Trong khi nhiều trường Đại học thường không có đồng phục thì Học viện Ngoại giao Việt Nam, Học viện Hàng không Việt Nam và Đại học Ngoại thương (Cơ sở phía Nam) lại trang bị cho sinh viên những bộ cánh cực ‘lung linh’, mang đặc trưng riêng của từng trường. Mỗi bộ đồng phục mang một ý nghĩa, sự ra đời nhiều thú vị và tạo được sự gắn kết giữa nhà trường – sinh viên.
Đồng phục mang tên "Sinh viên Hàng không"
Hai năm trước đây, đồng phục trường Hàng không truyền thống là áo trắng quần tây dành cho nam và áo dài xanh dành cho nữ (chỉ mặc thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần). Đến khoảng tháng 9/2012, trường mở cuộc thi thiết kế đồng phục, tạo điều kiện để sinh viên được quyết định trang phục đến trường của mình.
Qua nhiều phần thi, mẫu thiết kế của bạn Nguyễn Phước Đăng Khoa đã được nhà trường lựa chọn trở thành đồng phục chính thức của nhà trường. Tuy nhiên sau khi đưa ra trưng cầu ý kiến của sinh viên, sản phẩm của Khoa lại gặp nhiều ý kiến phản đối. Được trao cơ hội thứ 2, Khoa đã đến ngày đêm mầy mò, tham khảo cả ý kiến lẫn đồng phục của các trường cũng như hãng hàng không trên thế giới để đưa ra mẫu thiết kế cuối cùng của mình.
Chia sẻ về ý tưởng thiết kế, Khoa cho biết: “Theo mình, đồng phục khi nhìn vào phải tạo đặc trưng của trường và tạo vẻ đẹp cho người mặc nó. Vì vậy mình nhấn vào bộ đồng phục này chiếc cầu vai và cà vạt”. Ý tưởng chiếc cầu vai lấy từ bộ đồng phục của phi công và yêu cầu sự phân biệt sinh viên các năm. Các bạn sinh viên năm 1 sẽ mang cầu vai với một ngôi sao và mỗi năm sinh viên sẽ có thêm 1 ngôi sao.
Bắt đầu từ đầu năm 2013, Học viện Hàng không đã triển khai quy định mặc đồng phục. Với sản phẩm đẹp, theo đúng xu hướng lại xinh xắn, lịch sự nên nó đã chiếm được cảm tình của hầu hết sinh viên nhà trường. Và đi đâu, sinh viên Hàng không cũng tự tin khoe "bộ cánh" chất lừ của mình.
Đồng phục mang đúng bản sắc sinh viên Ngoại giao
Được áp dụng đến nay là năm thứ tư, đồng phục mang bản sắc sinh viên Học viện Ngoại giao Việt Nam gây ấn tượng mạnh bởi vẻ chuyên nghiệp, hiện đại của áo sơ mi xanh, thể hiện lòng yêu chuộng hoà bình của những Nhà Ngoại giao tương lai.
Thời điểm này, đồng phục sẽ được mặc vào các dịp lễ lớn, sự kiện mang tính chất quan trọng, họp Đoàn hội,.. Dự kiến năm sau, mỗi khối sẽ luân phiên mặc đồng phục các ngày trong tuần.
Là người trực tiếp đưa ý tưởng và tiến hành thay đổi đồng phục, cô Trần Thị Thu Hà (Nguyên Trưởng phòng Công tác Chính trị, Quản lí Sinh viên) cho biết: “Năm 2010, nhà trường phát động cuộc thi thiết kế đồng phục. Sau đó, tôi cùng các bạn có tác phẩm đoạt giải bàn luận, đưa ra một mẫu đồng phục chung. Màu đồng phục được bình chọn từ chính các sinh viên trong trường”.
Cô Thu Hà giải thích thông qua bộ đồng phục, sinh viên Ngoại giao phải thể hiện tốt sự hiểu biết về chính trí, có tư cách tác phong chuẩn mực và tự tin trong diễn thuyết cũng như giao tiếp. Ngô Hoàng Thương Thương (SV khóa 40) cho biết: “Lúc đầu nhận đồng phục mình đã tự hỏi sao lại giống trang phục công sở vậy, tuy nhiên, sau mỗi lần mặc mình cảm thấy bản thân chững chạc hơn hẳn. Đồng thời, mình cũng ý thức được công việc và trách nhiệm của mình sau này".
"Bộ nhận diện thương hiệu" của sinh viên Ngoại thương
Năm 2009, với mong muốn xây dựng hệ thống nhận diện thương hiện riêng cho sinh viên kèm với dây đeo thẻ, ban giám hiệu trường ĐH Ngoại thường (CS Phía Nam) đã tổ chức cuộc thi thiết kế đồng phục. Chung cuộc, mẫu thiết kế của bạn Nguyễn Hữu Thanh Tuệ được chọn và triển khai gồm: Áo sơ mi và cà vạt mang sắc đỏ, ton-sur-ton với logo truyền thống của trường. Mỗi tuần, sinh viên sẽ "diện đồng phục" vào thứ Ba và thứ Năm.
Bạn Lê Ngô Thảo My (sinh viên K52) giải thích về đồng phục: “Cô Trang dạy Anh văn nói với tụi mình rằng, theo phong thuỷ thì màu đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết, năng lượng dồi dào. Đây cũng là điều mà thầy cô giáo mong muốn ở sinh viên Ngoại thương”.
Trong ngày cuối cùng đến trường của đời học sinh, các sinh viên K50 thậm chí còn kêu gọi nhau mặc đồng phục để kỷ niệm. Huỳnh Anh Huy (một sinh viên K50) cho biết: Lâu lắm rồi mới được nhìn thấy cảnh cả lớp trong một bộ trang phục, nhìn thấy yêu thương và xúc động lắm. Hồi cấp 3 cứ tưởng lên ĐH không có đồng phục nữa, nào ngờ vẫn còn được hưởng niềm hạnh phúc này".
Ngoài ra, dây đeo đỏ với dòng chữ Đại học Ngoại thương cũng được đi kèm với đồng phục