"Đừng phán xét hành động cứu người của cô giáo, cứ thế ai còn dám giúp người gặp tai nạn nữa!"

Thu Hường |

Thấy học trò của mình vẫn còn thoi thóp, cô giáo đã lao vào cầu cứu xung quanh, tìm mọi cách cứu bé Gia Hân dù biết hy vọng thật mong manh. Nhưng cái cô nhận lại được nhiều nhất lại đang là lời chỉ trích...

Lao vào giữa đám đông để cầu cứu người giúp học trò của mình, nhưng cái cô giáo nhận lại là lời chỉ trích...

Những ngày qua, xảy ra tại Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) khiến 3 người thiệt mạng trong đó có bé Gia Hân chỉ mới 6 tuổi, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Bên cạnh những bàn cãi, những phỏng đoán về tình tiết vụ án, có một chuyện khiến chúng ta phải suy ngẫm, phải day dứt nhiều hơn.

Đó là khi không ít kẻ lao vào "ném đá" cô giáo của bé Gia Hân chỉ vì cô đã lao vào giữa đám đông, cầu cứu khắp nơi giúp học trò của mình dẫu biết rằng chỉ còn những tia hy vọng mong manh.

Họ hùa vào chỉ trích cô bởi cho rằng "cô và những công dân nhiệt tình tại hiện trường đã chung tay đẩy cháu về bên kia thế giới, chẳng có vé khứ hồi". Thế là bỗng chốc, dang tay cứu người gặp nạn lại trở thành tội ác.

Những tranh cãi bắt đầu khi cô giáo K.L.D kể rằng, khi tận mắt chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc, cô đã vô cùng hoảng hốt khi nhận ra bóng dáng chiếc áo trắng đồng phục của học trò mình.

Đoán biết học sinh mình gặp nạn, cô vội vàng lao tới, không chút đắn đo, cô lập tức gọi xe cấp cứu để đưa em đến bệnh viện.

Trong thời gian chờ xe cứu thương đến, cô đã vô cùng sốt ruột và nhờ vả rất nhiều sự giúp đỡ, từ công an cho đến những người lái xe taxi ngang qua. Thế nhưng, nhiều xe đi qua, nhìn thấy tai nạn là lại rồ ga chạy mất.

Hiện trường thảm khốc của vụ tai nạn.
Hiện trường thảm khốc của vụ tai nạn.

"Đúng lúc xe tải nhỏ của công an phường xuất hiện. Mình nói các chú đưa cháu đi. Mọi người bế cháu đặt xuống lòng xe tải...".

Đang đi giữa đường thì xe cứu thương đến, mọi người lại chuyển Hân từ xe tải sang xe của 115. Bé Hân được đưa đến bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Tuy nhiên, dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, em vẫn không thể thoát khỏi bàn tay tử thần.

Thay vì ca ngợi nghĩa cử của cô, nhiều người lại lao vào chỉ trích vì cho rằng chưa chắc việc tự ý di chuyển nạn nhân lúc đó đã là điều tốt nhất là khi cô không có kiến thức về sơ cứu. Thậm chí có người còn sẵn sàng dội vào cô một gáo nước lạnh:

"Tinh thần cứu người và tình thương học sinh của cô giáo là cực kỳ bao la, nhưng tôi xin phép dội tặng cô một ca nước lạnh.

Vì tình trạng của cháu G.H diễn biến xấu đi và cuối cùng là tử vong sau đó không lâu, rất có thể có đóng góp của cô và những công dân nhiệt tình tại hiện trường".

Có thể, về một khía cạnh nào đó, họ có lý. Nhưng cũng không thể lấy đó làm lý do bao biện cho việc thấy chết không cứu.

Khoanh tay đứng nhìn nạn nhân đang thoi thóp tại hiện trường, hay chờ xem có ai đó đến cứu không chẳng phải là chuyện chúng ta vẫn nói hằng ngày với 2 từ vô cảm đó sao.

Người ta dẫn ra nhiều cái cớ như: Sợ sẽ gặp phiền phức, người nhà sẽ không hiểu rồi đổ lỗi thậm chí lao vào đánh ân nhân? Sợ không biết cách giải cứu thế nào cho đúng?

Hùa theo đám đông, không thấy ai lao vào nên cũng chỉ đứng ở vòng ngoài ... Nhưng thẳng thắn mà nói, mọi lý do đều chỉ là biện minh cho sự thờ ơ, thậm chí là hèn nhát của bản thân mà thôi.

Nếu ai cũng như ai, đều cho rằng việc cứu người không phải của mình, tốt nhất nên tránh xa để khỏi "làm phúc phải tội" thì làm sao có thể tìm ra "một tấm lòng trong thiên hạ".

Bạn có thể thanh thản được hay không khi nhìn thấy người khác đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết mà có thể chỉ một cái đưa tay của bạn có thể giúp họ trở lại với cuộc sống này?

Theo hình ảnh trong camera ghi lại thì khi đó bé Gia Hân đang ngồi phía trước xe máy và bị tông trực diện.
Theo hình ảnh trong camera ghi lại thì khi đó bé Gia Hân đang ngồi phía trước xe máy và bị tông trực diện.

