạy xe máy khắp các tỉnh thành để mày mò mọi thứ giúp thành phẩm hoàn chỉnh nhất. Chẳng hạn như để tìm ra nút gỗ đậy vào chai, cô đi khắp các chợ Bình Tây, chợ Bàn Cờ, chợ Lớn... để tìm.
Nhưng đến nơi, chỉ thấy người ta bán nút gỗ to dùng để đậy bình thủy hoặc loại nút nhỏ dài trông thiếu thẩm mỹ. Khi không có cơ sở nào ở Sài Gòn sản xuất, cô chạy đến chợ Bình Tây hỏi bà chủ bán nút chai về cơ sở sản xuất thì bị mắng té tát vì “người ta bán hàng không mua mà chạy đi hỏi đầu mối cung cấp”. Ông chồng của bà chủ thấy vậy thì nhìn cô mỉa mai: “Thích thì xuống Bến Tre mà tìm”. Chỉ với 2 từ khóa Bến Tre mà ông chủ bán hàng vô tình tiết lộ, Thảo tức tốc bắt xe về Bến Tre, mượn xe máy bạn bè chạy lòng vòng khắp tỉnh tìm cho ra chỗ sản xuất.
Suốt 4 ngày rong ruổi, cô cũng tìm ra xưởng. Nhưng đến nơi, người ta bảo phải đặt ít nhất một vạn cái thì mới làm. Lúc đó, không có tiền, vì tổng số vốn cô có được chỉ khoảng 50 triệu đồng nhờ tích cóp lương làm thuê copywriter, stylist và tiền dành dụm từ học phí MBA. Cô năn nỉ mãi thì chủ xưởng quyết định làm cho 1.000 cái đầu tiên.
Cũng những ngày đầu khó khăn đó, khi Thảo muốn sắm kệ trưng bày sữa nhưng người ta báo giá 5 triệu đồng, cô quyết định tự mua gỗ về hì hụi đóng thì chỉ mất 500 ngàn đồng. Chỉ vậy mà Thảo vui lắm. Cô chia sẻ, không có vốn thì không phát triển được, nhưng vốn không phải yếu tố quyết định đầu tiên. Với nguồn lực có hạn, cô vẫn phải tìm cách đạt được điều mình muốn.
Vẫn là... người nghèo
Lúc bắt đầu kinh doanh riêng, Thảo không cho gia đình biết vì sợ bố mẹ ngăn cản, lo lắng. May mắn thay, số tiền bỏ ra ít nhưng sau 3 - 4 tháng đã thu hồi vốn. Bắt đầu với quy mô nhỏ, nhưng dần dà khi có lợi nhuận, cô đầu tư cho quy mô lớn hơn. Ngày trước chỉ đủ tiền đặt 1000 nút chai/lần nhưng giờ số nút chai đã tăng lên thành mấy vạn một lần đặt.
Chỗ xưởng sản xuất nút chai từ việc gia công bằng tay giờ đã đặt riêng một máy sản xuất nút chai cho Thảo. Lúc đầu, cô chỉ có một tủ lạnh nhỏ để bảo quản sữa thì giờ đã đủ tiền mua hẳn một tủ lạnh công nghiệp có giá 50 triệu đồng - bằng số vốn khởi nghiệp ban đầu.
Thảo chia sẻ, thành công lớn nhất không phải là việc quy mô công ty ngày càng lớn mạnh hoặc được nhiều nhà đầu tư đề nghị góp vốn, nhượng quyền thương hiệu. Với cô, niềm vui quan trọng hơn hết là tìm được những người cùng chung ý tưởng và cảm thấy hạnh phúc khi mình đã ít nhiều thay đổi được số phận của họ. Có lần, đơn đặt hàng nhiều quá nhưng công ty thiếu nhân sự.
Thảo chỉ kịp in tờ rơi dán ngoài đường. Đúng lúc đó, một cậu bé 18 tuổi đến gặp Thảo bảo “chị cho em làm thử”. Sau 2 năm, từ một cậu bé 18 tuổi ngơ ngác đã trưởng thành chững chạc, biết chăm lo cho gia đình, quan tâm mọi người, định hướng tương lai và trở thành trụ cột của công ty. Đó là điều làm Thảo hài lòng nhất.
Từ một người vô danh dần được nhiều báo đài biết đến và mời phỏng vấn như một vị giám đốc trẻ thành công nhưng Thảo vẫn khiêm tốn bảo bây giờ cô vẫn nghèo lắm. Vì bao nhiêu lợi nhuận thu được mỗi tháng, cô đều tái đầu tư, mua thêm trang thiết bị, máy móc cũng như đào tạo nhân sự. Dù vậy, nụ cười và sự lạc quan của cô khi nói chuyện với tôi lúc này, như một lời hứa hẹn rằng, sẽ không bao lâu nữa, những nỗ lực đi gieo khát vọng của cô sẽ có kết quả.