Chàng trai hồ hởi giới thiệu tên mình là Phạm Văn Hùng, sinh năm 1988, quê ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). “Nhà mình trước đây ở cạnh Vân Đình (nơi có vịt cỏ đặc sản) nhưng từ nhỏ đã theo ba mẹ vào Nam sinh sống làm nhiều nghề từ phụ hồ đến bán bắp xào”, Hùng chia sẻ.
Đưa Hùng xem tấm ảnh của anh đang được lan truyền trên mạng, anh cười lớn, rồi gật đầu hiểu rằng thảo nào mấy hôm nay có nhiều người đến hỏi han mình.
Chia sẻ về việc bất ngờ nổi tiếng, anh bán xôi cười nói: "Mình rất vui vì người viết đã nói đúng tính cách của mình.
Mấy bạn đi qua ghé lại hàng của mình xin chụp ảnh cùng, có cả anh đi xe máy ngang qua dừng đèn đỏ cũng đứng lại bắt tay. Mình không quen làm người nổi tiếng như thế, ngại ra phết...”.
Anh Hùng bảo cứ gọi anh là “anh bán xôi” vì anh thích cái tên gần gũi này. Hàng ngày, anh chở xe hàng rong ruổi đi bán khắp các con đường ngõ phố từ 15h chiều đến 3h sáng. 20h anh dừng chân ở ngã tư Đội Cấn - Liễu Giai (Hà Nội).
Không chỉ có bánh giòn, xôi dẻo mà tính cách hài hước, lối nói chuyện có duyên giúp Hùng rất được lòng khách. Nhờ thế mà mỗi ngày anh cũng kiếm được khoảng sáu đến bảy trăm nghìn đồng.
Mỗi ngày anh bán hết khoảng 70 chiếc bánh mì. Dù đứng bán hàng bên vỉa hè nhưng cũng có nhiều khách hàng thân thiết đến mức anh có thể cho khách nợ tiền đến cả trăm ngàn.
Có những vị khách ra ngồi cả tối chỉ để “chém gió” với anh. Chúng tôi gặp những người dân ở khu vực Đội Cấn, Liễu Giai, ai cũng dành những lời khen cho anh chàng bán xôi vui tính và nhiệt tình.
“Mình không bao giờ buồn vì lúc nào cũng có chuyện để nói, có cái để vui”, anh chia sẻ. Quả thực, suốt buổi trò chuyện, anh kể về cuộc sống, về cái nghề bán hàng dạo nay đây mai đó và kể về cả tình yêu của mình.
“Trong tình yêu, duyên số là một chuyện, quan trọng là phải biết ăn nói. Nhìn mình xấu trai thế thôi chứ nhiều cô xinh xắn, đi xe đẹp vẫn xin số điện thoại của mình làm quen đấy.
Nhưng mình biết thân phận của mình, nên chỉ nói chuyện bạn bè vậy thôi, không dám nghĩ đến tình yêu", anh Hùng dí dỏm.
Kết thúc câu chuyện về tình yêu, anh lại tâm sự chuyện cuộc đời mình. Ngày xưa gia đình anh nghèo khổ, 15 tuổi anh đã phải theo mẹ đi bán bắp xào, lớn hơn chút đi làm thợ hồ.
Có thời gian, anh còn sang cả Campuchia bán ngô xào. Nhưng hay tin bố mất, anh không về được trong lòng áy náy vô cùng. Anh chuyển hẳn về Hà Nội tậu xe đi bán xôi, bánh mì.
Dù bán được hàng, anh Hùng vẫn đang học thêm nghề sửa xe. Dự định của anh là kiếm nghề an cư lạc nghiệp để lấy vợ. Anh bảo: “Xưa đời anh khổ, bi đát rồi nên giờ mà còn nghĩ đến chuyện chơi bời thì đời chấm hết thôi. Phải làm ăn để còn cưới vợ chứ”.
Tiếp tục câu chuyện, anh lại kể về những ngày tháng buôn bán ở Sài Gòn: "Hồi đó, mình rất thương một cụ bà, già cả, sức khỏe yếu mà ngày nào cũng gánh hàng đi bán.
Có lúc cụ bị người ta đổ cả gánh xoài vào thùng rác. Mình nghĩ thế này: Ta giúp người, người lại giúp ta, trong túi có 1 nghìn, mặc dù rất đói nhưng vẫn cho người cần hơn, rồi chắc chắn sẽ lại có người khác cho bạn thậm chí là nhiều hơn thế”.
Mỗi khi có khách đến anh lại hồ hởi hỏi khách ăn gì, món nào anh không có anh nhiệt tình giới thiệu cho khách đến địa chỉ khác.
“Mình bán hàng thoải mái lắm, các bạn tiếp xúc với mình là sướng, kể cả xe hơi hay xe đạp thì mình vẫn đón tiếp như nhau cả thôi”. Một vị khách đến hỏi mua, anh lại chạy ra đon đả với những câu nói “tranh phần” khách khiến ai cũng phì cười về độ hài hước của anh:
- “Ăn gì chú em? Bánh mì trứng, pate, xúc xích hay xôi thịt kho? Chơi không, kể ra chuẩn vẫn là xôi thịt kho bài bản. Bình dân hay chịu chơi 15k hay 20k? Thôi 15k cho nhẹ nhàng nha”.
- “Chú ơi, anh khuyến mại thêm ít ruốc cho nó ngon nhỉ? Chú cứ ăn vô tư đi...”.
Tạm biệt anh bán xôi, anh không quên hẹn hôm sau trở lại cầm thêm ghế ra buôn dưa lê với anh. Anh bán xôi giản dị, chân chất với những mẩu chuyện cười ra nước mắt nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa là hình ảnh đẹp giữa những bộn bề, bon chen trong cuộc sống.