Trên facebook sau đó, cô giáo D. cũng chia sẻ thêm: "Mình biết, có nhiều thông tin ủng hộ việc làm của mình. Cũng có những thông tin cho rằng mình làm như vậy chưa đúng quy định sơ cấp cứu ban đầu.

Mình xin chia sẻ: Tuy là giáo viên ngoại ngoại ngữ nhưng mình là Tổng phụ trách Đội, hơn 30 năm qua năm nào cũng được tập huấn nghiệp vụ sơ cấp cứu bạn đầu.

Khi quyết định đưa con đi cấp cứu đã 40 phút sau khi tai nạn xảy ra. Tình trạng chấn thương của con thực sự là quá nặng, khi đưa đi mọi người chứng kiến đều đã xác định con khó lòng qua khỏi".

Đến giờ, hình ảnh các nạn nhân vẫn luôn là một nỗi day dứt, ám ảnh cô. Cô giáo chỉ ước rằng: "Nếu cho mình có một điều ước duy nhất thì mình sẽ ước, đây chỉ là cơn ác mộng, sáng thức giấc lắc lắc đầu xua đi nhận ra chỉ là cơn ác mộng... Không phải là sự thật".

Đừng phán xét hành động cứu người của cô giáo, cứ thế ai dám giúp người gặp tai nạn nữa!

Câu chuyện cứu người gặp nạn như thế nào có lẽ vẫn sẽ là chủ đề bàn luận sôi nổi trong một thời gian dài. Làm sao để đem lại hiệu quả cao nhất, để không còn phải lo những chỉ trích có thể nhắm vào mình.

Để hiểu hơn về cách ứng xử khi gặp người tai nạn giao thông nói chúng cũng như trường hợp của em Hân nói riêng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nguyên bác sĩ đa khoa của bệnh viện Xanh-Pôn, ông Mẫn Văn Bảy.

Nói đến vụ tai nạn đau lòng vừa xảy ra, ông Bảy chia sẻ, trong trường hợp vụ tai nạn này, không thể nói rằng việc di chuyển nạn nhân là nên hay không nên.

"Để kết luận về thương tích, sự tác động của việc đi bằng xe tải đến nơi cấp cưu còn phải chờ kết luận của bác sĩ chuyên khoa. Theo tôi, cư dân mạng không nên dựa vào quan điểm chủ quan mà đưa ra phán xét.

Như thế, một mặt sẽ gây ra sự tổn thương tâm lý rất lớn cho cô giáo K.L.D đồng thời làm nhiều người hoang mang, không dám cứu giúp người gặp tai nạn giao thông".

Vị bác sĩ này cũng nói thêm, ông hoàn toàn ủng hộ cách xử lý của cô giáo K.L.D. "Cháu Hân là người bị xe Camry đâm đầu tiên. Cháu ngồi trước xe và còn quá nhỏ nên thương tích của cháu sẽ rất nặng nề.

Chúng ta cứu người vì tình nghĩa, vì cái tâm chứ không nên thấy khó mà bỏ mặc họ hay vin vào cớ phải chờ xe cứu thương đến".

Vị bác sĩ này cũng cho rằng, người dân nên hỗ trợ phân luồng giao thông thuận lợi để xe cứu thương tiếp cận hiện trường nhanh nhất.
Vị bác sĩ này cũng cho rằng, người dân nên hỗ trợ phân luồng giao thông thuận lợi để xe cứu thương tiếp cận hiện trường nhanh nhất.

Từ trường hợp của bé Gia Hân, ông Bảy cũng đưa ra phân tích, khi gặp người bị tai nạn giao thông, điều đầu tiên mọi người nên kiểm tra xem nạn nhân còn sống hay không.

"Tiếp theo đó là lập tức gọi xe cấp cứu, bảo vệ hiện trường và trông coi tài sản cho người bị tai nạn".

Tuy nhiên, ông Bảy cũng phân tích: "Về lý thuyết mà nói, nếu người có mặt ở hiện trường không có kiến thức sơ cứu cơ bản thì không được tự ý sơ cứu nạn nhân. Nhiều trường hợp sơ cứu không đúng cách đã khiến cho tình trạng bệnh nhân nguy cấp hơn".

Theo ông, trường hợp hiện trường có hỏa hoạn hoặc có tình huống bất ngờ xảy ra, buộc phải di chuyển nan nhân đi nơi khác hoặc thương tích nặng, cần đưa ngay đến bệnh viện thì tùy vào từng tình hình của nạn nhân, người dân nên có cách xử lý khác nhau.

"Trong thời gian chờ đợi xe cứu thương, nếu phát hiên nạn nhân bất tỉnh, ngất, ngạt khí có thể làm hô hấp nhân tạo.

Nếu thấy họ bị gãy tay, chân nên cố định vị trí bị gãy và dùng xe ô tô di chuyển đến bệnh viện cấp cứu gần nhất. Tuyệt đối không dùng xe máy để di chuyển nạn nhân".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại